8 cách đơn giản nhưng hiệu quả giúp cắt giảm chi phí, gia tăng tiết kiệm

8 cách đơn giản nhưng hiệu quả giúp cắt giảm chi phí, gia tăng tiết kiệm



Chìa khóa để cắt giảm chi tiêu phù hợp chính là từng bước cắt giảm một chút chỗ này, một chút chỗ kia thay vì rút hết ngân sách và bắt bản thân nói không với những thói quen đã lâu.



Một trong những khía cạnh khó khăn trong tài chính cá nhân chính là làm sao để tìm ra cách tốt nhất sử dụng những đồng tiền của mình. Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ ngày nay, dường như việc tiết kiệm lớn với ngân sách nhỏ càng trở nên khó khăn.


Tuy nhiên, chìa khóa để bạn có thể giảm chi tiêu hiệu quả chính là cắt giảm từng bước, một chút một trong mỗi lĩnh vực, thay vì rút hết ngân sách của bạn cùng một lúc. Dưới đây là 8 cách đơn giản nhưng hiệu quả giúp bạn cắt giảm chi phí và gia tăng tiết kiệm.


1. Đặt bất kỳ khoản tiền thưởng nào của bạn vào khoản tiết kiệm




8 cách đơn giản nhưng hiệu quả giúp cắt giảm chi phí, gia tăng tiết kiệm







Không có cảm giác nào tốt hơn việc tìm thấy 200 nghìn đồng trong túi áo khoác cũ của bạn hay ở ngóc ngách nào đó trong nhà. Thay vì bỏ túi số tiền mặt đó và có khả năng bị mất lần thứ hai, hãy trả cho mình trước bằng cách tự động gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm của bạn.


Hãy làm điều tương tự với số tiền lớn hơn, chẳng hạn như tiền thưởng cuối năm, tiền được người thân trong nhà cho… Tương tự với mức tăng lương hàng năm của bạn, hãy gửi khoản chênh lệch đó và giữ vững lối sống của mình. Đó chính là cách đơn giản giúp bạn tiết kiệm hiệu quả. 


2. Nấu ăn tại nhà


Thật khó tìm lại năng lượng để nấu một bữa ăn sau ngày dài làm việc. Tuy nhiên bạn không cần phải vào bếp lâu đến vậy mới có thể chuẩn bị một bữa ăn cho mình. Hãy bắt đầu với thói quen nấu ăn ít nhất 2 lần một tuần, mang cơm trưa đi vào những ngày nhất định nếu bạn là người ăn ngoài thường xuyên và từ từ tăng con số này lên 3 hay 4 lần/tuần. Nếu điều đó không thực tế với bạn, hãy dành thời gian vào ngày Chủ nhật để chuẩn bị một vài món có thể ăn trong nhiều bữa hoặc sơ chế trước rồi cấp đông. Bằng cách này, bạn có thể nhanh chóng chuẩn bị một bữa ăn sau khi đi làm về.



Đối với cà phê, các đồ uống khác cũng vậy. Mua một ly đồ uống mỗi ngày có vẻ không đáng là bao song về lâu về dài, chắc chắn nó sẽ ngốn của bạn không ít tiền. Cắt bỏ được khoản chi phí này có thể tiết kiệm tới hàng triệu, thậm chí cả chục triệu đồng mỗi năm.


3. Lập danh sách hàng tạp hóa trước khi đi mua 


8 cách đơn giản nhưng hiệu quả giúp cắt giảm chi phí, gia tăng tiết kiệm


Một trong những thói quen không nhiều người xây dựng được cho mình chính là lên danh sách những thứ cần mua trước khi đến chợ hoặc siêu thị. Nếu bạn từng đi mua sắm mà không có danh sách hoặc khi bụng bạn đang trống rỗng, bạn có thể muốn mua nhiều thực phẩm hơn bình thường.


Hãy lên kế hoạch trước cho những thứ bạn cần trong tuần trước khi đến cửa hàng để không chỉ đảm bảo rằng bạn nhớ tất cả mà còn tránh được việc nhặt thêm những món đồ không cần thiết. Danh sách này còn giúp bạn tránh việc phải đi mua thêm vài lần nữa và những cám dỗ không cần thiết khác. Một mẹo nhỏ giúp bạn tiết kiệm hơn khi đi siêu thị là hãy chọn giỏ hàng có kích thước phù hợp thay vì lấy một xe đẩy thật to. Đây là cách để bạn tránh được tâm lý làm đầy giỏ hàng mà nhiều người vốn có. 


4. Đặt ra giới hạn mua sắm


Hãy tạo thói quen để ngăn cản mình khỏi những giao dịch mua sắm bốc đồng. Nếu bạn thấy mình muốn có một chiếc áo khoác đắt tiền mà bạn tình cờ nhìn thấy ở trung tâm mua sắm, hãy đợi một hoặc hai ngày và xem liệu bạn có còn suy nghĩ về nó hay không. Trong thời gian chờ đợi, bạn có thể tìm kiếm các phiếu giảm giá hoặc mã khuyến mãi cũng như liệu có cửa hàng nào khác bán chiếc áo đó với giá “mềm” hơn không. Đây là những điều có thể giúp bạn tiết kiệm hiệu quả khi mua hàng.


5. Dọn dẹp tủ quần áo và bán những gì có thể


Khi mùa thu đến gần, có lẽ đã đến lúc bạn phải lục tung tủ quần áo của mình và loại bỏ những món đồ mà bạn không bao giờ mặc đến. Sự thật là chúng ta ai cũng có trong tủ quần áo những bộ cánh không bao giờ mặc đến hoặc hiếm khi mặc. Những bộ quần áo này đang chiếm không gian của bạn và đã ngốn của bạn không ít tiền.


Hãy giải phóng không gian và kiếm tiền từ đó. Hãy đi từng phòng trong nhà để tìm kiếm những thứ vẫn sử dụng tốt mà bạn không cần đến. Khi đã tìm được kha khá thứ, bạn có thể tổ chức một buổi bán hàng nhỏ để kiếm tiền mua những thứ cần thiết hơn hoặc trao đổi với bạn bè để lấy những thứ hữu dụng hơn với mình.


6. Hủy tư cách thành viên câu lạc bộ thể dục hoặc giải trí


Bạn có thể đang mất kha khá tiền vào việc duy trì tư cách thành viên các câu lạc bộ mà không hề sử dụng đến. Nếu bạn có thẻ thành viên phòng tập nhưng lại hầu như không sử dụng vì nhiều lý do, đã đến lúc bạn nên hủy bỏ tư cách thành viên đó. Chỉ với vài phút tìm kiếm, bạn có thể tìm thấy những video hướng dẫn tập và thực hiện ngay tại nhà.


Bên cạnh đó, hãy thống kê xem bạn có đang sử dụng hết các dịch vụ truyền hình cáp, internet… không? Nếu bạn có sử dụng nhưng không hết gói cước đó, đừng ngần ngại liên hệ với nhà cung cấp để được tư vấn gói cước phù hợp hơn. Chỉ với một hành động đơn giản, bạn đã cắt giảm được chi phí sinh hoạt mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.


7. Thực hiện các dự án DIY


8 cách đơn giản nhưng hiệu quả giúp cắt giảm chi phí, gia tăng tiết kiệm


DIY (Do It Yourself: Tự làm lấy) chính là cách hữu hiệu giúp bạn giảm thiểu chi phí. Chúng ta thường chi kha khá tiền cho các vật dụng trang trí trong nhà, đồ phụ kiện hay các đồ thủ công. Vậy tại sao không thoả sức sáng tạo, tự mình tạo ra những sản phẩm có 1 không 2 trên thế giới này?


Thay vì đi ra ngoài mua một chiếc mặt nạ mới để phục vụ cho buổi dạ hội tới, hãy xem liệu bạn có thể tự làm một chiếc với những vật dụng đã có sẵn ở nhà hay không. Pinterest là một công cụ thần kỳ dành cho những người thích tự làm. Bạn có thể sử dụng nó để tìm các công thức nấu ăn miễn phí, thủ thuật dọn dẹp nhà cửa và cách sử dụng tối đa những thứ bạn có xung quanh nhà.


8. Sử dụng ứng dụng lập ngân sách


Bạn sẽ rất dễ chi tiêu quá mức khi không đặt ra các giới hạn cho việc chi tiêu cũng như trách nhiệm mà mình cần có. Đó là lý do bạn cần lập ngân sách và bám sát những gì mình đã đề ra.


Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các ứng dụng giúp mình theo dõi chi tiêu hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng. Việc này sẽ giúp bạn dễ nhận ra xu hướng tiêu tiền của mình cũng như biết bản thân có thể cắt giảm ở khoản nào, đầu tư vào khoản nào hơn nhằm tăng giá trị của bản thân cũng như cơ hội kiếm được nhiều hơn trong tương lai.


Bạn sẽ làm gì với số tiền tiết kiệm của mình?


Khi bạn đã làm việc vất vả và cố gắng để tiết kiệm nhiều nhất có thể, hãy nghĩ về những gì bạn sẽ làm với số tiền tiết kiệm của mình. Bạn sẽ đưa chúng vào quỹ dự phòng khẩn cấp, chuyển vào quỹ tiết kiệm để trả trước mua nhà hay đầu tư cho tương lai? Việc có mục tiêu rõ ràng khi tiết kiệm sẽ giúp bạn có động lực tốt hơn để tiếp tục tìm cách cắt giảm chi phí.







Theo Bảo Anh. (Theo The Balance) (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)

Nguồn: Eva




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét