Chị Ngọc mang bầu 3 tự nhiên hiếm gặp 8 nghìn ca mới có một. Chị sinh 3 bé vào tháng 7 vừa qua trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh mẽ.
Gần 1 tháng sau sinh 3, mỗi lần nhìn vào gương chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc (28 tuổi, Nghệ An) lại không nhận ra mình. Quay cuồng chăm 3 bé mới sinh và con trai lớn nay gần 4 tuổi, chị chẳng kịp chải đầu, chỉ vơ vội rồi buộc gọn tóc lên. Đặc biệt gương mặt thay đổi, mồm méo do sức khỏe yếu liệt dây thần kinh số 7 sau sinh, chiếc bụng sổ, rạn chằng chịt chị lại đượm buồn. Dẫu vậy, mỗi khi nhìn thấy các con ngủ ngon, chị lại cảm thấy hạnh phúc và mọi hy sinh đều xứng đáng.
3 bé nhà chị Ngọc sinh ngày 19/7.
Mang bầu 3 nặng nhọc chỉ ngồi một chỗ
Đến đường Tân Yên, phường Hưng Bình, Tp Vinh, Nghệ An, chỉ cần hỏi chị Ngọc sinh 3 là ai cũng biết. Chị Ngọc không chỉ là trường hợp hiếm hoi sinh 3 ở đây mà còn là trường hợp đặc biệt sinh giữa mùa dịch COVID -19 lần thứ 4 bùng phát mạnh mẽ. Được biết, kể từ khi có 3 bé, cuộc sống của gia đình chị Ngọc bị đảo lộn hoàn toàn. 2 vợ chồng chị xoay chóng mặt với guồng quay của các con.
Nhìn các con ngủ say, chị Ngọc chia sẻ, chị kết hôn với ông xã hơn 5 tuổi vào năm 2017. Một năm sau vợ chồng chị hạnh phúc chào đón con trai đầu lòng. Khi con trai đã lớn, vợ chồng chị lên kế hoạch sinh con thứ 2 vào năm 2020 và may mắn cuối năm chị đón nhận tin vui có bầu. Đặc biệt, niềm vui đến vô cùng bất ngờ khi chị mang thai 3 hiếm gặp 8 nghìn ca mới có một.
“Sau 3 năm sinh bé đầu, mình có bầu 3 bé. 6 tuần mình biết có thai đi siêu âm, bác sĩ bảo chỉ có một bé thôi nhưng đến 8 tuần đi siêu âm lại mới biết 3 thai. Nghe thông báo từ bác sĩ, vợ chồng mình vừa mừng nhưng cũng vừa lo đủ đường”, chị Ngọc chia sẻ.
Mang bầu bé chị Ngọc gặp rất nhiều khó khăn.
Mang bầu đã vất vả, chị Ngọc lại mang bầu 3 lên mọi vất vả cứ nhận lên gấp 3 lần. Chính vì vậy, ngay khi biết tin chị đã phải nghỉ bán hàng để ở nhà dưỡng thai, nghỉ ngơi. Chồng chị làm lái xe cũng phải cố gắng để lo cho 5 mẹ con chị.
Được biết, chị Ngọc bị nghén nhiều đến tận tháng thứ 4 vô cùng mệt mỏi. Ngoài ra, mang bầu 3 có nguy cơ dọa sảy cao nên ngay từ khi biết tin có bầu chị đã phải đặt thuốc giữ thai đến tận lúc lên bàn đẻ. Không những vậy, chị còn bị tiểu đường thai kỳ từ tuần thứ 17 nên phải kiêng khem và lo lắng đủ đường.
“Mang bầu mình gặp rất nhiều khó khăn, nghén nhiều, mệt và vất vả lắm. Mình khó khăn đi lại, chỉ ngồi một chỗ. Bầu bé đầu, mình bị tiểu đường thai kỳ phải sinh mổ nên bầu 3 bé này mình cũng bị tiểu đường thai kỳ từ tuần thứ 17. Mình phải ăn chế độ vô cùng ngặt nghèo, hạn chế đồ ngọt, tinh bột. Thỉnh thoảng mình cũng uống sữa tươi không đường nữa. Và ngay tuần thứ 32 mình đã được chỉ định tiêm trưởng thành phổi”, chị Ngọc chia sẻ.
Cả thai kỳ chị Ngọc tăng 12kg. Mang bầu tam thai nên những tháng cuối thai kỳ chị vô cùng vất vả khi chiếc bụng ngày càng lớn dần. Từ tháng thứ 7 thai kỳ chị đã khó khăn trong đi lại, phải ngồi một chỗ, đặc biệt chị nằm ngủ không thể quay được mình.
Mang bầu 3 nặng nhọc chị khó khăn trong đi lại và xoay người.
Sinh tam thai hiếm gặp 8 nghìn ca mới có một
Chị Ngọc cho biết, do mang bầu 3 vất vả, không thể xoay được mình khi nằm, hơn nữa có nhiều nguy cơ ở những tháng cuối thai kỳ nên gia đình chị đã xin bác sĩ được mổ chủ động ở tuần thứ 35.
Cuối cùng, trải qua 8 tháng “mang nặng” tam thai, hành trình khó khăn ấy của chị Ngọc đã được đền đáp bằng niềm hạnh phúc vỡ òa khi được các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An mổ lấy thai thành công ngày 19/7, 3 thiên thần nhỏ đã chào đời bình an, khỏe mạnh. 3 bé trai chào đời 10h cân nặng lần lượt 2,3kg; 2,5kg và 2,7kg, trong đó có 2 bé sinh đôi cùng trứng (chung bánh rau và buồng ối). “Nằm trên bàn mổ, nghe thấy tiếng khóc lần lượt của 3 con mình vỡ òa hạnh phúc vì mẹ tròn con vuông”, chị Ngọc tâm sự.
Chị mang tam thai hiếm gặp 8 nghìn ca có một.
Sau sinh các bé được chuyển về khoa sơ sinh nằm giường sưởi ấm để ổn định thân nhiệt, chăm sóc dinh dưỡng và theo dõi các dấu hiệu chuyển nặng của trẻ sinh từ đa thai. Các bé cũng được áp dụng sớm phương pháp chăm sóc Kangaroo dành cho trẻ sinh sớm với sự hỗ trợ của gia đình để giúp bé ổn định thân nhiệt, nhịp thở, nhịp tim, tiêu sữa tốt. Và ngày 27/7, 4 mẹ con chị đã được xuất viện về nhà. Tuy nhiên vì sau sinh sức khỏe yếu nên chị Ngọc bị liệt dây thần kinh số 7 dẫn đến bị méo mồm. Đến nay, hàng ngày chị vẫn phải đi châm cứu để cải thiện tình hình.
3 bé cân nặng lần lượt 2,3kg: 2,5kg: 2,7kg.
3 bé được ấp Kangaroo với người thân.
Nói đến đây, gương mặt chị Ngọc đượm buồn tâm sự, hiện nay vợ chồng chị không đi làm, tình hình dịch COVID-19 chồng chị làm lái xe nên ảnh hưởng nhiều và phải nghỉ việc. Hơn nữa, gia đình chị không có ai, ông bà ngoại, ông nội đã mất, bà nội già yếu không hỗ trợ được việc chăm con nên chồng chị phải nghỉ việc để đỡ đần chị chăm các bé. Chính vì vậy cuộc sống gia đình chị hiện tại vô cùng khó khăn, không biết xoay sở sao.
Chị sức khỏe yếu, không có sữa cho con nên 3 bé phải dùng hoàn toàn sữa ngoài dành cho trẻ sinh non nhẹ cân. Hiện tại, anh em, người thân trong nhà đỡ đần vợ chồng chị được chút ít trong tháng đầu tiên còn những tháng tới chị cũng không biết tính sao.
“Các bé nhà mình ngày ăn 10-12 cữ sữa, mỗi cữ 60ml mỗi bé nên 3 ngày là hết hộp sữa 400g. Còn bỉm mỗi ngày phải thay 15-20 cái cho cả 3 bé nên cứ 3 ngày hết bịch bỉm 40 miếng.
Hiện tại mình cũng đang điều trị ở viện. Sau nửa tháng tình hình cải thiện nhưng miệng vẫn méo. Vợ chồng không đi làm được vì dịch bệnh, nuôi 3 bé lại tốn kém bỉm sữa nên kinh tế đang rất vất vả”, chị Ngọc chia sẻ.
Sau sinh chị bị liệt dây thần kinh số 7 nên phải điều trị.
Dẫu cuộc sống khó khăn nhưng chị Ngọc cho biết, vợ chồng chị sẽ cố gắng tất cả để cho các con có cuộc sống đầy đủ. Mỗi khi nhìn các con ngủ ngon, vợ chồng chị lại có động lực cố gắng hơn mỗi ngày.
Xem thêm chủ đề Câu chuyện mang thai
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét