Để giữ được cặp song thai bình an chào đời, người mẹ này đã phải ăn uống và đi vệ sinh ngay tại giường, thậm chí chị còn không thể ngồi dậy.
Thông thường, thời gian chào đời của một cặp song sinh chỉ cách nhau vài phút, nhưng cặp song thai “rồng phượng” (một trai-một gái) ở Đài Loan này lại sinh cách nhau tới 88 ngày, phá vỡ kỷ lục thế giới về khoảng cách chào đời của một cặp song sinh.
Chia sẻ trên mạng xã hội, bác sĩ sản phụ khoa Thi Cảnh Trung tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan cho biết, gần đây anh nhận được bức thư cảm ơn từ bà mẹ sinh đôi này. Cặp đôi giờ đây đã hơn 1 tuổi nhưng quá trình mang thai đầy gian nan của bà mẹ đó khiến anh không thể nào quên được.
Bác sĩ Thi cho biết, bà mẹ đó tên là Dương Nhã Kỹ, sống ở quận Kim Môn, Đài Bắc. Chị và chồng đều là con một trong gia đình nhưng cả hai kết hôn với nhau 10 năm mà mãi chưa có con. Bởi lẽ cứ mỗi lần mang thai, chị Dương lại bị sảy thai ở khoảng 20 tuần.
Cặp vợ chồng đã chạy chữa khắp nơi để kiếm con và cách đây khoảng 2 năm, người phụ nữ này lại mang thai thêm lần nữa. Nhưng điều cả hai không ngờ là lần này chị lại mang song thai. Đáng nhẽ đây là một điều đáng mừng, nhưng với một người có tiền sử sảy thai nhiều lần như chị thì việc này chẳng khác nào đi trên băng mỏng, vì tỷ lệ sinh non sẽ cao hơn bình thường.
Vợ chồng chị Dương cùng cặp sinh đôi.
Trong quá trình mang thai, hai vợ chồng chị Dương đều rất cẩn thận và ở tuần thứ 20 thai kỳ, mẹ bầu đã nhập viện Đại học Quốc gia Đài Loan để theo dõi. Nhưng dù cẩn thận tới mấy thì ngày 2/2/2020, em bé đầu tiên vẫn chào đời ở tuần 24 thai kỳ, tức cách ngày dự sinh 4 tháng. Đó là một bé trai và được đặt tên là Trương Minh Kiệt. Ngay sau khi chào đời, bé trai nhanh chóng được đưa tới phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh.
Về bé gái song sinh còn lại, bác sĩ Thi đã cố gắng hết sức để bé được ở trong bụng mẹ thêm một thời gian nữa. Cụ thể, anh đã cắt ngắn phần dây rốn và đặt trong bụng mẹ. Thật bất ngờ, bé gái vẫn sống sót sau khi bị các tự kháng thể (các protein miễn dịch) tấn công, thoát khỏi nguy cơ nhiễm trùng do vỡ ối và các bệnh liên quan do thuốc chống sảy thai gây ra.
Ngày 29/4/2020, bé gái bình an chào đời ở tuần 36 thai kỳ, cách anh trai song sinh 88 ngày. Tới cuối tháng 7/2020, bé trai mới được xuất viện và về nhà.
“Hai đứa trẻ đó giờ đã hơn 1 tuổi và sức khỏe ổn định. Bé trai lúc mới sinh ra chỉ to bằng bàn tay mà giờ đã cao hơn em gái mình 1cm rồi đấy”, bác sĩ Thi vui mừng nói.
Chồng chị Dương được bình chọn là “Người bố tốt” trong quận.
Ngoài sự tận tình của các bác sĩ, sự nỗ lực của người mẹ để cứu các con cũng thật đáng nể. Bởi lẽ trong thời gian từ tuần 20 đến tuần 36 thai kỳ, tức hơn 100 ngày, mẹ bầu chỉ nằm im trên giường để tránh rủi ro không đáng có xảy ra với các con mình.
“Cô ấy đã ở trên giường từ lúc nhập viện. Cô ăn uống ở đó, thậm chí chưa từng ngồi dậy chứ đừng nói di chuyển. Cô ấy đã nằm như vậy suốt 100 ngày. Sự kiên trì của người mẹ này thật đáng khâm phục”, bác sĩ Thi nói.
Trong khoảng thời gian này, người chồng chăm sóc vợ rất chu đáo, không chỉ cơm bưng nước rót cho vợ mà còn giúp vợ xử lý tiểu và phân cho vợ tại giường. Hơn nữa, lúc đó con trai anh lại đang đối mặt với các biến chứng của sinh non nên anh còn phải chạy đi chạy lại giữa hai bên, quả thật rất vất vả.
Được biết, vào ngày 7/8 vừa qua, ông bố của cặp song sinh đặc biệt này cũng được chính quyền quận Kim Môn bầu chọn là “Người bố tốt”, trong số 14 ông bố được bình chọn trong toàn quận. Tuy được khen ngợi nhưng anh nói rằng vợ anh xứng đáng được nhận giải thưởng này hơn.
Những nguy cơ khi mang song thai Theo các chuyên gia, khi mang song thai, sản phụ dễ bị sảy thai nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Ngoài ra, tỷ lệ thai bất thường, dị tật cũng cao hơn so với đơn thai. Dưới đây là một số nguy cơ khi mang song thai: – Nghén nặng hơn: Một số thai phụ còn bị nôn quá nhiều khiến mẹ mất đến 5% khối lượng cơ thể và phải nhập viện. – Mắc các vấn đề về tiêu hóa như táo bón. – Sinh non: Tỷ lệ sản phụ mang song thai sinh non là rất cao, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng sản phụ và thai nhi nếu không được cấp cứu kịp thời. – Tăng huyết áp thai kỳ: Các ca song thai có tình trạng tăng huyết áp thai kỳ cao gấp 3-4 lần so với đơn thai. – Tiền sản giật: Nguy cơ tiền sản giật ở mẹ mang đa thai cao gấp đôi so với thông thường và có thể gây ra sản giật (hay còn gọi là nhiễm độc máu) nếu không được điều trị kịp thời. Triệu chứng tiền sản giật gồm sưng nề, đau đầu và tăng cân. – Tiểu đường thai kỳ: Số sản phụ mang song thai bị tiểu đường thai kỳ cao gấp đôi so với đơn thai. – Hội chứng biến mất thai đôi: Một trong hai bào thai có thể bị sẩy hoặc biến mất, chỉ có bào thai sống sót còn tồn tại. – Song thai phát triển không cân xứng: Giữa 2 thai thường có 1 thai phát triển chậm hơn trong tử cung, dẫn đến trẻ sinh ra bị nhẹ cân, có nguy cơ bị vàng da cao hơn so với mang thai bình thường. – Hội chứng truyền máu song thai: Có thể xảy ra trong các ca song thai cùng nhau thai, nếu không được điều trị thì hội chứng này có thể gây suy tim ở sơ sinh hoặc dẫn đến tử vong. |
Xem thêm chủ đề Tin tức mẹ bầu
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét