Bụng bầu to dần lên có thể làm ảnh hưởng đến việc ngủ, nghỉ của mẹ khi mang thai 3 tháng giữa. Thế nhưng, đây chắc chắn sẽ khoảng thời gian tuyệt vời nhất khi mẹ cảm nhận được những cử động đầu tiên của bé.
3 tháng giữa thai kỳ là thời gian tuyệt vời nhất trong 9 tháng mang thai. Bé cưng đang lớn dần lên và hoàn thiện các bộ phận theo từng ngày và bạn sẽ cảm nhận rõ nhất điều này theo từng tuần. Thế nhưng, liệu bạn đã biết hết những điều cần lưu ý khi mang thai 3 tháng giữa để thai nhi vẫn tiếp tục phát triển khỏe mạnh? Xem ngay những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi để “bỏ túi” thêm cho mình một số thông tin hữu ích nhé.
Tam cá nguyệt thứ 2 – Giai đoạn “trăng mật” của thai kỳ
Sau 3 tháng đầu thai kỳ, bạn sẽ bước vào giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ hay tam cá nguyệt thứ 2. Tam cá nguyệt này sẽ kéo dài từ tuần 13 đến tuần 28. Ở giai đoạn này, bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc to lớn khi lần đầu tiên cảm nhận được sự chuyển động của bé cưng.
3 tháng giữa thai cũng là lúc các triệu chứng ốm nghén giảm dần và biến mất, mức năng lượng cũng được nâng lên. Do đó, đây được xem là khoảng thời gian khá thoải mái và mẹ có thể tận dụng để lên kế hoạch cho việc sinh và chăm con trong thời gian sắp tới.
Giai đoạn mang thai 3 tháng giữa cũng là lúc thai nhi phát triển rất nhanh. Bác sĩ có thể đề nghị bạn siêu âm khảo sát hình thái thai nhi trong thời gian từ tuần thứ 18 đến tuần thứ 22 của thai kỳ để quan sát xem thai nhi đang phát triển như thế nào.
Những điều cần biết khi mang thai 3 tháng giữa
1. Sự thay đổi của cơ thể mẹ bầu
- Đau bụng dưới: Nguyên nhân là do tử cung mở rộng gây áp lực lên các cơ và dây chằng hoặc cũng có thể là do táo bón, đầy hơi hoặc thậm chí do quan hệ tình dục. Bạn có thể thấy đau âm ỉ hoặc đau nhói.
- Đau lưng: Cân nặng tăng nhanh gây áp lực lên lưng, khiến lưng đau nhức.
- Chảy máu nướu răng: Hơn 50% bà bầu bị sưng nướu. Nguyên nhân là do sự thay đổi hormone khiến máu lưu thông nhiều hơn đến nướu, làm cho nướu nhạy cảm và dễ chảy máu.
- Cơn gò Braxton-Hicks: Xuất hiện vào khoảng tháng thứ 4. Mỗi cơn gò có thể kéo dài một hoặc hai phút, xuất hiện ngẫu nhiên với nhịp điệu và cường độ không đều. Nguyên nhân có thể là do quan hệ tình dục, tập thể dục mạnh, mất nước hoặc thậm chí chỉ là do ai đó chạm vào bụng bầu.
- Bầu ngực to ra: Tình trạng căng tức ngực khi mang thai 3 tháng đầu có thể biến mất nhưng ngực bạn vẫn sẽ tiếp tục phát triển để chuẩn bị cho bé bú.
- Nghẹt mũi: Nội tiết tố thay đổi có thể khiến lớp niêm mạc mũi bị sưng lên, dẫn đến nghẹt mũi và gây ra tình trạng ngủ ngáy trong thai kỳ. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị chảy máu mũi.
- Chóng mặt khi mang thai 3 giữa do tử cung mở rộng chèn ép vào các mạch máu. Ngoài ra, nguyên nhân còn có thể là do lượng đường trong máu thấp hoặc do hormone thay đổi.
- Giảm tần suất đi tiểu do tử cung đã cách xa bàng quang. Tuy nhiên, triệu chứng này sẽ quay lại vào tam cá nguyệt thứ 3.
- Lông, tóc phát triển nhanh, dày hơn do nội tiết tố thay đổi. Bạn có thể thấy lông bắt đầu phát triển nhiều ở mặt, cánh tay và lưng.
- Đau đầu khi mang thai 3 tháng giữa là điều mà hầu như bà bầu nào cũng gặp phải. Để khắc phục, mẹ hãy cố gắng nghỉ ngơi nhiều và thực hành các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu.
- Ợ chua và táo bón: “Thủ phạm” có thể do sự gia tăng của hormone progesterone, làm giãn một số cơ nhất định như các cơ ở thực quản và cơ ở hệ tiêu hóa.
- Trĩ khi mang thai: Nguyên nhân là do thể tích máu tăng lên gây giãn tĩnh mạch hoặc cũng có thể là do các tĩnh mạch quanh hậu môn bị tử cung đè ép.
- Chuột rút chân: Cơ bắp chân có thể bị co cứng vào ban đêm. Hiện nguyên nhân gây ra vẫn chưa được xác định rõ.
- Thai máy: Ở tuần thứ 20, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được những chuyển động đầu tiên của bé. Tuy nhiên, nếu không thấy bé cử động bạn cũng đừng quá lo bởi cũng có trường hợp đến tháng thứ 6, mẹ mới cảm nhận được rõ ràng các cử động của bé.
- Sự thay đổi về da: Xuất hiện nám hay mặt nạ thai kỳ. Bụng bầu của mẹ cũng xuất hiện đường sọc nâu. Ngoài ra, da của bạn cũng trở nên nhạy cảm hơn.
- Giãn tĩnh mạch: Bé càng lớn thì áp lực ở chân cũng càng tăng. Điều này khiến các tĩnh mạch ở chân bị sưng, có màu xanh, tím.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng rất thường gặp trong tam cá nguyệt thứ hai. Triệu chứng thường gặp là đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên, nước tiểu đục hoặc có mùi, có vết máu hoặc chất nhầy trong nước tiểu. Tình trạng này có thể gây chuyển dạ sớm hoặc trẻ nhẹ cân, do đó, nếu có các triệu chứng kể trên, bạn nên đi khám.
- Tăng cân: Chứng ốm nghén sẽ giảm bớt vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên. Sau đó, cảm giác thèm ăn sẽ trở lại và bạn sẽ tăng từ 0,5 – 1kg mỗi tuần.
2. Sự phát triển của thai nhi
Ở tam cá nguyệt thứ hai, cân nặng của thai nhi đến tuần 28 có thể vào khoảng 1,1 kg và chiều dài lên đến 40cm. Giai đoạn mang thai 3 tháng giữa cũng là lúc bộ não của trẻ phát triển với tốc độ cực kỳ nhanh. Bên cạnh đó, ở giai đoạn này, thai nhi trong bụng đã có thể đá, di chuyển, xoay người. Bé biết nuốt, bú và đã có thể nghe thấy giọng nói của bạn.
- Mắt và tai đã di chuyển vào đúng vị trí. Mí mắt có thể mở và đóng lại. Bé ngủ và thức dậy theo chu kỳ. Lông mi, lông mày cũng xuất hiện.
- Móng tay và móng chân cũng đã phát triển. Các ngón tay và ngón chân của bé đã có thể tách rời nhau. Đặc biệt, dấu vân tay của bé cũng đã xuất hiện.
- Tóc của bé cũng bắt đầu phát triển. Cơ thể cũng dần được bao phủ bởi một lớp lông tơ mịn được gọi là lanugo. Ngoài ra, lớp sáp màu trắng bao phủ cơ thể bé được gọi là vernix caseosa cũng được hình thành.
- Nhau thai cũng đã phát triển đầy đủ. Trong tam cá nguyệt thứ hai, thai nhi cũng bắt đầu tích tụ chất béo trên cơ thể.
Cách chăm sóc bà bầu 3 tháng giữa
1. Lịch khám thai trong tam cá nguyệt thứ 2
Trong giai đoạn mang thai 3 tháng giữa, bà bầu nên đi khám thai từ 2 – 4 lần. Khi thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm sau:
- Đo huyết áp – Kiểm tra cân nặng
- Siêu âm hình thái thai nhi trong khoảng thời gian từ tuần 18 đến tuần 22
- Xét nghiệm máu để ktầm soát đái tháo đường thai kỳ từ tuần 24-28
- Các xét nghiệm sàng lọc di truyền trước khi sinh (nếu chưa làm ở tam cá nguyệt đầu)
- Chọc dò ối vào khoảng thai 16-18 tuần trong một số trường hợp nghi có bất thường thai.
2. Dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng giữa
Trong thời gian mang thai 3 tháng giữa, bà bầu sẽ cần thêm khoảng 300 đến 500 calo mỗi ngày. Chế độ ăn của mẹ bầu cần đảm bảo sự cân bằng với các thực phẩm đa dạng như thịt nạc, cá béo, rau có lá màu xanh đậm, đậu lăng, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, sữa và các thực phẩm từ sữa… Điều này giúp bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể và sự phát triển của bé như protein, vitamin D, folate, axit béo omega-3, canxi…
Bạn cũng có thể chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày và ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ để tránh bị táo bón. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý ăn nhiều thực phẩm giàu magie như đậu hoặc ngũ cốc nguyên hạt, bổ sung đủ lượng canxi khuyến nghị để tránh bị chuột rút khi mang thai.
Ở tam cá nguyệt thứ 2, bà bầu nên uống từ 8 đến 12 cốc nước mỗi ngày để ngăn ngừa mất nước và các biến chứng do mất nước. Ngoài ra, việc uống nhiều nước cũng giúp bạn tránh bị chuột rút và giảm táo bón thai kỳ.
3. Chế độ sinh hoạt khi mang thai 3 tháng giữa
- Vận động thường xuyên nhẹ nhàng với yoga cho bà bầu 3 tháng giữa hoặc các bài tập kegel để làm săn chắc cơ sàn chậu.
- Tư thế ngủ của bà bầu 3 tháng giữa tốt nhất là ngủ nghiêng và kê gối giữa 2 chân.
- Mang giày đế thấp, thoải mái để giảm chuột rút và tránh té ngã
- Để tránh chảy máu nướu, bạn nên chú ý vệ sinh răng miệng. Sử dụng bàn chải có lông mềm và dùng chỉ nha khoa.
- Lựa chọn áo ngực cho bà bầu phù hợp, đúng kích cỡ để tạo sự thoải mái
- Để giảm nghẹt mũi khi mang thai, bạn có thể nhỏ nước muối và sử dụng các phương pháp tự nhiên hoặc có thể thử sử dụng máy tạo độ ẩm
- Thoa kem chống nắng với chỉ số SPF ít nhất là 30 khi đi ra ngoài. Hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều bằng cách mặc quần áo dài tay, quần dài, đội mũ rộng vành và đeo kính râm.
Đối với việc quan hệ khi mang thai 3 tháng giữa, do đây là giai đoạn bà bầu cảm thấy khá thoải mái và thai nhi vẫn chưa quá lớn nên mẹ hoàn toàn có thể làm “chuyện ấy”. Không những vậy, ở giai đoạn này, chuyện yêu cũng trở nên hấp dẫn hơn do lúc này ham muốn tình dục tăng lên, chất dịch tiết ra nhiều nên mẹ dễ dàng quan hệ tình dục hơn. Tuy nhiên, mẹ đừng “yêu” quá cuồng nhiệt và mạnh bạo để tránh gây hại cho bé nhé.
4. Mang thai 3 tháng giữa nên kiêng gì?
- Tránh quan hệ khi mang thai 3 tháng giữa nếu mẹ có tiền sử sảy thai, sinh non, chảy máu trong thai kỳ, tử cung cung có vấn đề…
- Tránh khom người, mang vác đồ nặng, đứng quá lâu
- Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, cay và có tính axit (chẳng hạn như trái cây họ cam quýt), cá sống, hải sản hun khói, cá có hàm lượng thủy ngân cao, thịt nguội, sữa chưa tiệt trùng
- Tránh tắm nước quá nóng
- Cố gắng không nằm ngửa trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ
- Tránh dùng aspirin và ibuprofen khi mang thai
- Tránh tập thể dục quá mạnh hoặc tập các bài tập có thể gây tổn thương vùng bụng
- Tránh sử dụng caffeine, hút thuốc, các chất gây nghiện…
- Tránh tiếp xúc với phân chó mèo vì mẹ có thể bị nhiễm toxoplasmosis
Lưu ý khi mang thai 3 tháng giữa
Dù chỉ là giai đoạn giữa của thai kỳ nhưng bạn cũng có thể bắt đầu chuẩn bị giỏ đồ đi sinh, tìm nơi sinh… để giảm bớt căng thẳng, áp lực ở tam cá nguyệt thứ 3. Ngoài ra, bạn cũng có thể:
- Tham gia các lớp học tiền sản
- Tham gia các lớp học hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ, hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh, sơ cứu và nuôi dạy con (thường các bệnh viện phụ sản có tổ chức các lớp này)
- Tìm hiểu về các bệnh viện, dịch vụ sinh
- Trang trí phòng hoặc chuẩn bị đồ đạc cho bé
Bạn nên đi khám ngay nếu có các triệu chứng nghiêm trọng sau khi mang thai 3 tháng giữa:
- Đau bụng dữ dội hoặc chuột rút
- Chảy máu nặng
- Chóng mặt nghiêm trọng
- Tăng cân nhanh (hơn 3kg mỗi tháng) hoặc tăng quá ít (dưới 4,5kg khi thai được 20 tuần)
- Vàng da
- Nôn mửa
- Đổ mồ hôi nhiều.
Trên đây là những điều cần biết khi mang thai 3 tháng giữa. Dù đây là giai đoạn tuyệt vời nhất của thai kỳ nhưng mẹ vẫn nên lưu ý những điều trên để đảm bảo sức khỏe cho hai mẹ con nhé.
Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Hello Bác sĩ
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét