Sau khi đứa con thứ 2 không may qua đời, cựu vận động viên này mong muốn sinh thêm con dù đã bước qua tuổi 50.
Các chuyên gia sản khoa đều khuyên phụ nữ nên sinh con trước tuổi 35 vì mang thai, sinh nở sau tuổi này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, bác sĩ Vito Cardone, một chuyên gia nội tiết sinh sản và vô sinh ở Massachusetts (Mỹ) lại cho rằng không nên giới hạn độ tuổi cho người muốn hỗ trợ sinh con mà cần đánh giá trực tiếp sức khỏe của từng bệnh nhân. Ông đưa ra bằng chứng là mình vừa giúp một bà mẹ 57 tuổi sinh con hoàn toàn khỏe mạnh.
Bà Barbara sinh con thành công ở tuổi 57.
Bà mẹ đó tên Barbara Higgins (sống tại New Hampshire). Bà và chồng (65 tuổi) có một cô con gái tên Molly nhưng đáng tiếc cô bé đã qua đời hồi năm 2016 do u não. Sau cái chết của con gái, Barbara luôn mong muốn sinh thêm con cho gia đình bớt hiu quạnh. Đến năm 2018, bà quyết định sẽ thực hiện mong muốn này. Bà chia sẻ: “Tôi nhiều lần nằm mơ thấy mình sinh con. Tôi nghĩ tại sao không làm theo điều được mách bảo. Tôi tự nhủ sẽ gặp bác sĩ, xét nghiệm máu và xem chuyện sẽ đi đến đâu”. .
Với sự ủng hộ của chồng, Barbara bắt đầu trải qua nhiều cuộc kiểm tra cả về tinh thần và thể chất để xem liệu bà có thể mang thai và sinh con ở độ tuổi 50 hay không. Và các bác sĩ đã rất ngạc nhiên khi thấy sức khỏe của bà hoàn toàn tốt, tử cung chỉ như một người phụ nữ ở độ tuổi 30. Bà Barbara cho rằng đây là thành quả của quá trình sống lành mạnh, khoa học suốt nhiều nằm vì là một vận động viên điền kinh của mình.
Tuy vậy trong quá trình kiểm tra, các bác sĩ phát hiện ba khối u trong não của Barbara và bà phải trải qua phẫu thuật loại bỏ chúng. Bà cho rằng đây là một điều nay mắn. “Tôi sẽ không thể phát hiện sớm u não và phẫu thuật thành công nếu không có ý định sinh thêm con. Vì vậy, tôi biết ơn con vì đã góp phần cứu mạng mình”, bà tâm sự.
Vốn là vận động viên với lối sống lành mạnh, bác sĩ ngạc nhiên khi bà có sức khỏe như một người 30 tuổi.
Sau đó, bà Barbara may mắn nhận được sự giúp đỡ từ bác sĩ Vito Cardone vào năm 2020, khi đã bước sang tuổi 56.
“Nhiều trung tâm y tế giới hạn độ tuổi cho người muốn hỗ trợ sinh con. Theo quan điểm của tôi, mỗi cá nhân cần được nhìn nhận riêng biệt. Có thể thấy bà Barbara là cựu vận động viên, vóc dáng cân đối và tốt hơn nhiều người trẻ từng tìm đến tôi. Bà ấy biết mình sẽ trải qua những gì và thực sự mong muốn có con“, bác sĩ Cardone cho hay.
Bác sĩ đã giúp bà mang thai nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Bà từ chối chia sẻ thêm thông tin về quá trình thụ thai. “Chúng tôi đã tìm hiểu nhiều cách khác nhau và chọn ra phương pháp phù hợp nhất. Tất cả những chuyện này sẽ chỉ có Kenny và tôi biết. Ở tuổi tôi, càng chia sẻ nhiều, tôi càng dễ bị chỉ trích. Tôi cũng không muốn câu chuyện của mình làm người khác thấy sợ và mất động lực sinh con ở tuổi 50″, bà chia sẻ.
Theo bác sĩ Cardone, chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh còn giúp bà Barbara vượt qua những khó khăn của giai đoạn mang thai. “Việc mang thai gây áp lực cho cơ thể. Không chỉ riêng tử cung và nhau thai, các cơ quan khác như tim, thận, phổi đều phải hoạt động nhiều hơn để nuôi thai nhi”, chuyên gia này cho biết. Sản phụ lớn tuổi phải đi siêu âm và kiểm tra nhiều hơn bình thường. “Bà ấy đo tim thai hai lần mỗi tuần và vượt qua tất cả các khâu kiểm tra”, Cardone nói.
Cuối cùng, ngày 20/3 vừa qua, bà Barbara đã sinh con thành công. Bé Jack nặng 2,6 kg, cất tiếng khóc chào đời, đánh dấu một chặng đường dài và nhiều cảm xúc của vợ chồng bà. “Tôi thấy sợ và hồi hộp, nhưng vô cùng vui sướng”, người mẹ này chia sẻ.
Bé Jack chào đời với cân nặng 2,6kg.
Cả mẹ và em bé hiện đã về nhà. Cặp vợ chồng già cũng đang thích nghi với cuộc sống mới. Barbara cũng cho biết bà và chồng đã có nhiều kinh nghiệm và thời gian rảnh hơn để nuôi con so với những năm 30, 40 tuổi. “Khi bạn 30 tuổi, việc có con làm gián đoạn nhiều chuyện. Thời điểm này thì khác. Tôi cảm thấy thoải mái hơn và không bận tâm tới những thay đổi trên cơ thể mình“, bà cho hay.
Mang thai sau tuổi 35: Làm thế nào để mẹ khỏe, bé khỏe? – Tư vấn tiền sản: Nói chuyện với bác sĩ về sức khỏe tổng thể của bạn và thảo luận về thay đổi lối sống để có thể cải thiện khả năng thụ thai, mang thai và sinh em bé khỏe mạnh. – Tìm hiểu về xét nghiệm bất thường nhiễm sắc thể trước khi mang thai. Xét nghiệm này nhằm phát hiện các bất thường trong nhiễm sắc thể của bạn và chồng, trong trường hợp có vấn đề bất thường, bác sĩ sẽ đưa ra các lựa chọn tiếp theo để bạn và chồng có thể lựa chọn. – Khám sức khỏe thường xuyên và đúng lịch trong thời kỳ mang thai: Thăm khám trước khi sinh thường xuyên giúp bác sĩ theo dõi sức khỏe của bạn và sức khỏe của em bé. Nói cho bác sĩ biết về bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng khiến bạn lo âu. – Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Khi mang thai, bạn sẽ cần nhiều axit folic, canxi, sắt, vitamin D và các chất dinh dưỡng cần thiết khác. – Tăng cân có chừng mực: Đạt được số cân nặng phù hợp có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho thai nhi và giúp bạn dễ dàng giảm thêm cân sau khi sinh. – Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm bớt hoặc thậm chí ngăn ngừa sự khó chịu, tăng mức năng lượng tích cực và cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn. |
Xem thêm chủ đề Tin tức mẹ bầu
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét