Như hầu hết các dạng thoái hóa khớp khác, thoái hóa khớp háng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng trên khớp, xương và sụn [1]. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể dẫn đến tàn phế nếu không được điều trị kịp thời [2].
Khớp háng là khớp chịu trọng lượng lớn nhất trong cơ thể chỉ sau khớp gối và rất dễ bị ảnh hưởng bởi bệnh thoái hóa khớp [3]. Thoái hóa khớp háng có xu hướng tăng dần theo độ tuổi, thường gặp nhất ở người lớn tuổi [4]. Mặc dù sụn khớp là bộ phận chủ yếu bị tác động nhưng bệnh thoái hóa khớp háng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khớp. Tác động của thoái hóa khớp trên các khớp lớn của chi dưới, bao gồm cả hông, sẽ gây giảm khả năng vận động và suy yếu thể chất rõ rệt. Tình trạng này ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động hằng ngày của người bệnh và có khả năng dẫn đến khuyết tật hoặc tàn phế [3].
Trong bài viết này, mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu về những biến chứng của thoái hóa khớp háng và nguy cơ dẫn đến tàn phế do tình trạng này.
Các biến chứng của thoái hóa khớp háng
Vôi hóa sụn khớp
Bệnh thoái hóa khớp háng có thể dẫn đến tình trạng lắng đọng tinh thể canxi ở khớp, hay còn gọi là vôi hóa sụn khớp. Hai loại tinh thể canxi là calcium pyrophosphate dihydrate và calcium phosphate thường được tìm thấy trong sụn khớp, mô đĩa sụn và hoạt dịch của bệnh nhân bị thoái hóa khớp [5]. Sự lắng đọng nhiều loại tinh thể canxi khác nhau có thể gây ra những đợt viêm cấp đột ngột ở trong và xung quanh khớp. Đồng thời, phần da phía trên khớp sẽ bị viêm,
đỏ và bạn có thể cảm thấy mệt hoặc bị sốt [6]. Không những vậy, quá trình này ngược lại càng làm tăng tốc độ thoái hóa khớp [7].
Nứt hoặc gãy xương
Khi bị bệnh thoái hóa khớp, xương sẽ lộ ra ngoài nhiều hơn do mất sụn. Vì vậy, áp lực lặp đi lặp lại hoặc chấn thương có thể làm xương bị nứt [8]. Một nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng có nguy cơ gãy xương cao hơn người bình thường [9]. Gãy xương ở hông sẽ khiến bạn phải phụ thuộc đáng kể vào người chăm sóc và đôi khi rút ngắn tuổi thọ của bạn. Nếu phải nằm bất động trong thời gian dài do gãy xương, bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi, mất thêm khối lượng cơ hoặc nặng hơn nữa là tử vong [10].
Viêm bao hoạt dịch
Ở người bị bệnh thoái hóa khớp, các phân tử bị thoái hóa từ sụn trong có thể được giải phóng vào hoạt dịch. Lúc này, tế bào nguyên bào sợi trong hoạt dịch sẽ phản ứng lại với các phân tử này bằng cách tạo ra nhiều chất trung gian gây viêm. Viêm bao hoạt dịch làm tăng khả năng đáp ứng của tế bào thần kinh cảm thụ ngoại vi, từ đó gây tăng độ nhạy cảm với các cơn đau. Vì vậy, bệnh nhân thoái hóa khớp háng có thể cảm thấy đau nhiều hơn bình thường [11].
Thoái hóa khớp háng có thể gây gout cấp
Nhiều nghiên cứu đã nhận ra mối quan hệ chặt chẽ giữa thoái hóa khớp và vị trí khớp xuất hiện những cơn gout cấp [12]. Theo đó, các tinh thể monosodium urat (một dạng muối của axit uric) có khuynh hướng hình thành ở những khớp bị thoái hóa [12]. Sự tích tụ của các tinh thể urat là nguyên nhân chính gây ra gout. Ngoài ra, tinh thể urat sau khi hình thành sẽ kích hoạt các đại thực bào khu trú và làm chúng giải phóng cytokine gây viêm. Các chất này, cùng với bổ thể được kích hoạt trực tiếp trên bề mặt tinh thể urat, sẽ tạo ra những đợt gout cấp [13].
Mất chức năng và tàn phế
Cuối cùng, ngoài các biến chứng nghiêm trọng trên khớp và khu vực xung quanh, thoái hóa khớp, mà cụ thể hơn là thoái hóa khớp háng, còn có thể gây mất chức năng của khớp và dẫn đến tàn phế. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, khả năng vận động của những người bị bệnh thoái hóa khớp sẽ hạn chế hơn 4,5 – 6 lần so với người bình thường [14].
Đến năm 2017, trên thế giới đã có hơn 303,1 triệu người bị thoái hóa khớp háng và thoái hóa khớp gối. Trong đó, cứ 100.000 người lại có 118,8 người bị tàn tật nhiều năm liền [15]. Thoái hóa khớp háng có thể gây hạn chế một số chức năng và hoạt động của người bệnh như đứng, đi bộ, lái xe, leo cầu thang, làm vườn hoặc làm việc nhà [16, 17].
Không chỉ khớp háng, thoái hóa các khớp khác trên cơ thể cũng có thể gây hạn chế chức năng. Người bị thoái hóa khớp gối thường khó đi bộ, mang vác đồ đạc, leo cầu thang hoặc làm việc nhà. Còn với thoái hóa khớp bàn tay, bạn sẽ gặp hạn chế khi thực hiện một số hoạt động như viết hoặc cầm nắm [14].
Làm gì để “kìm chân” bệnh thoái hóa khớp háng?
Bệnh thoái hóa khớp không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện một số phương pháp để làm chậm tiến triển của bệnh, giảm đau, duy trì hoặc cải thiện chức năng của các khớp [18].
Sử dụng thuốc giảm đau cho thoái hóa khớp háng?
Việc dùng thuốc sẽ giúp làm dịu các triệu chứng của thoái hóa khớp háng, chủ yếu là cảm giác đau [19]. Một số thuốc có thể được sử dụng, bao gồm:
Paracetamol: Paracetamol được dùng để giảm các cơn đau từ nhẹ đến vừa [19].
Thuốc giảm đau kháng viêm không steroids (NSAIDs): Khác với các thuốc giảm đau đơn thuần, thuốc nhóm NSAIDs giúp ngăn ngừa tình trạng viêm và tổn thương khớp. Chúng là lựa chọn điều trị hàng đầu dành cho những bệnh nhân bị thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa khớp háng nói riêng [20].
Tuy nhiên, NSAIDs có thể gây ra một số tác dụng phụ, đặc biệt là trên đường tiêu hóa [19]. Các tác dụng này thường nghiêm trọng hơn và đôi khi gây tử vong ở nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ như bệnh nhân lớn tuổi (trên 65 tuổi), bệnh nhân có các tình trạng bệnh lý như đái tháo đường, tim mạch, suy gan, suy thận, bệnh nhân có tiền sử bị loét hoặc chảy máu dạ dày…[21, 22]. Vì vậy, nếu bạn thuộc nhóm đối tượng trên hoặc cần sử dụng NSAIDs để điều trị thoái hóa khớp háng trong thời gian dài, hãy thông báo ngay cho bác sĩ để được sử dụng thuốc phù hợp.Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc nhóm NSAIDs chọn lọc COX-2 cho bạn. NSAIDs chọn lọc COX-2, đặc biệt là thuốc nhóm coxib, đã được chứng minh là “thân thiện” hơn với đường tiêu hóa và giúp giảm khoảng 60% các biến chứng nghiêm trọng như thủng hoặc chảy máu đường tiêu hóa ở những bệnh nhân sử dụng lâu ngày [23, 24].
Tuy nhiên, một số NSAIDs chọn lọc COX-2 có thể làm tăng huyết áp thường xuyên và nghiêm trọng. Vì vậy, các thuốc này bị chống chỉ định cho những bệnh nhân có huyết áp trên 140/90 mm Hg hoặc không ổn định [25]. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào. Khi buộc phải sử dụng NSAIDs cho bệnh nhân có nguy cơ hay bệnh lý cao huyết áp, bác sĩ có thể lựa chọn các loại NSAIDs ít gây rủi ro trên huyết áp và sử dụng với liều thấp nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể [26].
Thuốc tiêm trực tiếp vào khớp: Một số các loại thuốc như corticosteroid hoặc axit hyaluronic có thể được tiêm trực tiếp vào khớp háng để giúp làm chậm tiến triển và làm dịu một số triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp [27].
Vật lý trị liệu tăng cường cơ bắp quanh khớp
Chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn một số bài tập để giúp tăng cường các cơ bắp xung quanh khớp, tăng tính linh hoạt, cải thiện khả năng vận động và giúp bạn giảm đau hiệu quả [19, 27].
Phẫu thuật khi thoái hóa khớp ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống
Chất lượng cuộc sống của một số bệnh nhân thoái hóa khớp háng bị ảnh hưởng đáng kể do đau hoặc cứng khớp nghiêm trọng. Lúc này, họ có thể phải thực hiện các phương pháp phẫu thuật như tái tạo bề mặt hoặc thay toàn bộ khớp háng để điều trị tình trạng này [27].
Bên cạnh các phương pháp y khoa, lối sống cũng đóng vai trò quyết định trong việc kiểm soát bệnh thoái hóa khớp háng. Vì vậy, bạn cần điều chỉnh lối sống để đạt được kết quả điều trị tốt nhất. Việc tập thể dục kết hợp với giảm cân có thể giúp ích cho bạn [19, 27].
Như bạn đã thấy, thoái hóa khớp háng gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và đôi khi có thể dẫn đến tàn phế nếu không được điều trị kịp thời [1, 2]. Vì vậy, bạn không nên chủ quan trước tình trạng này. Hãy tuân thủ phác đồ điều trị và điều chỉnh lối sống một cách hợp lý để giúp kiểm soát tốt tình trạng thoái hóa khớp háng của chính mình, bạn nhé!
PP-CEL-VNM-0390
Pfizer đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.
HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. Pfizer không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.
Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Hello Bác sĩ
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét