Bộ vợ chồng con “nghỉ chơi” rồi sao?

Ngày đánh thắng “cô Vi”, chị Huyền Ngọc chụp hình cái que test nhanh một vạch gửi vào nhóm chat gia đình. Các anh chị khác nhao nhao gửi biểu tượng hoan hô, còn mẹ chị dưới quê vẫn im re. Thường mẹ phản hồi nhanh lắm, nhất là những gì liên quan tới an nguy của con cái.


Đến chiều, mẹ gọi chị, hỏi thăm các triệu chứng đã dứt hẳn chưa, rồi thắc mắc đượm đầy ưu tư: “Mẹ hỏi thiệt, vợ chồng con vẫn mặn nồng phải không? Sao con bị mắc COVID-19 mà chồng con không bị? Do chồng con có kháng thể mạnh hả? Hay do tụi bây trước nay không xáp lại với nhau? Bộ bây nghỉ chơi với nhau rồi sao?”.


Chị đứng hình khi mẹ hỏi tới tấp đề tài ái ân giường chiếu “ngại nói chết đi được” ấy. Mẹ tuổi đã ngoài 70, phòng không chiếc bóng đã mười mấy năm từ hồi ba mất mà mẹ vẫn còn nhớ, vẫn còn lưu tâm đến hạnh phúc gối chăn của con gái. Chị cười mà nước mắt chực ứa với cái diễm phúc “đời còn có mẹ”.


Bộ vợ chồng con “nghỉ chơi” rồi sao?


Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK


Chị mở loa lớn cho anh xã “kháng thể mạnh” nghe, anh mắc cỡ đỏ mặt, nhưng vẫn chăm chú theo dõi. Anh len lén nhắc nhỏ, ra dấu để phần giải trình của vợ được đầy đủ, kín kẽ hơn, để hồi đáp trọn vẹn những “vì sao, tại sao” không ngớt của mẹ.


Phần giải trình của chị Huyền Ngọc (với sự phụ diễn của chồng) gồm những ý chính sau: vợ chồng chị vẫn ngủ chung hằng đêm, thỉnh thoảng thằng nhóc xin chen vô giữa; từ khi dịch bệnh xuất hiện, cả nhà tự giác áp dụng quy tắc phòng tránh bằng cách không chung đụng, không ngủ cùng giường, không dọn mâm cơm tránh mọi người xúm lại gắp thức ăn, mỗi người bới một tô, có thể ăn đồng loạt nhưng ngồi cách nhau trên 2m. Kể cả đưa đồ cho nhau cũng không trao tận tay mà xịt khuẩn kỹ càng, để ở cầu thang, bậc cửa… hơn 30 phút, đợi con vi-rút “ngáp ngáp” rồi chết, người kia mới ra lấy (trong trường hợp không quá gấp). Nhờ đó mà khi chị Ngọc ra ngoài đường làm việc, không may bị mắc COVID-19, chồng con chị vẫn bình an vô sự.


Chị Huyền Ngọc phì cười khi mẹ vẫn chưa thấy thấu đáo, vẫn đặt dấu hỏi ở chỗ dịch bệnh kéo dài nhiều tháng, chẳng lẽ “cám treo heo nhịn đói” mãi.


Chị bật mí cho mẹ biết rằng vợ chồng vẫn “cưng nựng” nhau qua online và thỉnh thoảng trong những giai đoạn an toàn cũng có phá lệ ngủ chung giường. “Con không lây bệnh cho chồng con thì mẹ mừng nhưng… Ờ mà vợ chồng bây từ hồi rút đơn tới giờ thì “cơm lành canh ngọt” phải hôn? Nói cho mẹ biết để mẹ yên tâm nghe hôn!” – mẹ nói câu thòng trước khi cúp máy.


Vợ chồng được một phen cười nôn cả ruột. Kể cho các anh chị nghe, ai cũng cảm động. Tối đó, chàng rể nhắn tin chọc ghẹo bà nhạc mẫu: “Mẹ thấy con giữ mình hay không? Muốn lây bệnh qua con hả? Không dễ gì đâu. Con cảm ơn mẹ luôn thương con. Mẹ giữ gìn sức khỏe mẹ nha! Tết tụi con sẽ về thăm mẹ”.


Bộ vợ chồng con “nghỉ chơi” rồi sao?


Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK


Nhờ sự quan tâm, chỉ bảo từ xa nhưng rất sát sao của mẹ mà vợ chồng chị Ngọc qua được nhiều phen sóng gió. Đỉnh điểm là 5 năm trước, chị nộp đơn ly hôn từ “nghi án” chồng có bồ. Mẹ hết khuyên chồng rồi qua khuyên vợ, “sơ cứu hôn nhân” kịp thời, hòa giải thành, chị Ngọc đã rút đơn lại. Mẹ tiếp tục chỉ dạy, giúp vợ chồng thiết kế lại cuộc sống về quy tắc, giờ giấc, quản lý tiền bạc và kể cả chuyện nhạy cảm để gắn kết vợ chồng. Mẹ gợi ý giải pháp và cách để thích ứng chứ tuyệt nhiên không buộc “đàn bà là phải nhẫn nhịn để giữ gia đình, giữ cha cho con”. Ở lần hợp hôn này, mẹ chỉ dẫn chặt chẽ còn hơn ngày đầu tiễn con gái về nhà chồng 20 năm trước.


Mỗi lần nghĩ lại, các con đều vui và cảm thấy ấm áp khi có mẹ luôn bên cạnh, răn dạy điều hay lẽ phải, càng vui khi mẹ ở tuổi “xưa nay hiếm” vẫn còn rất minh mẫn, nhanh nhạy, tinh tế và bắt kịp thời đại. Mẹ làm thơ rất hay, thường đăng lên Facebook, được nhiều câu lạc bộ thơ mời tham gia. Mẹ hiền hậu, nghiêm chỉnh, ăn nói khiêm tốn, duyên dáng nên nhiều người yêu văn thơ trên mạng xin kết bạn.


Có lần các bạn hội văn thơ tự ý đưa mẹ vào nhóm chat rồi cứ ngày đêm gọi điện thoại cả nhóm, chụp hình tập thể nhóm chat quăng lên mạng. Thỉnh thoảng, nhóm còn có những cuộc cãi cọ, khích bác, xiên xỏ nhau mà người tinh ý như mẹ nhận định nguyên nhân xuất phát từ các mối quan hệ lăng nhăng, bất chính, phức tạp. Có người gọi điện thoại riêng cho mẹ để rêu rao, nói xấu một người kia trong nhóm, mẹ lựa lời kín đáo khuyên giải nhưng người ấy vẫn trơ trơ.


Cảm thấy quá phiền phức, mẹ băn khoăn không biết làm sao để thoát nhóm. Con gái thứ hai nói: “Tưởng gì, dễ ợt. Mẹ đưa điện thoại đây, con bấm lệnh “rời khỏi nhóm” chỉ 30 giây là xong!”. Nào ngờ mẹ cũng rành công nghệ, mẹ thừa biết cách thoát nhóm, vấn đề lấn cấn là chưa biết nói câu gì để từ biệt lịch sự, tế nhị và vẫn giữ được cái tình.


Nhân lúc bà sui bị bệnh, mẹ thường qua lại chăm sóc, động viên, mẹ và chị Hai bàn nhau viện cớ gia đình có chút công chuyện cần dồn sức để lo nên xin phép thoát nhóm. Thoát nhóm rồi, mẹ thở ra: “Khỏe quá. Tụi trung niên, chớm già yêu đương, ghen tuông lung tung làm bà-già-hẳn này mệt mỏi quá. Còn chồng, còn vợ thì cứ tập trung cho gia đình yên ổn, hạnh phúc đi. Cứ ngó đâu đâu. Có sở thích gì thì cũng phải lành mạnh, trong sáng, chứ núp bóng đam mê nghệ thuật mà sa đà vào cặp bồ cặp bịch thì oải lắm. Oải lây qua cả già này”.


Những lời mẹ nói, chị Hai nhắn tin vào nhóm gia đình. Các con ai cũng xuýt xoa khen triết lý của mẹ… quá đỉnh, đặc biệt là mẹ lớn tuổi rồi mà vẫn sắc lẻm chuyện thầm kín của tuổi còn xuân. “Ái tình nó đẹp lắm mà cũng linh lắm, giỡn chơi với nó có ngày bị nó quật chết ngắc!” – lời mẹ bình về chuyện người nhưng các con vẫn có thể cất riêng cho nhà mình để luôn tôn trọng bạn đời, tu bổ, bảo trì giường chiếu cũng như nâng niu, vun đắp tổ ấm đang có.



Theo Tô Diệu Hiền (phunuonline.com.vn)


Nguồn: Người Lao động




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét