Mắt bị khô do dị ứng không chỉ liên quan đến dị nguyên (chất gây dị ứng) mà còn có thể do tác dụng phụ của thuốc điều trị. Dù tình trạng này tương đối khó chịu nhưng bạn vẫn có thể kiểm soát tốt nếu biết cách.
Có nhiều dạng dị ứng tác động đến mắt và gây khô, trong đó phổ biến nhất là:
- Viêm kết – giác mạc atopy
- Viêm kết – giác mạc dị ứng theo mùa hoặc quanh năm
- Viêm kết – giác mạc mùa xuân
- Viêm kết mạc dị ứng tiếp xúc
- Viêm kết mạc có nhú khổng lồ
Mỗi trường hợp sẽ có dấu hiệu nhận biết cũng như phương pháp điều trị riêng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn tất tần tật thông tin hữu ích xoay quanh vấn đề bị khô mắt liên quan đến dị ứng.
Khô mắt do dị ứng thường đi kèm với những triệu chứng nào?
Khác với chứng khô mắt thông thường, hầu hết trường hợp mắt bị khô liên quan đến dị ứng sẽ xuất hiện chung với một số triệu chứng khó chịu khác. Tùy theo tình trạng dị ứng gây khô mắt mà người bệnh sẽ có những biểu hiện như:
Mắt bị khô do viêm kết – giác mạc dị ứng theo mùa hoặc quanh năm
- Hốc mắt bỏng rát
- Ngứa và đỏ mắt
- Chảy nước mắt
Viêm kết – giác mạc mùa xuân hoặc atopy cũng gây khô mắt
So với tình trạng mắt bị khô do viêm kết – giác mạc dị ứng quanh năm hoặc theo mùa, tình trạng này có thể kéo theo nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn, ví dụ như:
- Mắt bị cộm khó chịu
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Ngứa mắt dữ dội
- Có nhiều dịch nhầy quanh mắt
Theo Đại học Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Hoa Kỳ (ACAAI), tình trạng này chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới, đặc biệt là những người lớn tuổi hoặc có tiền sử bị chàm, hen suyễn.
Viêm kết mạc dị ứng tiếp xúc
Mắt bị khô do viêm kết mạc dị ứng tiếp xúc thường xảy ra khi người bệnh đeo kính áp tròng. Lúc này, bạn có thể có những biểu hiện:
- Ngứa hoặc thậm chí là đau mắt
- Cảm thấy bị cộm, khó chịu trong mắt
- Mắt đỏ và tiết dịch nhầy liên tục
Khô mắt do viêm kết mạc có nhú khổng lồ
Đây là dạng nghiêm trọng hơn của tình trạng viêm kết mạc dị ứng tiếp xúc. Bên cạnh những triệu chứng trên, bạn còn bắt gặp một số dấu hiệu gồm:
- Cảm giác có vật thể lạ dính vào mắt
- Mờ mắt
- Sưng dưới mắt (bọng mắt)
Bị khô mắt do dị ứng: vì đâu nên nỗi?
Những nguyên nhân gây khô mắt liên quan đến dị ứng có thể kể đến như:
- Thời tiết hanh khô, có gió lớn
- Môi trường sống hoặc làm việc nhiều khói
- Người bệnh có bệnh nền về tuyến giáp hoặc viêm khớp dạng thấp
- Thời gian đeo kính áp tròng quá lâu
- Nhìn vào màn hình máy tính trong thời gian dài
- Tác dụng phụ từ thuốc chống dị ứng hoặc phẫu thuật
Ngoài ra, tiếp xúc với một số dị nguyên dưới đây cũng sẽ góp phần gây kích ứng và khô mắt, bao gồm:
- Lông thú cưng
- Phấn hoa
- Khí thải từ các phương tiện giao thông
- Mạt bụi
- Khói thuốc lá
- Nấm mốc
- Nước hoa
Làm sao để điều trị và kiểm soát tốt tình trạng mắt bị khô do dị ứng?
Bác sĩ sẽ tìm kiếm nguyên nhân gây khô mắt và dựa theo đó để xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả cho từng người bệnh. Thông thường, mắt bị khô do dị ứng có thể dễ dàng kiểm soát và điều trị theo hai hướng:
Hạn chế nguy cơ tiếp xúc với dị nguyên trong môi trường
- Dùng kính đeo mắt thông thường thay cho kính áp tròng
- Rửa tay với xà phòng và nước sạch sau khi tiếp xúc với thú cưng
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa để tránh phát triển nấm mốc
- Hạn chế ra đường vào thời điểm nhiều phấn hoa. Nếu bắt buộc ra ngoài, bạn nên chuẩn bị tốt đồ bảo hộ (kính râm, quần áo dài tay, thuốc chống dị ứng…)
Sử dụng thuốc điều trị
Bên cạnh việc hạn chế tiếp xúc với dị nguyên, người bệnh cũng cần đến sự giúp đỡ từ thuốc để loại bỏ chứng khô mắt khó chịu. Tùy theo cơ địa cũng như vấn đề bạn gặp phải mà bác sĩ sẽ kê toa đơn thuốc phù hợp. Một số loại thuốc thường được bác sĩ khuyến nghị có thể kể đến như:
- Thuốc nhỏ mắt chống sung huyết
- Nước mắt nhân tạo
- Thuốc kháng histamine dạng uống (cần lưu ý thuốc này có thể khiến triệu chứng khô mắt trở nên tệ hơn trong một số trường hợp)
- Thuốc nhỏ mắt kê toa
Ngoài ra, thường xuyên massage mắt để kích thích tuyến lệ hoặc chườm ấm lên mắt cũng là một cách thuyên giảm tình trạng khó chịu này.
Nhìn chung, các dị nguyên như phấn hoa, lông thú cưng hay thậm chí là thuốc chống dị ứng đều có thể dẫn đến chứng khô mắt do dị ứng. Tuy nhiên, bạn không cần phải lo lắng quá vì tình trạng này có thể dễ dàng kiểm soát và điều trị chỉ với một số thủ thuật đơn giản, hữu hiệu. Nếu triệu chứng không có xu hướng thuyên giảm sau khi bạn đã áp dụng các biện pháp can thiệp trên, hãy mau chóng tìm gặp bác sĩ để được tư vấn và thăm khám.
Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Hello Bác sĩ
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét