Ổi là thức quả vô cùng gần gũi và rất dễ tìm mua. Ngoài phần thịt quả giòn, ngọt bổ dưỡng thì ít ai biết rằng lá ổi đem lại nhiều giá trị sức khỏe tuyệt vời chẳng kém, một trong số đấy chính là hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường type 2.
Từ xa xưa, ông bà ta đã biết sử dụng lá ổi để giải quyết nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau như cầm tiêu chảy, hỗ trợ tiêu hóa, chữa hôi miệng, trị mụn… Ngày nay, y học hiện đại đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra chiết xuất từ lá ổi có tác dụng làm giảm lượng đường huyết, ổn định mức cholesterol máu mà không để lại tác dụng phụ.
Bài viết sau đây, Hello Bacsi mời bạn tìm hiểu những vấn đề xoay quanh chuyện lá ổi chữa tiểu đường, cũng như việc có nên áp dụng trong thực tiễn hay không.
Lá ổi chữa tiểu đường như thế nào? Thông tin từ những nghiên cứu liên quan
Cây ổi mặc dù rất dỗi quen thuộc với người dân Việt, nhưng không phải ai cũng rõ hết các đặc tính dược lý của lá ổi, nhất là trong việc hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường. Thực tế, lá ổi đã được ứng dụng từ rất lâu trong cổ học Ayurveda Ấn Độ hay các bài thuốc cổ phương Trung Hoa nhằm hạ sốt, giảm viêm và điều trị các bệnh về tiêu hóa.
Lá ổi chữa tiểu đường, cụ thể làm giảm lượng đường huyết sau ăn là thông tin đã được đăng tải trên chuyên san Nutrition and Metabolism. Theo giới chuyên gia, lợi ích này dựa trên chiết xuất trong lá ổi có khả năng ức chế hoạt động của alpha-glucosidase, một enzyme đảm nhiệm vai trò phân giải tinh bột cùng các loại carbohydrate thành đường đơn (glucose). Nghiên cứu cũng có so sánh với voglibose, thuốc dùng trong điều trị bệnh tiểu đường thuộc nhóm ức chế men alpha-glucosidase. Nhưng kết quả lại cho thấy chiết xuất từ lá ổi mang lại hiệu quả kém hơn là dùng thuốc.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học cũng nhận thấy chiết xuất từ lá ổi cũng giúp cải thiện các triệu chứng khác của bệnh tiểu đường như: kháng insulin và tăng lipd huyết. Lợi ích giảm cholesterol được cho là rất có ích cho người bệnh tiểu đường có kèm tăng mỡ máu. Chẳng những giảm hấp thụ chất béo có hại mà việc sử dụng lá ổi chữa tiểu đường còn giúp ổn định huyết áp, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Liệu có nên sử dụng lá ổi chữa tiểu đường hay không?
Nước sắc lá ổi gần như lành tính và không gây bất kỳ phản ứng phụ nào. Ngay cả nghiên cứu đượcc đề cập ỏ trên cũng cho biết những đối tượng tham gia không bị ngộ độc hay tương tác với các loại thuốc điều trị đang sử dụng. Nhưng tốt hơn hết bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi dùng.
Nếu được bác sĩ đồng ý, bạn có thể tự làm nước sắc lá ổi chữa tiểu đường tại nhà bằng cách:
- Rửa sạch lá ổi để loại bỏ hết bụi bẩn trên mặt lá
- Cho toàn bộ lá vào nồi nước đang sôi
- Đun nóng chừng vài phút rồi tắt bếp
- Lọc lấy phần nước, để nguội rồi sử dụng ngay.
Liều lượng và cách sử dụng cụ thể ở từng người bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể. Điều quan trọng nhất là bạn vẫn phải tuân thủ chế độ ăn uống điều độ và kiểm tra đường huyết thường xuyên. Một lưu ý nho nhỏ là nước lá ổi không nên dùng cho bệnh nhân bị táo bón vì sẽ khiến tình trạng này thêm nặng hơn.
Lá ổi còn có tác dụng gì khác không?
Lá ổi ngoài hỗ trợ chữa tiểu đường thì còn có tác dụng gì? Trả lời bạn đó là:
- Cải thiện hệ tiêu hóa: Lá ổi có khả năng kháng khuẩn nên sẽ ngăn sự phát triển của hại khuẩn đường ruột là nguyên nhân gây tiêu chảy và viêm dạ dày ruột
- Thúc đẩy việc giảm cân: Để “chung sống” hòa bình với tiểu đường thì người bệnh phải duy trì cân nặng ổn định. Thật may là lá ổi không những giàu dinh dưỡng mà còn ngăn chuyển hóa carbohydarte phức tạp thành đường đơn là nguyên nhân khiến bạn tăng cân khó kiểm soát
- Phòng ngừa ung thư: Lá ổi chứa lycopene – một chất chống oxy hóa có khả năng phòng ngừa các loại ung thư, chẳng hạn: ung thư vú và tuyến tiền liệt
- Tốt cho da: Với tính kháng khuẩn cộng thêm hàm lượng vitamin C dồi dào, lá ổi có thể giúp hạn chế tình trạng mụn trứng cá và ngăn các dấu hiệu lão hóa sớm. Bạn có thể sử dụng lá ổi bằng cách giã nát lá rồi đắp lên vùng da bị ảnh hưởng.
Vừa rồi là những chia sẻ về chủ đề lá ổi chữa tiểu đường. Hy vọng bạn đã có cho mình những thông tin bổ ích trong việc điều trị và ngăn ngừa những biến chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2.
Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Hello Bác sĩ
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét