Bé bị hăm tã nặng sẽ khiến bé cảm thấy ngứa rát, khó chịu và điều quan trọng là các mẹ phải biết cách điều trị chứng hăm tã để ngăn chặn các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Dưới đây là 10 biện pháp khắc phục chứng hăm tã ngay tại nhà.
Hăm tã (hay còn gọi là viêm da do tã lót) là tình trạng vùng da ở vùng mông của bé bị kích ứng, nổi mẩn đỏ và có cảm giác nóng khi chạm vào. Khi bé bị hăm tã nặng, các vết hăm có thể bị sưng phồng, tấy đỏ hơn dẫn đến viêm nhiễm, lở loét, chảy mủ. Điều này khiến bé cảm thấy khó chịu, ngứa rát, từ đó bé sẽ thường xuyên quấy khóc hơn, ngủ không ngon giấc, biếng ăn, gây ảnh hưởng tới sự phát triển của bé.
Hăm tã xảy ra khi da có phản ứng với việc chạm phải chất gây kích ứng như nước tiểu, phân, xà phòng, mùi hương và hóa chất trong tã hoặc khăn lau. Trong một số trường hợp, hăm tã có thể là do nhiễm trùng nấm men và viêm da bã nhờn.
Bé dễ bị hăm tã hơn khi:
– Không thay tã thường xuyên
– Bị tiêu chảy
– Sử dụng kháng sinh
– Bú sữa mẹ nhưng mẹ lại đang sử dụng thuốc kháng sinh
– Mặc bỉm
– Khi mới cho bé thử các loại thực phẩm có tính axit như trái cây họ cam, quýt
– Bé mắc phải bệnh da liễu, chẳng hạn như bệnh chàm
Không thường xuyên thay bỉm là một trong những nguyên nhân khiến bé bị hăm tã nặng. Ảnh minh họa
10 biện pháp khắc phục khi bé bị hăm tã
Các mẹ có thể áp dụng những phương pháp sau để ngăn ngừa và điều trị chứng hăm tã cho bé:
1. Thay tã thường xuyên
Để bé mặc tã bẩn, ướt có thể khiến các tình trạng hăm tã trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, mẹ nên thay tã thường xuyên cho bé sau 3-4 giờ hoặc sau khi bé đi đại tiện.
2. Đổi bỉm hoặc bột giặt
Nếu trẻ sơ sinh bị hăm tã thường xuyên thì nguyên nhân có thể là do da của trẻ nhạy cảm với một số sản phẩm cụ thể chẳng hạn như khăn lau, bỉm, bột giặt. Lúc này, mẹ nên đổi bỉm hoặc khăn lau, bột giặt cho bé để loại bỏ những vết mẩn đỏ và ngăn ngừa tái phát.
3. Để mông bé được “thở”
Các mẹ nên nhớ rằng mông bé cũng cần được “thở”, đặc biệt là khi bé bị hăm tã nặng. Lúc này, mẹ nên hạn chế mặc bỉm cho bé, chỉ nên mặc quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi để giúp các vết hăm nhanh khô, nhanh lành hơn.
4. Đảm bảo bé mang tã, bỉm vừa với cơ thể
Tã, bỉm quá chật có thể khiến bé bị hăm tã và khiến tình trạng này nghiêm trọng hơn. Vì vậy, khi chọn mua tã, bỉm cho bé, mẹ nên chọn mua size vừa vặn với cơ thể bé, không bị quá chật. Tã lót nên chọn loại mềm mại, thoáng khí, không gây kích ứng.
Khi mặc bỉm, mẹ nên chọn cỡ bỉm vừa vặn với con, tránh quá chật. Ảnh minh họa
5. Tránh sử dụng khăn ướt
Giữ vùng mông của bé được sạch sẽ là điều rất cần thiết nhưng các loại khăn ướt được bày bán trên thị trường có thể khiến bé khó chịu hơn khi bị hăm. Nếu trẻ sơ sinh bị hăm, tốt nhất mẹ nên vệ sinh vùng mặc tã một cách nhẹ nhàng bằng xà phòng không mùi và nước rồi dùng khăn mềm lau khô. Trong những trường hợp bất khả kháng, mẹ nên chọn các loại khăn lau không có mùi, không cồn và nước thơm.
6. Dùng thử kem bôi và thuốc mỡ
“Bé bị hăm bôi gì?” chắc chắn là câu hỏi được nhiều mẹ quan tâm khi có con đang gặp phải tình trạng này. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific World Journal vào năm 2012, các loại kem có nguồn gốc từ thực vật gồm lô hội và hoa cúc kim tiền có thể giúp điều trị chứng hăm tã. Đặc biệt, cúc kim tiền là loại thảo mộc rất tốt có tác dụng chống viêm và diệt khuẩn. Ngoài ra, khi trẻ bị hăm, mẹ có thể bôi các loại kem và thuốc mỡ chứa kẽm oxyt để vết hăm nhanh lành hơn.
7. Xem xét loại bỏ những thực phẩm mới
Một số loại thực phẩm có tính axit như trái cây họ cam quýt, cà chua,… có thể khiến nước tiểu và phân của trẻ có tính axit, từ đó gây kích ứng da. Vì vậy, khi cho trẻ ăn thực phẩm mới, cha mẹ nên giới thiệu những thực phẩm này với số lượng ít và theo dõi xem trẻ có bị hăm vào thời điểm này hay không. Nếu trẻ bị hăm, mẹ nên loại bỏ chúng ra khỏi chế độ ăn của trẻ cho đến khi những vết mẩn đỏ biến mất.
8. Sử dụng xà phòng và chất tẩy rửa không mùi
Chất gây kích ứng da bao gồm mùi hương trong xà phòng, chất tẩy rửa, kem dành cho bé,… có thể là thủ phạm khiến bé bị hăm. Do đó, tốt hơn hết mẹ nên sử dụng các loại sản phẩm không mùi cho bé, đặc biệt là khi bé bị hăm tã, viêm da.
9. Tránh chà rửa khu vực bị hăm
Tuy giữ vùng mông cho trẻ được sạch sẽ, khô thoáng là điều tối quan trọng, đặc biệt là khi bé bị nổi mẩn đỏ, nhưng mẹ nên nhớ cần phải lau rửa nhẹ nhàng cho bé. Bởi chà xát khu vực này có thể khiến da của bé bị tổn thương hơn.
Chà xát mạnh vùng da bị hăm sẽ khiến da của bé bị tổn thương. Ảnh minh họa
10. Tắm bằng bột yến mạch
Các nghiên cứu cho thấy, bột yến mạch có thể làm giảm viêm và kích ứng khi bị viêm da, đồng thời có tác dụng giảm đau và ngứa do hăm tã gây ra. Để thực hiện cách chữa hăm tã này cho bé, mẹ có thể cho một muỗng bột yến mạch khô vào nước tắm của bé, ngâm bé trong vài phút rồi tắm lại bằng nước sạch. Ngoài ra, mẹ cũng có thể đun sôi bột yến mạch cùng nước, dùng vải sạch lọc lấy nước rồi hòa vào nước tắm để tăm cho bé.
Khi nào mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ?
Dù tình trạng hăm tã rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và không có gì đáng lo ngại, nhưng nếu bé có những biểu hiện sau đây thì mẹ nên đưa bé đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, vì rất có thể bé đã bị nhiễm khuẩn phát sinh.
– Bé bị hăm mãi không khỏi
– Sốt
– Vùng da bị hăm bị phồng rộp, mưng mủ, chảy máu, chai cứng
– Các nốt đỏ tập trung tạo thành vùng da cứng đỏ với một đường viền hình vỏ
Mặc dù bé bị hăm tã nặng có thể khiến bé đau đớn, khó chịu nhưng với những biện pháp khắc phục tại nhà kể trên chắc chắn sẽ giúp bé làm giảm các triệu chứng và vết hăm nhanh khỏi hơn.
Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/10-bien-phap-dieu-tri-ngay-tai-nha-khi-be-bi-ham-ta-nang-c32…
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét