Mang thai là một giai đoạn nhạy cảm nên có không ít mẹ bầu băn khoăn liệu bà bầu đi bơi có tốt không? Mẹ bầu nên đi bơi vào thời gian nào thì thích hợp hay khi đi bơi thì cần chú ý những gì?
Bơi lội là một trong những môn thể thao phù hợp với bà bầu, bởi hình thức vận động này mang lại hiệu quả trong việc giảm các cơn đau nhức có liên quan đến sự thay đổi hormone. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần quan tâm hơn nữa đến các biện pháp bảo vệ khi bơi lội.
Bà bầu đi bơi có tốt hay không?
Câu trả lời hoàn toàn ổn nếu như bạn tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc an toàn, cũng như lắng nghe chỉ dẫn từ bác sĩ chuyên khoa. Thời điểm tốt nhất để bà bầu đi bơi là khi thai được 5 – 7 tháng. Bởi lẽ, lúc này thai nhi đã phát triển ổn định, các cơ quan và mọi chức năng sinh lý đều vận hành tốt.
Lời khuyên rằng các mẹ bầu nên tránh đi bơi ở những tháng đầu và cuối thai kỳ. Vì đã có một số báo cáo về tình trạng vỡ ối sớm và sinh non xảy ra.
Như đã đề cập ở trên, bơi lội được đánh giá là hoạt động tốt cho mẹ bầu. Nếu đây là thói quen trước khi mang thai, bạn hãy tiếp tục duy trì trừ khi điều kiện sức khỏe không cho phép. Trái lại, nếu là lần trải nghiệm đầu tiên thì tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Bà bầu đi bơi trong thai kỳ và những lợi ích thiết thực
Vậy là bạn đã có câu trả lời cho việc bà bầu đi bơi có tốt không. Thực chất việc bơi lội đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích cho mẹ bầu, chẳng hạn như:
- Kiểm soát cân nặng nên bạn có thể nhanh chóng lấy lại vóc dáng sau sinh
- Bơi lội được xem là một bài tập cường độ thấp có lợi cho sức khỏe tim mạch
- Khi bơi, tất cả các nhóm cơ đều được vận động, đồng thời kết hợp với việc massage bằng dòng nước sẽ thúc đẩy máu huyết lưu thông
- Ở những bà bầu đi bơi thường xuyên, triệu chứng đau thắt lưng khi mang thai giảm hẳn hoặc không còn xuất hiện
- Việc bơi lội còn giúp cải thiện tâm trạng, mang lại sự thư thái dễ chịu, từ đó giúp mẹ bầu ngon giấc hơn
- Sự thay đổi vị trí của mẹ bầu trong nước sẽ giúp điều chỉnh vị trí của thai nhi. Điều này rất có lợi cho việc sinh nở
- Bơi lội giúp cải thiện chức năng của cơ bắp và hoạt động của các dây thần kinh xung quanh vai và cột sống
- Đây được xem là bài tập “thân thiện” với mẹ bầu vì ít gây áp lực lên dây chằng và khớp nhất
Những lời khuyên thiết thực về việc đi bơi trong từng giai đoạn thai kỳ
- Lời khuyên trong tam cá nguyệt đầu tiên, bạn nên chỉ bơi khoảng 30 phút mỗi ngày, với điều kiện bạn đã tham khảo ý kiến bác sĩ và thể lực cho phép. Việc bơi lội vào buổi sáng sẽ giúp mẹ đủ sức “đối phó” với cơn ốm nghén.
- Bước sang giai đoạn thứ hai của thai kỳ, kích thước của thai nhi dần tăng lên và cơ thể mẹ trở nên nặng nề hơn. Tuy nhiên, không vì vậy mà bạn bắt buộc phải bơi ít đi vì vẫn có những kiểu bơi khác phù hợp với mẹ bầu. Cũng trong 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ bầu cần lựa chọn cho mình một bộ đồ bơi với tiêu chí thoải mái và không gây chèn ép vòng 2 quá mức.
- Với tam cá nguyệt thứ 3, bạn phải thật thận trọng hơn khi di chuyển trên bề mặt hồ bơi. Để an tâm nhất, bạn có thể trang bị thêm giày chống trượt. Trong quá trình bơi lội, để giảm áp lực phần cổ, bạn nên dùng thêm ống thở.
Bà bầu đi bơi có tốt không?
Bà bầu đi bơi có tốt không? Câu trả lời còn tùy thuộc vào kiểu bơi nào mà bạn chọn. Kiểu bơi ếch là lựa chọn tốt nhất cho mẹ bầu, bởi lẽ kiểu bơi này không đòi hỏi bạn phải xoay người (như bơi sải) và không mất quá nhiều sức. Kiểu bơi này khá phù hợp trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, lý do vì nó giúp thư giãn và cân bằng các nhóm cơ ở vùng ngực và lưng. Đây là 2 vùng thường bị chịu nhiều tác động do những thay đổi trong quá trình mang thai.
Nếu không thích bơi ếch, một lựa chọn khác cho bạn là kiểu bơi ngửa, vì tác động của lực hấp dẫn lên cơ thể trong nước bị giảm, do đó mẹ bầu có thể nằm ngửa mà không phải lo tuần hoàn máu bị suy giảm. Tuy nhiên, kiểu bơi này không được khuyến cáo dùng sau tuần thứ 16 thai kỳ, bởi trọng lượng của thai nhi sẽ gây ra áp lực lớn lên động mạch chủ khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu.
Những trường hợp bà bầu không được đi bơi
Nếu thấy có những dấu hiệu cảnh báo sau xảy ra, bạn cần nhanh chóng ra khỏi hồ bơi và tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức:
- Chảy máu âm đạo
- Đau bụng
- Mất nước
- Xuất hiện cơn co thắt tử cung
- Cảm thấy choáng váng, chóng mặt, khó thở
- Nhịp tim không đều
Với những trường hợp từng bị sảy thai tái phát, vỡ màng ối hoặc mắc bệnh tim mạch cần tuyệt đối nên tránh đi bơi khi mang thai và nên hỏi ý kiến bác sĩ về những loại hình vận động phù hợp hơn.
Những lưu ý dành riêng cho mẹ bầu khi đi bơi
Mặc dù bơi lội là biện pháp hữu hiệu để giảm những triệu chứng khó chịu của thai kỳ, tuy nhiên bà bầu đi bơi cần lưu tâm những vấn đề sau:
- Nên mang theo nước uống bên mình, uống trước và sau khi bơi để tránh tình trạng mất nước xảy ra. Đừng nghĩ rằng bạn ngâm mình trong bể bơi thì cơ thể sẽ không bị mất nước nhé!
- Tuyệt đối không nên nhảy hoặc lặn ngụp xuống hồ bơi vì điều này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe cả mẹ lẫn bé. Đặc biệt việc lặn dưới mặt nước sẽ làm gia tăng tình trạng thiếu oxy gây hại trực tiếp đến thai nhi.
- Tránh đi bơi nếu cảm thấy trong người không được khỏe hoặc đang bị cảm lạnh. Điều này có thể khiến những tình trạng bạn đang mắc phải diễn biến tệ hơn.
- Không nên bơi khi thời tiết xấu. Trường hợp nếu đi biển, tốt nhất bạn nên ở gần bờ và có thêm một ai khác bên cạnh để đảm bảo an toàn.
- Bạn nên thực hiện đúng các thao tác, kiểu bơi lội phù hợp với mình, tránh những động tác quá mạnh nhất là khi đang ở giai đoạn cuối thai kỳ.
- Mang dép chống trượt cả lúc bước vào và sau khi rời khỏi bể bơi để tránh bị té ngã.
- Tốt hơn hết nên chọn bể bơi ngoài trời vì một số bể bơi hiện nay có sử dụng clo để khử trùng. Chất này gây tác động xấu đến hệ hô hấp của thai phụ. Việc chọn bể bơi ngoài trời sẽ giảm tình trạng kích ứng xảy ra.
Có rất nhiều lợi ích thiết thực khi bà bầu đi bơi trong thai kỳ. Tuy nhiên, bạn cần phải hết sức cẩn trọng khi thực hiện bất kỳ hành động nào để tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây sẽ hữu ích với bạn trong suốt quá trình mang thai.
Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Hello Bác sĩ
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét