Với một chút thay đổi trong hành vi và tư duy chi tiêu, bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình vào năm 2022, tiết kiệm hiệu quả và ngày càng rủng rỉnh hơn.
Theo dõi chi phí
Bước đầu tiên để bạn tiết kiệm được tiền chính là nhận thức. Việc biết được những gì mình vẫn chi tiêu sẽ giúp bạn biết được:
Những thứ bạn có thể ngừng mua.
Bao nhiêu thu nhập của bạn được chi tiêu cho các chi phí.
Khoản tiền bạn có thể tiết kiệm mỗi tháng/năm
Hãy bắt đầu với một nhiệm vụ đơn giản, giúp bạn có cái nhìn tổng quan về chi phí hàng ngày, hàng tháng và hàng năm.
Để làm điều này, bạn cần
Ghi lại các chi phí
Vào cuối mỗi ngày, hãy ghi vào sổ những gì bạn đã mua và trả tiền. Điều này sẽ giúp bạn theo dõi tiến trình của mình tốt hơn. Nếu bạn là người thích công nghệ, hãy chọn cho mình một ứng dụng phù hợp và cập nhật chi phí mỗi ngày của mình vào đó. Hãy chọn cách thức mà bạn thấy gần gũi với mình và thoải mái nhất.
Và dù là lựa chọn nào, hãy đảm bảo rằng bạn ghi lại cả số tiền nhỏ nhất mà mình đã chi. Sau 1 tháng, bạn nên cộng tất cả các chi phí của mình trong kỳ và nhân với 12 để có được mức chi tiêu trung bình hàng năm.
Thiết lập ngân sách
Khi bạn đã có cái nhìn tổng quan về các khoản chi của mình, bây giờ bạn có thể đặt ra ngân sách cố định cho cả tháng nhằm tránh bội chi. Bạn cũng có thể tiết kiệm một số tiền nhất định vào mỗi đầu tháng mà vẫn đảm bảo các chi tiêu trong tháng của mình.
Biết các ưu tiên của bạn
Để bám sát ngân sách một cách hiệu quả và đảm bảo rằng khoản tiết kiệm của bạn sẽ không bị ảnh hưởng, bạn cần phân tích các ưu tiên của mình. Nếu nó nằm ở vị trí cuối cùng trong danh sách ưu tiên của bạn hoặc hoàn toàn không xuất hiện, điều đó có nghĩa là bạn nên cân nhắc về khoản chi đó.
Đây là lúc bạn cần hiểu rõ khái niệm về nhu cầu thiết yếu và mong muốn:
Nhu cầu
Nhu cầu là những thứ bạn cần cho cuộc sống hàng ngày như thức ăn, nước uống, điện, chi phí đi lại… Những thứ này nên đứng đầu trong danh sách ưu tiên của bạn.
Mong muốn
Mong muốn là những thứ bạn vẫn có thể sống mà không có nó. Bạn chỉ nên chi tiền cho những khoản này sau khi đã giải quyết xong tất cả các khoản chi của mình và đạt mục tiêu ngân sách.
Hiểu được những khoản chi nào là cần thiết, khoản chi nào là mong muốn sẽ giúp bạn chi tiêu hợp lý hơn, chìa khóa để bạn có kỷ luật về kiểm soát tài chính.
Tìm kiếm niềm vui từ những điều giản dị
Tận hưởng cuộc sống không nhất thiết là bạn luôn phải tốn tiền. Tìm kiếm niềm vui từ những điều giản dị sẽ giúp bạn thoát khỏi những mong muốn xa xỉ nhưng không có khả năng chi trả.
Thay vì chi tiền cho những chuyến du lịch tốn kém ra nước ngoài, bạn có thể cùng gia đình đi du lịch trong nước hoặc đơn giản là cùng nhau đi dã ngoại 1-2 ngày, đến các công viên địa phương cắm trại. Quan trọng là bạn dành thời gian bên những người mình thân yêu, có được niềm vui mà không cần tốn kém.
Lập kế hoạch ăn uống thay vì ăn ngoài hàng ngày
Thức ăn thường chiếm một phần lớn chi phí của bạn và nếu giảm được khoản chi này, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền mỗi tháng.
Thay vì thường xuyên ăn ngoài, hãy chăm chỉ nấu ăn ở nhà hơn và cân nhắc mang bữa trưa đi làm. Thay vì đi chợ, siêu thị mà không có kế hoạch trước, nhớ ra thứ gì sẽ mua thứ đó, hãy lên danh sách những thứ bạn cần mua. Việc lên kế hoạch trước cho bữa ăn tuần sẽ giúp bạn chủ động hơn, chỉ cần đi chợ 1 lần và sơ chế, bảo quản là có thể phục vụ cho cả tuần. Điều này không chỉ giúp bạn tiết kiệm chi phí mà còn tiết kiệm thời gian, công sức đi chợ, nấu nướng.
Đặt ra số tiền tiết kiệm mục tiêu
Việc tiết kiệm tiền sẽ không phải là động cơ thúc đẩy bạn tiết kiệm tiền nếu
bạn không biết mình có thể sử dụng nó vào đâu. Hãy đặt ra mục tiêu tiết kiệm một cách cụ thể về con số và mục đích. Làm được điều này, bạn sẽ quyết tâm hơn trong việc tiết kiệm tiền bởi bạn biết cụ thể điều mình đang hướng đến là gì.
Sử dụng một con heo đất
Bạn có thể sẽ thấy hơi trẻ con khi nuôi những chú heo đất song mẹo nhỏ này sẽ rất hiệu quả nếu bạn là người dùng tiền mặt và thường xuyên có tiền lẻ trong ví. Bằng cách đút heo những đồng tiền lẻ đó mỗi khi có, bạn sẽ phải bất ngờ với số tiền mình tiết kiệm được sau một thời gian dài mà không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nhiệm vụ đơn giản này sẽ giúp bạn tận dụng tối đa ngân sách của mình.
Tránh nợ
Một trong những lời khuyên cần thiết khác chính là tránh các khoản nợ. Trừ trường hợp bạn định sử dụng khoản tiền đó cho các hoạt động kinh doanh hoặc những việc khác có thể tạo ra lợi nhuận, đừng lâm vào nợ nần.
Đừng lao vào những thứ không cần thiết
Nếu bạn không vướng vào nợ nần, biết dùng tiền mặt để hạn chế chi tiêu quá những gì mình có nhưng vẫn lao vào những thứ không cần thiết, tình hình sẽ vẫn không có gì thay đổi.
Đừng chi tiêu nhiều hơn những gì bạn có thể và hãy tuân theo ngân sách của bạn. Luôn nhớ những lời khuyên ở phía trên, đặc biệt là những lời khuyên về các ưu tiên. Nếu mãi giữ thói quen chi tiêu không lành mạnh, số tiền tiền tiết kiệm của bạn sẽ không thể lớn lên, thậm chí còn bé đi.
Phân bổ tiền tiết kiệm
Sẽ tốt hơn khi bạn có mục đích riêng cho mỗi đồng tiền tiết kiệm của mình. Phân bổ khoản tiết kiệm của bạn cho các mục tiêu cụ thể sẽ giúp bạn có động lực và sớm đạt được mục tiêu của mình.
Ví dụ: bạn có thể đặt 25% khoản tiết kiệm cho chiếc xe trong mơ, 25% cho việc mua nhà, 25% cho việc kinh doanh… Bạn có thể chọn làm hoặc không làm điều này nhưng việc thực hiện nó sẽ giúp bạn đạt được kết quả tốt hơn.
Có tư duy đúng
Ngay cả khi bạn đã làm theo tất cả các mẹo ở trên, bạn vẫn có thể thấy tình hình của mình không có gì thay đổi nếu bạn không có tư duy đúng đắn. Bạn phải hoàn toàn quyết tâm đạt được mục tiêu thì mới có thể làm tốt được.
Tiết kiệm tiền là điều cần thiết mà bạn phải học càng sớm càng tốt. Điều cần thiết này sẽ giúp bạn tận hưởng cuộc sống mà không gặp khó khăn về tài chính trong thời gian dài. Chìa khoá của tiết kiệm chính là kỷ luật, bạn phải có toàn quyền kiểm soát những đồng tiền của mình chứ không phải điều ngược lại.
Nếu bạn là người chi khá hoang phí và mới bắt đầu thực hành tiết kiệm, đừng chờ đợi sẽ thấy ngay những thay đổi với tình hình tài chính của mình. Tiết kiệm cũng như thay đổi là một quá trình đòi hỏi thời gian vì bạn cần loại bỏ những thói quen không lành mạnh trước khi tiết kiệm hiệu quả.
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét