Ngày nay, mức sống ngày càng nâng cao nên việc bảo vệ sức khỏe là một trong các vấn đề luôn được ưu tiên hàng đầu. Việc khám tổng quát kết hợp với các xét nghiệm y khoa giúp phát hiện bệnh tình sớm hơn để ra được cách chữa trị hiệu quả nhất.
Với đà phát triển như vũ bão của công nghệ, việc đưa những máy móc tiên tiến và ứng dụng của chúng vào lĩnh vực y học giúp quá trình chẩn đoán, chăm sóc sức khỏe được hiệu quả hơn. Bạn có biết những xét nghiệm y khoa phổ biến nhất hiện nay là gì và vai trò của chúng? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm về những thông tin liên quan nhé!
Xét nghiệm y khoa là gì? Tác dụng của xét nghiệm y khoa?
Xét nghiệm y khoa là quá trình sử dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại để phân tích máu, nước tiểu, dịch… nhằm đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất và sớm nhất về tình trạng sức khỏe của một cá nhân cụ thể. Bác sĩ có thể sử dụng một trong các xét nghiệm này như một phần của quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhằm kiểm tra các bệnh và rối loạn nhất định hoặc để theo dõi sức khỏe của bạn.
Công dụng của phương pháp xét nghiệm y khoa:
- Sàng lọc
- Chẩn đoán rối loạn
- Đánh giá mức độ nghiêm trọng của rối loạn để lập kế hoạch điều trị
- Theo dõi phản ứng với điều trị
Tổng hợp những xét nghiệm y khoa phổ biến nhất
Hiện nay có rất nhiều loại xét nghiệm y khoa khác nhau. Tùy thuộc vào nhu cầu của người bệnh và chỉ định của bác sĩ mà người bệnh có thể cần thực hiện một vài phương pháp xét nghiệm y khoa trong 6 hình thức xét nghiệm y khoa phổ biến nhất:
1. Phân tích các chất dịch thể
Những bài xét nghiệm thông thường nhất trong hình thức xét nghiệm này là:
- Máu
- Nước tiểu
- Chất lỏng bao quanh tủy sống và não (dịch não tủy)
- Chất lỏng trong khớp (chất lỏng hoạt dịch)
Những bài xét nghiệm ít gặp hơn là mồ hôi, nước bọt và chất lỏng từ đường tiêu hóa (dịch vị). Đôi khi xét nghiệm chất lỏng được thực hiện khi cần chẩn đoán rối loạn. Chẳng hạn như khi chất lỏng tích tụ trong ổ bụng sẽ gây ra cổ chướng hoặc dịch màng phổi, gây tràn dịch màng phổi.
2. Xét nghiệm hình ảnh: Xét nghiệm y khoa thường gặp
Hình thức xét nghiệm này cung cấp hình ảnh phía bên trong của cơ thể. Siêu âm và chụp X-quang thông thường là hai phương pháp xét nghiệm hình ảnh phổ biến nhất. Ngoài ra còn có các phương pháp khác tùy thuộc vào nhu cầu của người bệnh và chỉ định của bác sĩ như: quét đồng vị phóng xạ (hạt nhân), chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) và chụp mạch.
3. Xét nghiệm nội soi
Nội soi là hình thức sử dụng ống nội soi để quan sát trực tiếp bên trong các cơ quan hoặc không gian trong cơ thể (các khoang). Tùy vào mục đích mà sử dụng mà bác sĩ sử dụng ống nội soi cứng hay mềm. Tại đầu ống nội soi thường sẽ được trang bị đèn chiếu và camera để bác sĩ hay kỹ thuật viên có thể theo dõi hình ảnh trên màn hình. Các công cụ thường được đưa qua một kênh trong ống nội soi. Một loại công cụ được sử dụng để cắt và loại bỏ các mẫu mô. Phương pháp nội soi thường được tiến hành qua một lỗ mở nằm trên cơ thể, chẳng hạn như:
- Mũi: Để kiểm tra khoang mũi, hộp thoại (nội soi thanh quản) hoặc phổi (nội soi phế quản)
- Miệng: Để kiểm tra thực quản (nội soi thực quản), dạ dày (nội soi dạ dày) và ruột non (nội soi đường tiêu hóa trên)
- Hậu môn: Để kiểm tra ruột già, trực tràng và hậu môn (nội soi ruột già)
- Niệu đạo: Để kiểm tra bàng quang (soi bàng quang)
- Âm đạo: Để kiểm tra tử cung (nội soi tử cung)
Tuy nhiên cũng có khi để có thể nội soi, bác sĩ phải tự tạo ra một lỗ hở trên cơ thể người bệnh. Một vết cắt (rạch) nhỏ được thực hiện trên da, các lớp mô bên dưới da để ống nội soi có thể được đưa vào cơ thể. Những vết rạch như vậy thường được sử dụng để nội soi những bộ phận sau:
- Khớp (nội soi khớp)
- Khoang bụng (nội soi ổ bụng)
- Vùng ngực giữa phổi (nội soi trung thất)
- Phổi và màng phổi (nội soi lồng ngực)
4. Đo lường các chức năng của cơ thể
Hình thức xét nghiệm này dùng để đo lường chức năng của cơ thể bằng cách ghi lại và phân tích hoạt động của các cơ quan khác nhau. Một số bài xét nghiệm thông thường trong hình thức đo lường các chức năng của cơ thể:
- Điện tâm đồ (ECG) dùng để đo hoạt động điện của tim
- Điện não đồ (EEG) dùng để đo hoạt động điện của não
- Các bài kiểm tra chức năng phổi được dùng để kiểm tra khả năng giữ không khí, di chuyển không khí ra vào và cũng như là trao đổi oxy và carbon dioxide của phổi.
5. Xét nghiệm sinh thiết: Xét nghiệm y khoa chuyên sâu
Hình thức xét nghiệm sinh thiết được thực hiện bằng cách lấy các mẫu mô để kiểm tra và thường được quan sát bằng kính hiển vi. Việc kiểm tra này nhằm tìm kiếm các tế bào bất thường cung cấp bằng chứng về chứng viêm hoặc các rối loạn, chẳng hạn như bệnh ung thư. Các mô được kiểm tra sinh thiết thường được lấy từ các bộ phận như: da, vú, phổi, gan, thận và xương.
6. Xét nghiệm di truyền
Hình thức xét nghiệm di truyền thường phân tích các tế bào từ da, máu hoặc tủy xương. Tế bào được kiểm tra để xem xét các bất thường của nhiễm sắc thể, gen (bao gồm cả ADN) hoặc cả hai. Xét nghiệm di truyền có thể được thực hiện trên tất cả các đối tượng với mục đích khác nhau:
- Thai nhi: Phát hiện các rối loạn di truyền (nếu có)
- Trẻ em và thanh niên: Chẩn đoán các rối loạn có nguy cơ mắc phải hay đang mắc phải
- Người lớn: Để xác nhận và khẳng định nguy cơ con cháu sẽ phát triển các rối loạn nhất định như thế nào.
Những điều cần lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm
Đối với những xét nghiệm khác nhau, bác sĩ sẽ đưa ra những yêu cầu khác nhau. Bạn hãy thực hiện đúng theo yêu cầu của bác sĩ để giúp cho buổi xét nghiệm diễn ra suôn sẻ nhé! Ngoài ra, Hello Bacsi cũng đưa ra một số điều cần lưu ý trước khi tiến hành xét nghiệm y khoa. Những lưu ý này chỉ mang tính chất tham khảo, không dùng để thay thế chỉ định của bác sĩ.
- Đối với các xét nghiệm cholesterol và glucose, bạn phải nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi lấy máu, trừ trường hợp bác sĩ chỉ định khác. Việc nhịn ăn này thường được hiểu như chỉ được uống nước lọc trong suốt 8 tiếng. Sau khi lấy máu, bạn có thể ăn uống bình thường.
- Đối với xét nghiệm máu, bạn cần phải uống nhiều nước để giúp giữ cho huyết áp không bị giảm. Nguyên nhân hàng đầu gây ngất xỉu và chóng mặt khi xét nghiệm máu là do tụt huyết áp. Tránh sử dụng cà phê hoặc đồ uống có chứa caffeine khác trước khi tiến hành xét nghiệm vì chúng có tác dụng lợi tiểu.
- Trừ khi bác sĩ bắt buộc phải nhịn ăn để làm xét nghiệm, hãy ăn sáng để giúp giữ lượng đường trong máu của bạn. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn sau khi lấy máu và ngăn ngừa tình trạng choáng váng, chóng mặt. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng mình có thể bị buồn nôn trong khi lấy máu, đừng ăn ngay trước buổi xét nghiệm y khoa.
- Nếu bạn dùng thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như heparin hoặc Coumadin (warfarin), hãy nói với bác sĩ về những loại thuốc này trước khi lấy máu. Sau khi lấy máu, bác sĩ sẽ quan sát kỹ vị trí lấy máu để xác định máu đã ngừng chảy trước khi bạn rời khỏi phòng lấy mẫu.
- Thư giãn: Nếu bạn lo lắng về những gì sẽ xảy ra, hãy yêu cầu người lấy máu của bạn giải thích mọi thứ mà họ đang làm hoặc nghĩ về điều gì đó giúp tinh thần bạn phấn chấn, lạc quan hơn. Bạn có thể nghĩ về kỳ nghỉ, một bộ phim hoặc bạn sẽ làm gì sau khi xét nghiệm máu.
- Ăn nhẹ sau khi lấy máu. Hãy mang theo một ít đồ ăn vặt trong túi nếu bạn không trở về nhà hoặc cần đi làm sau khi lấy máu. Bữa ăn nhẹ này giúp bạn hồi phục lại sức khỏe và tinh thần của mình.
- Băng gạc có thể được gỡ bỏ sau một giờ. Bạn có thể kiểm tra xem vết thương đã ngưng chảy máu chưa bằng cách nới lỏng băng. Nếu sau đó khu vực này vẫn tiếp tục chảy máu, hãy ấn nhẹ cho đến khi máu ngừng chảy và dán miếng băng lại. Khu vực lấy máu bị bầm tím là điều bình thường. Hãy bình tĩnh, lấy đá và chườm lên vị trí đó rồi đợi vài ngày để vết thương tự khỏi.
Bài viết trên giới thiệu đến bạn những xét nghiệm y khoa phổ biến nhất, thường gặp nhất ngày nay. Kèm theo đó là những lưu ý dành cho bạn đọc tham khảo. Mong bạn tìm được những thông tin bổ ích trong bài nhé!
Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Hello Bác sĩ
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét