Con biết... theo “phe” nào?

Kính gửi cô Hạnh Dung,


Mẹ con tần tảo lo mọi việc trong nhà, tiết kiệm, ít đi chơi với bạn bè. Ba khác hẳn mẹ, vì làm nghề tự do nên ba hay la cà không có giờ giấc, làm đảo lộn hết sinh hoạt. Cả nhà phải theo lịch của ba thành ra có bữa tối khuya rồi cả nhà vẫn chờ cơm ông. Rồi khi về thì ba say khật khưỡng nên đi nằm luôn, mấy mẹ con lúc ấy mới mạnh ai nấy ăn.


Đa số những bữa như thế, chỉ các con ăn, còn mẹ buồn bực nhịn luôn, mẹ nói là mẹ không ăn nổi, nuốt không trôi. Con giải thích: “Mẹ con mình cứ giữ nhịp sống hợp lý, ai không theo thì kệ tự lo chứ sao bắt mọi người khổ theo một người tùy tiện như vậy”.


Những lúc đó, mẹ thường tranh thủ trút giận, kể thêm một loạt khuyết điểm của ba, nào là tiêu tiền chả đắn đo, thích là sắm, chẳng mang tiền về nhà cũng chẳng cần biết vợ hy sinh cho gia đình, hễ nói đến là cáu.


Khi cần tiền học, con xin mẹ, có khi mẹ cho, có khi mẹ nhăn nhó: “Sao con không xin ba”. Khi ba vui vẻ, con cũng nói chuyện với ba, ba lại càm ràm: “Mẹ con tự làm khổ mình, rồi đổ thừa người khác”.


Con biết nói sao giữa ba và mẹ? Con chẳng biết nên theo phe nào cô ạ? Con 18 tuổi, cũng đã lớn rồi mà chẳng biết làm thế nào để ba mẹ vui vẻ, nhiều khi con buồn lắm, con tâm sự với các bạn thì cũng nhiều bạn trong hoàn cảnh hệt như con. Cô nghĩ giúp con với…


Phạm Khánh Phương Chi (TP.HCM)


Con biết... theo “phe” nào?


Ảnh minh họa


Phương Chi quý mến, 


 Cô nghĩ, lời khuyên đúng và dễ chấp nhận nhất vẫn là các con sống đúng bổn phận của mình: lo học hành, mạnh khỏe, ngoan ngoãn, yêu cha mẹ. Chính sự ngoan ngoãn của các con sẽ cứu vãn phần nào va chạm giữa cha và mẹ.


Ba mẹ nhiều khi “đương đầu lo nhiệm vụ” nuôi sống gia đình, họ tập trung kiếm sống nhiều hơn là chăm lo không khí gia đình, ít để tâm vào những ảnh hưởng tới các con. Do cá tính, phong cách riêng mà cha thấy mình “ổn”, mẹ thấy mình phải chịu đựng. Không ai thấy mình có lỗi.


Nhưng những người con không nên… chọn phe. Thực tế cho thấy việc “chọn phe” rất không ổn. Có người chọn theo ba chỉ vì… ba tuy sai trái nhưng hay… cho tiền. Có người đứng về phía mẹ ghét ba do ba làm khổ mẹ và mẹ chăm sóc con nhiều hơn.


Dù cảm xúc luôn xuất phát từ thực tế và có cơ sở, nhưng tình cảm yêu ghét cha mẹ không nên “vụ lợi”. Con nên tỏ thái độ, nói ra suy nghĩ của mình một cách lễ độ và nghiêm túc để cha mẹ tỉnh ngộ, tự kiềm chế bớt.


Và “bật mí” với con một điều khá phổ biến ngày nay: Cha mẹ thường nể sợ con cái, không muốn làm con buồn khổ. Con nên giữ tình cảm cư xử yêu thương cả cha và mẹ, bày tỏ chính kiến về các sự kiện gia đình, về các điểm chưa ổn của cha hay mẹ trong tình yêu thương, cha mẹ sẽ vì con mà tỉnh thức phần nào.


Khuyết điểm và khác biệt tác phong sinh hoạt là khó tránh ngay cả khi gia đình yên ấm. Điều cốt yếu nhất là thương nhau.


Con cố gắng nhé. Hy vọng từ sự đúng mực và cái nhìn thông minh thấu hiểu lấy tình thương làm nền tảng, không chia phe, cả gia đình ta sẽ vui trở lại.



Theo Hạnh Dung (phunuonline.com.vn)


Nguồn: Người Lao động




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét