Dày sừng nang lông là gì? Có chữa được không?

Dày sừng nang lông là gì? Có chữa được không?



Dày sừng nang lông là một trong những vấn đề về da khá phổ biến. Mặc dù vô hại và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng này sẽ khiến làn da trở nên khô ráp, ngứa ngáy và kém thẩm mỹ. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là do đâu? Có cách nào điều trị hay không?


Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nhìn chung, bệnh có xu hướng cải thiện theo độ tuổi và biểu hiện nặng hơn vào mùa lạnh khi độ ẩm không khí thấp.


Làm sao để nhận biết dày sừng nang lông?


Dày sừng nang lông là gì? Có chữa được không?



Bệnh dày sừng nang lông đặc trưng bằng việc ở nang lông xuất hiện các tổn thương nhô lên khỏi mặt da tạo cảm giác thô và sần sùi khi sờ vào. Vị trí thường gặp là ở mặt ngoài hai bên cánh tay, đùi, mông hoặc ở má đối với trẻ em. Khi mắc bệnh, làn da sẽ có một vài biểu hiện như sau:


  • Trên da xuất hiện các nốt sần nhỏ có màu đỏ, màu da hoặc màu nâu

  • Cảm thấy da khô và thô ráp như giấy nhám

  • Vẻ ngoài da giống như da của một con gà hoặc ngỗng khi đã bị nhổ lông

  • Tình trạng sẽ trở nên nặng nề hơn khi thời tiết lạnh hoặc không khí bị khô

  • Da bị ngứa thường xuyên

  • Không gây đau khi chạm vào

Bên cạnh đó, một số người sẽ có tình trạng sần nghiêm trọng hơn, trông giống như da bị nổi mụn nhọt hoặc phát ban.


Nguyên nhân gây dày sừng nang lông là gì?


Dày sừng nang lông là kết quả của sự tích tụ keratin, một loại protein cứng có ở lông và tóc với tác dụng bảo vệ da khỏi các chất có hại và tác nhân gây nhiễm trùng. Các keratin tạo thành một nút tế bào chết ngăn chặn sự mở của nang lông. Ở người bị dày sừng nang lông, quá nhiều nút hình thành khiến da sần và thô ráp.


Nguyên nhân chính xác của sự tích tụ keratin vẫn chưa được biết rõ, nhưng các bác sĩ cho rằng nó có thể liên quan đến vấn đề di truyền và các bệnh về da khác. Một số yếu tố yếu tố nguy cơ dẫn tới tình trạng mắc bệnh bao gồm:


  • Trong gia đình có người mắc bệnh dày sừng nang lông

  • Hen suyễn

  • Da khô

  • Bệnh chàm (viêm da cơ địa)

  • Thừa cân

  • Sốt hoa cỏ (sốt cỏ khô)

  • Vệ sinh da không sạch sẽ

Ngoài ra, người có làn da khô hoặc sinh sống trong môi trường không khí lạnh cũng có thể làm tăng khả năng mắc bệnh.


Dày sừng nang lông có chữa được không?


Đây là một bệnh lý lành tính, không gây hại cho da cũng như sức khỏe của người bệnh, do đó có thể không cần điều trị. Tuy nhiên nếu tình trạng ngứa, khô da hoặc vẻ ngoài của da khiến bạn khó chịu và phiền toái thì bạn có thể cần điều trị.


Mặc dù không có phương pháp để chữa khỏi hoàn toàn bệnh dày sừng nang lông, nhưng bác sĩ da liễu có thể giúp bạn cải thiện tình trạng cũng như triệu chứng bệnh bằng một số cách sau:


Dưỡng ẩm da


Da khô có thể khiến cho bệnh dày sừng nặng hơn. Vì vậy, thoa kem dưỡng ẩm không kê đơn sẽ giúp da ngậm nước, làm mềm các nốt sần cũng như có thể làm dịu cơn ngứa. Hầu hết các loại kem dưỡng ẩm có chứa thành phần urea thường được ưu tiên dùng để chữa dày sừng nang lông.


Thoa kem lên vùng da cần điều trị ít nhất 2 hoặc 3 lần một ngày. Nên sử dụng ngay sau mỗi lần tắm, khi da vẫn còn ẩm.


Thuốc bôi tại chổ


Dày sừng nang lông là gì? Có chữa được không?



Các loại kem bôi có nguồn gốc từ vitamin A (retinoids tại chỗ) có thể làm giảm sự tích tụ keratin và ngăn ngừa nút tắc nang lông. Lưu ý rằng những sản phẩm chứa retinoids có thể gây kích ứng và làm khô da. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, đang cho con bú hoặc có thể mang thai nên tránh dùng.


Nếu tình trạng các nốt sần viêm đỏ nhiều thì có thể cần sử dụng corticoid loại nhẹ đến trung bình, thoa trong thời gian ngắn ở các vùng da bị dày sừng. Corticoid giúp làm mềm vùng da sần và giảm đỏ.


Loại bỏ tế bào chết


Để cải thiện sự thô ráp của làn da, các bác sĩ thường khuyên bạn nên tẩy da chết để loại bỏ các tế bào chết trên bề mặt da. 


Có thể loại bỏ da chết bằng phương pháp cơ học (dùng xơ mướp hay bộ dụng cụ chuyên biệt) hoặc sử dụng các sản phẩm có chứa axit lactic, axit alpha-hydroxy hoặc axit salicylic. Các loại sản phẩm này có thể tẩy da chết một cách nhẹ nhàng và an toàn. Tuy nhiên axit có thể gây mẩn đỏ và châm chích, vì vậy không được khuyến khích dùng cho trẻ nhỏ.


Để có kết quả tốt nhất, bạn chỉ nên sử dụng các sản phẩm tẩy da chết theo đúng liều lượng và số lần mà bác sĩ chỉ định. Ngưng sử dụng trong vài ngày nếu da trở nên khô và bị kích ứng.


Điều trị bằng laser


Biện pháp laser thường được hỗ trợ điều trị cho các trường hợp nặng, không thuyên giảm khi sử dụng kem dưỡng ẩm và thuốc bôi. Laser có thể giúp làm giảm sưng và mẩn đỏ cũng như cải thiện kết cấu làn da. 


Bác sĩ da liễu có thể kết hợp thêm một vài buổi mài mòn da vi điểm vào liệu trình điều trị bằng laser để có được kết quả tốt nhất.


Việc chữa dày sừng nang lông cần có thời gian. Thông thường nếu không thấy sự cải thiện sau khi thực hiện theo liệu trình trong 4 đến 6 tuần, hãy nhờ sự tư vấn từ bác sĩ. Bên cạnh đó cần lưu ý rằng, các biện pháp chữa dày sừng nang lông này chỉ là tạm thời. Bạn cần phải duy trì điều trị để thấy sự cải thiện liên tục.


Biện pháp chăm sóc tại nhà


Điều trị không thể chữa khỏi dày sừng nang lông, đối với một số người bệnh sẽ tự biến mất theo thời gian, ngay cả khi không điều trị. Tuy nhiên, không có cách nào để biết được rằng ai sẽ có khả năng giảm dần tình trạng dày sừng nang lông. Do đó, người bệnh cần thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà để hạn chế triệu chứng và đề phòng bệnh tái phát. Bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau:


  • Không tắm nước quá nóng, tốt nhất là tắm nước ấm hoặc nước mát. 

  • Tắm trong thời gian 15 phút hoặc ít hơn để hạn chế làm mất lớp dầu tự nhiên của da.

  • Ưu tiên dùng xà phòng dành cho da nhạy cảm hoặc có nguồn gốc từ thiên nhiên. Tránh sử dụng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh.

  • Thường xuyên tẩy tế bào chết để loại bỏ đi những lớp da khô sần.

  • Không chà xát quá mạnh lên da vì có thể gây kích ứng da và khiến các triệu chứng thêm nghiêm trọng. 

  • Sử dụng kem dưỡng ẩm cho da mỗi ngày.

  • Giữ độ ẩm trong môi trường sống và phòng ngủ. 

  • Mặc quần áo thoải mái, không nên mặc những loại quá chật để tránh gây ma sát, trầy xước và tổn thương da.

  • Tránh để da tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời. 

Tất cả tình trạng dày sừng nang lông đều không nguy hiểm, vì vậy việc điều trị thường không cần thiết. Nhưng nếu nó làm ảnh hưởng đến vẻ thẩm mỹ cũng như cuộc sống của bạn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ có thể đưa ra những giải pháp điều trị và lời khuyên phù hợp cho vấn đề của bạn.


Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.



Nguồn: Hello Bác sĩ




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét