Đa số các thói quen làm việc hằng ngày của mỗi người dựa trên sự tự nhiên, tính cách và kinh nghiệm của bản thân. Những người thành công không thuộc tuýp người này.
1. Cầu toàn quá mức với bản thân
Thông thường, chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng khi mọi việc không được suôn sẻ như mong muốn. Đa phần mọi người cũng cảm thấy lo lắng vì những điều rất nhỏ nhặt, hoặc tự dằn vặt mình khi mắc phải những sai lầm cỏn con. Dù vậy, ai cũng có thể phạm lỗi bởi thực tế không có gì là hoàn hảo cả.
Căng thẳng vì những thứ nhỏ nhặt hay cầu toàn quá mức là một thói quen xấu bạn nền loại bỏ. Hãy bắt đầu bằng cách tự nhủ với mình rằng: “Tôi sẽ cố gắng hết sức mình”. Bởi lẽ, cuối cùng bạn chẳng phải cạnh tranh để vượt qua ai cả, chỉ cần bạn vượt qua chính bản thân mình.
2. Lối sống thiếu lành mạnh
Dù điều bạn muốn đạt được trong cuộc sống là gì, mọi thứ đều phải bắt đầu từ sức khoẻ. Vì thế, điều trước tiên cần làm là chăm sóc sức khoẻ, gồm giấc ngủ chất lượng, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, vận động đều đặn.
3. Chần chừ
Nếu bạn không bao giờ bắt đầu công việc đủ sớm và luôn chờ “nước tới chân mới nhảy”, bạn có thể không chỉ mất tập trung mà còn vô tình trì hoãn nó. Chần chừ, về cơ bản, là hành vi chuyển hướng sự chú ý có ý thức và tập trung vào các nhiệm vụ thú vị/ dễ chịu/ thuận lợi nhưng tương đối không quan trọng để tránh/ trì hoãn/ từ bỏ các nhiệm vụ quan trọng và khẩn cấp, đòi hỏi sự chú ý và kiên trì của bạn.
Theo thời gian, sự chần chừ có thể trở thành thói quen xấu, làm mất đi sự nhiệt huyết, hăng hái và khả năng tập trung, khiến bạn bỏ lỡ cơ hội thể hiện tiềm năng của mình.
4. Làm việc trong vùng an toàn
Vùng an toàn chính là khi con người không dám bước ra, không dám dấn thân vào các thách thức, rủi ro; sống quanh quẩn với những thứ đã được sắp đặt sẵn và không có định hướng phấn đấu trong cuộc sống.
Trạng thái cảm xúc của con người luôn nằm trong tầm kiểm soát. Với người nằm ngoài vùng an toàn, không có khái niệm đấu tranh để cân bằng trạng thái cảm xúc đó mà đơn giản là hướng đến phát triển, trải nghiệm những điều mới và mở rộng tầm nhìn.
Diễn viên nổi tiếng Les Brown từng nói: “Nếu bạn đặt mình vào một vị trí vượt qua ngoài vùng an toàn, khi đó bạn buộc phải mở rộng tâm thức của bạn”.
5. Đồng ý dù không muốn
Con người thường muốn sống sao cho vừa lòng nhau, sinh ra cả nể để rồi phải đồng ý một điều gì đó mà trong lòng thực sự không muốn. Điều này sẽ khiến bạn dễ bị lợi dụng. Ví dụ, bạn giúp đồng nghiệp trong những việc nằm ngoài khả năng hay cho bạn bè vay tiền lớn còn mình suốt ngày phải ăn mì gói.
Đừng ngần ngại từ chối, đừng sợ làm mất lòng người khác, hãy mạnh dạn nói “không” khi bạn không muốn hoặc không thể. Từ chối sẽ giúp bạn thoát khỏi sự căng thẳng. Điều đó cho thấy bạn hiểu rõ giới hạn của bản thân và bạn cũng cần những người khác tôn trọng ranh giới đó.
6. Tự ti
Nếu không bao giờ thử, không nắm bắt các cơ hội lớn để giấc mơ của mình trở thành hiện thực, bạn sẽ chẳng bao giờ khai phá được tiềm năng thực sự của bản thân. Vì vậy, đừng ngại lên tiếng và sợ thất bại.
7. Chỉ nói về bản thân mình
Có bao giờ kết thúc cuộc trò chuyện, bạn cảm thấy không nhận được thông tin gì từ người đối diện không? Đó là vì suốt cuộc nói chuyện, bạn chỉ thao thao bất tuyệt về bản thân mình. Tất cả chúng ta đều thích nói về bản thân, nhưng hội thoại là một cuộc trao đổi ý tưởng và suy nghĩ giữa hai người, nó cần được tạo nên từ hành động luân phiên của nói và nghe.
Việc chỉ chăm chăm nói về mình mà không lắng nghe hoặc không cho người khác có cơ hội được nói là biểu hiện của tính vị kỷ, bất lịch sự và thiếu cảm thông. Nếu cứ tiếp tục thói quen xấu này, dần dần, sẽ không còn ai muốn bắt đầu cuộc trò chuyện với bạn nữa.
8. Không tự nỗ lực phấn đấu
Đừng nghĩ rằng mọi thứ tốt đẹp sẽ đến vì bạn là một người tốt. Bởi lẽ, chúng chỉ đến với những ai biết ra nỗ lực. Một phần của nỗ lực chính là vạch ra mục tiêu cho bản thân. Hãy thiết lập mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn để bạn có thể biết mình đang ở đâu và còn cách cái đích của mình bao xa.
Những người thành công đểu hiểu giá trị của việc đưa ra bản kế hoạch tốt. Họ lên kế hoạch theo ngày, liệt kê mục tiêu của mình và bắt đầu nghĩ tới việc tiết kiệm cho những năm hưu trí từ ngày họ còn rất trẻ.
Đó là cách mà họ tận hưởng cuộc sống. Họ có thời gian cho công việc, những niềm vui trong cuộc sống mà vẫn đủ thời gian để suy nghĩ về tương lai.
9. So sánh
Mọi người đều có tốc độ phát triển riêng. So sánh đặt chúng ta vào tư duy cạnh tranh độc hại và không cho phép bản thân phát triển theo nhịp độ phù hợp. Bạn luôn có cuộc sống, ước mơ, kế hoạch và cột mốc hoàn toàn khác biệt với ước mơ, mục tiêu và cột mốc của người khác. Có căn cứ chung nào để so sánh cuộc sống của bạn với người khác không? Thay vì vậy, hãy tập trung vào mục tiêu của bạn và bắt đầu cải thiện bản thân. Hãy sống cuộc sống bạn mơ ước mà không cần phải lo lắng về việc người khác thành công, hạnh phúc và giàu có như thế nào.
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét