Chúng tôi đã tích cực “giao lưu” và nỗ lực không ngừng trong công cuộc “săn tìm” một tiểu hoàng tử. Nhưng lần thứ 3 mang thai vẫn là con gái, tôi lại nuốt nước mắt đi phá thai. Rồi lần thứ 4 vẫn vô vọng.
Tôi và anh quen nhau khi cả hai tham dự trong một cuộc họp đồng hương ở trường đại học. Hóa ra chúng tôi ở cùng quê, hai bố mẹ ở cách xa không nhiều. Do anh lớn hơn tôi một tuổi, không phải là đồng niên nên mãi khi bước chân vào giảng đường đại học, chúng tôi mới quen biết, dẫn tới tìm hiểu và yêu đương sau đó.
Sau khi tốt nghiệp, anh nói gia đình anh có mỗi mình là con trai, các chị gái đi lấy chồng xa cả nên anh phải theo sự sắp đặt của các cụ – về quê gây dựng sự nghiệp ở gần bố mẹ. Anh nói chỉ yêu mỗi mình tôi, nếu chúng tôi quyết tâm đi đến cùng, xin tôi sau khi tốt nghiệp hãy trở về quê nhà cùng anh.
Đám cưới của chúng tôi diễn ra không lâu sau đó, tôi cũng có bầu luôn. Thời điểm này tôi vẫn chưa ổn định công việc. Tuy nhiên anh động viên, tạm thời tôi hẵng gác sự nghiệp sang một bên, lo cho gia đình con cái trước đã. Nỗi lo cơm áo gạo tiền chỉ mình anh gồng gánh là đủ.
Thế nhưng “đời không như là thơ nên đời giết chết mộng mơ”, chúng tôi sống cùng bố mẹ chồng ở quê nên va chạm nhỏ nhặt diễn ra ngày một nhiều. Tôi có mang con đầu lòng là một bé gái nên các cụ tỏ ra thất vọng ra mặt. Anh là con trai duy nhất trong gia đình, xét theo vai vế họ tộc lại là trưởng chi (đầu nhánh trong một dòng họ lớn), thế nên trọng trách sinh một người con trai nối dõi đối với tôi càng thêm nặng nề.
Là người được học hành và tiếp thu tư tưởng tiến bộ, anh đã làm công tác tư tưởng cho bố mẹ rất nhiều. Anh nói thời buổi này đâu còn quan trọng trai hay gái, miễn con cái khỏe mạnh bình yên thì đã là món quà vô giá dành cho cha mẹ.
Tuy nhiên lề thói ở quê, nếu sống lâu sẽ vô hình chung bị tiêm nhiễm lúc nào không hay biết. Mặc dù khởi điểm chồng tôi rất công tâm và bênh vực vợ ra mặt, thế nhưng qua các buổi họp họ, họp chi, ngồi uống rượu cùng các cụ, từ lúc nào anh thay đổi quan điểm mà tôi không hề hay biết.
Khi bé gái đầu được hai tuổi, tôi bày tỏ mong muốn gửi con đi trẻ, sau đó bắt tay vào khôi phục lại kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ và nộp hồ sơ dự tuyển xin việc trên thành phố. Cả đại gia đình đã tiến hành họp bàn, thương lượng với tôi lên kế hoạch sinh thêm bé nữa rồi lúc đó ổn định công tác vẫn chưa muộn.
Đang độ tuổi sinh nở, bố mẹ chồng nói tôi có đà nên sinh luôn thể. Hơn nữa các cụ đang còn khỏe, tôi còn nhờ cậy việc hỗ trợ chăm sóc trông con nhỏ được. Nếu sau này các cụ yếu rồi, e rằng mọi thứ lúc đó đến với tôi sẽ khó khăn hơn.
Nghe thêm lời tác động của chồng, tôi lại gác hồ sơ xin việc, lên kế hoạch có bầu bé hai. Trời không phụ lòng người, chỉ sau hai tháng “thả”, tin vui cấn bầu lại đến với tôi một lần nữa. Tuy nhiên, cái “nghiệp” sinh còn một bề hình như đeo bám gia đình bên ngoại của tôi hay sao tôi cũng không lý giải nổi. Bố mẹ tôi sinh hai chị em tôi là con gái. Đến lượt chị gái tôi đi lấy chồng, cũng liên tiếp ba năm đón hai nàng công chúa. Giờ đây đến lượt tôi, mong mỏi một tiểu hoàng tử ra đời để không phụ công bố mẹ chồng, trời cũng không giúp tôi thỏa chí.
Nghĩ là nghĩ vậy thôi, chứ sau khi siêu âm biết bé hai là bé gái, tôi đã nhanh chóng sốc lại tinh thần, cương quyết đưa ra câu trả lời với bố mẹ chồng, rằng “gái hay trai chỉ hai là đủ”. Tôi còn phải lo cho bản thân, cho công việc phù hợp với chuyên ngành, không thể dành cả tuổi thanh xuân chỉ vì ước nguyện có con trai nối dõi của các cụ.
Thấy tôi tỏ thái độ cứng rắn, bố mẹ chồng cũng “đánh bài ngửa” với tôi. Các cụ nói, nếu thế thì sau khi sinh bé hai mẹ tròn con vuông, tôi phải lên kế hoạch có thêm con, cho tới khi gia đình có cháu trai mới thỏa.
Khi tôi đang còn sốc với sự dứt khoát đến bẽ bàng của bố mẹ chồng, thì chồng tôi đã đưa ra ý tưởng hay là chúng tôi bỏ thai bé thứ hai trước khi em bé quá lớn trong bụng mẹ, vượt qua tầm can thiệp của bác sĩ. Chúng tôi đang còn trẻ, khi cấn bầu lại, cơ hội đón bé trai sẽ là 50 – 50. Quan trọng là tôi không phải sinh quá nhiều con mà cuối cùng vẫn thỏa ý nguyện của bố mẹ.
Cực chẳng đã, tôi nhắm mắt làm theo lời chồng. Khi hết thời gian kiêng cữ sau lần xử lý, chúng tôi đã tích cực “giao lưu” và nỗ lực không ngừng trong công cuộc “săn tìm” một tiểu hoàng tử. Nhưng lần thứ 3 mang thai vẫn là con gái, tôi lại nuốt nước mắt đi phá thai. Rồi lần thứ 4 vẫn vô vọng.
Càng phá thai, tôi càng “say” với giấc mơ phải sinh bằng được con trai. Nhưng đã 2 năm nay, kể từ lần phá thai thứ 3, tôi vẫn chưa có thai lại. Vợ chồng tôi chở nhau đi thăm khám tại bệnh viện lớn trên thành phố thì nhận kết quả cay đắng: Do phá thai nhiều lần, tôi bị viêm nhiễm, dính vòi trứng nên cơ hội mang thai lại rất khó. Hơn nữa, do phá thai nhiều, liên tục nên tử cung của tôi rất yếu, nếu có thai cũng khó giữ được.
Khi nghe được tin như vậy, chồng tôi và mẹ chồng không hề xót thương còn quay sang trách móc tôi “không cẩn thận, giữ gìn”. Mẹ chồng tôi ra chỉ thị, yêu cầu tôi đi chạy chữa để có thai bằng được thì thôi.
Chưa bao giờ tôi hối hận vì đã bỏ thai như vậy. Những người bạn đồng lứa của tôi sau năm năm tốt nghiệp ra trường, giờ đã đuề huề con cái và có sự nghiệp vững chắc. Còn bản thân mình thì vẫn đang quay cuồng trong cuộc “săn tìm” con trai của mình.
Thân thể đau yếu, tinh thần rệu rã, tôi không biết lúc nào mình sẽ “ra đường” khi chồng và gia đình chồng luôn thúc giục tôi tiếp tục chạy chữa để sinh con trai.
Nguồn: Phụ nữ sức khỏe
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét