Người bệnh viêm phế quản kiêng ăn gì và nên ăn gì?

Người bệnh viêm phế quản kiêng ăn gì và nên ăn gì?



Viêm phế quản kiêng ăn gì và nên ăn gì là những câu hỏi được nhiều người bệnh quan tâm. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, những thay đổi trong chế độ ăn uống cũng giúp bệnh giảm nhẹ, hạn chế tiến triển nặng hơn.


Viêm phế quản là tình trạng các ống phế quản (đường dẫn khí vào phổi) bị viêm và sưng lên. Khi đó, bạn sẽ có những triệu chứng như ho nhiều, tăng tiết đờm, dịch nhầy và những biểu hiện giống như cảm lạnh như đau nhức cơ thể, ớn lạnh.


Bệnh có thể ở dạng cấp tính hoặc mạn tính. Đối với viêm phế quản cấp, bệnh thường tự khỏi sau một vài tuần nhưng viêm phế quản mạn tính sẽ kéo dài, tái phát nhiều đợt và dường như không hết hoàn toàn. Tùy theo nguyên nhân mà cách điều trị sẽ có khác biệt. Bên cạnh đó, người bị viêm phế quản cũng nên nghỉ ngơi và thay đổi chế độ ăn uống để giúp thuyên giảm các triệu chứng và tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch.



Người bị viêm phế quản kiêng ăn gì?


Bởi vì viêm phế quản liên quan đến phản ứng viêm trong cơ thể nên người bệnh cần tránh những thực phẩm gây viêm như thịt đỏ. Chế độ ăn phương Tây được cho là có liên quan đến các triệu chứng bệnh đường hô hấp và làm chúng trầm trọng hơn. Trong đó, các thực phẩm người bị viêm phế quản nên kiêng ăn là:


Nước ngọt và các món tráng miệng nhiều đường


Người bệnh viêm phế quản kiêng ăn gì và nên ăn gì?



Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy mối tương quan giữa việc uống ngọt có hàm lượng đường fructose (siro bắp) cao với tỷ lệ bị viêm phế quản mạn tính ở người trưởng thành tại Mỹ. Do đó, bạn hãy tập thói quen đọc nhãn thành phần có trong các thức uống và cả thức ăn (bao gồm bánh mì, bánh ngọt, bơ mứt…) để tránh các sản phẩm có hàm lượng siro chứa fructose cao.


Tương tự, các món tráng miệng không chỉ có hàm lượng đường fructose cao mà còn có nhiều carbohydrate đã qua chế biến nhưng lại ít dưỡng chất để tăng cường sức khỏe. Nếu bạn muốn dùng những món tráng miệng giúp xoa dịu bệnh viêm phế quản, tốt nhất hãy chọn trái cây. Những loại quả mọng, trái cây họ cam quýt hay táo đều là những lựa chọn tốt vì chúng chứa nhiều chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thu đường trong cơ thể, đồng thời chứa nhiều hợp chất kháng viêm.


Một số loại thịt nên kiêng khi bị viêm phế quản


Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn là câu trả lời cho “người bệnh viêm phế quản kiêng ăn gì?”. Một nghiên cứu trên Tạp chí Journal of the American College of Nutrition (Tạp chí của Đại học Dinh Dưỡng Hoa Kỳ) năm 2017 đã phát hiện mối tương quan thận giữa việc ăn các loại thịt đỏ và thịt chế biến sẵn với các dấu hiệu viêm ở cả nam lẫn nữ giới.


Bạn hãy thay thế thịt đỏ bằng các nguồn cung cấp protein/ đạm có thể chống viêm trong khi bị viêm phế quản. Hãy thay đổi sang các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá thu và cá ngừ. Lượng cá tiêu thụ trong chế độ ăn tăng lên cho thấy có liên quan đến giảm bớt nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), kể cả viêm phế quản mạn tính.


Thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng


Người bệnh viêm phế quản kiêng ăn gì và nên ăn gì?



Nếu bạn bị viêm phế quản, nhất là viêm mạn tính, hãy tránh ăn quá no hay ăn nhiều những nhóm thực phẩm dễ gây đầy hơi, chướng bụng. Tình trạng đầy bụng có thể khiến cho bạn cảm thấy khó thở hơn.


Một số thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng mà người bị viêm phế quản nên kiêng hoặc hạn chế tiêu thụ gồm:


  • Thức uống có gas

  • Các món chiên xào nhiều dầu mỡ hoặc gia vị

  • Sản phẩm từ sữa nhiều chất béo, phô mai

  • Một số trái cây không nên ăn quá nhiều như táo, bơ, dưa lưới

  • Hạn chế ăn quá nhiều đậu, bông cải xanh, bắp cải, bắp (ngô), đậu lăng, súp lơ trắng…

Trong đó, sữa và các sản phẩm từ sữa còn được cho là kích thích sản xuất chất nhầy, khiến đờm trở nên đặc hơn và gây ra kích ứng cho người bệnh.


Cà phê, rượu bia hay thức uống có cồn


Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể, tránh để mất nước là lời khuyên đầu tiên của bác sĩ dành cho người bệnh viêm phế quản. Lý do là vì người bệnh dễ bị thiếu nước do các triệu chứng như sốt, thở nhanh, chảy nước mũi, nôn mửa và tiêu chảy. Thế nhưng, một số thức uống lại khiến cơ thể dễ mất nước hơn nên người bị viêm phế quản cần tránh dùng.


Cà phê, rượu, bia hay đồ uống có cồn là những thức uống có tính lợi tiểu và gây ra tình trạng mất nước cho các tế bào. Điều đó khiến cho dịch nhầy ở phổi trở nên đặc hơn, khó để khạc nhổ ra ngoài. Trong khi người bệnh cần làm thông thoáng đường thở thông qua các cơ chế ho, hắt hơi.


Người bị viêm phế quản nên ăn gì?


Người bệnh viêm phế quản kiêng ăn gì và nên ăn gì?



Đầu tiên, người bệnh cần chú ý luôn bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể, không chỉ khi bị viêm phế quản mà bất kể trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp dưới nào khác. Nếu để mất nước xảy ra, bạn có thể cảm thấy chóng mặt, mất phương hướng, đau đầu và cảm thấy khó chịu ở miệng, cổ họng. Uống đủ lượng nước cần thiết sẽ giúp người bệnh:


  • Tránh tình trạng mất nước

  • Giảm độ đặc của đờm, dịch nhầy

  • Làm loãng chất nhầy ở đường mũi

  • Giữ ẩm cho cổ họng, giảm bớt khó chịu

Bên cạnh nước lọc, bạn cũng có thể bổ sung nước bằng các loại nước ép trái cây, trà hay ăn những món ăn lỏng, nhiều nước như canh, súp. Nhiều người cũng thắc mắc bị viêm phế quản có nên uống nước cam hay không thì câu trả lời là có thể. Nước cam chứa rất nhiều thành phần chống oxy hóa, kháng viêm và bổ sung nước rất tốt cho người bệnh.


Một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh sẽ giúp người bị viêm phế quản giảm nhẹ hoặc kiểm soát tốt các triệu chứng, chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải. Nhìn chung, chế độ ăn lành mạnh thường bao gồm các yếu tố sau:


  • Ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt

  • Bổ sung protein từ các loại cá, thịt gia cầm, các loại đậu

  • Dùng sữa không béo hoặc ít béo, hay sữa thực vật

  • Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm có chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa

  • Giảm hàm lượng cholesterol, muối và đường phụ gia

  • Hạn chế tiêu thụ các loại thịt đỏ

Như vậy, bạn chắc hẳn đã biết được người bị viêm phế quản cần kiêng ăn gì và nên ăn gì để giảm nhẹ các triệu chứng và hạn chế bệnh tiến triển nặng (nếu bị mạn tính). Thay đổi chế độ ăn uống sẽ giúp cho hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn để đủ sức “chiến đấu” với bệnh.


Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.



Nguồn: Hello Bác sĩ




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét