Ở độ tuổi đi học, sự phát triển của trẻ nhỏ sẽ diễn ra rất nhanh. Tuy nhiên, mỗi trẻ sẽ có một tốc độ phát triển riêng, do đó, bạn đừng vội lo lắng hay so sánh bé với “con nhà người ta” nhé.
Trẻ trong độ tuổi từ 5 – 12 tuổi sẽ có rất nhiều sự phát triển về thể chất lẫn nhận thức. Bé sẽ phát triển như thế nào? Làm thế nào để con phát triển tối ưu? Để có lời giải đáp cho những thắc mắc trên, bạn hãy dành vài phút xem qua những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi.
Sự phát triển thể chất ở trẻ đi học
- Mỗi năm, trẻ trong độ tuổi đi học sẽ tăng từ 4 đến 7kg. Tốc độ tăng chiều cao của mỗi bé sẽ khác nhau và chiều cao của các bé có thể chênh lệch từ 7 đến 15cm.
- Ở độ tuổi đi học, trẻ cũng sẽ trải qua các giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt và các giai đoạn tăng trưởng chậm. Ở giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt, các bộ phận trên cơ thể có thể phát triển không cân đối, dẫn đến tình trạng trẻ khá là vụng về. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ biến mất sau khi kết thúc giai đoạn dậy thì.
- Khả năng vận động, kiểm soát, phối hợp và thăng bằng của trẻ được cải thiện.
- Khối lượng cơ bắp cũng bắt đầu thay đổi trong độ tuổi đi học, điều này khiến trẻ trở nên mạnh mẽ hơn.
Các cột mốc phát triển quan trọng của trẻ ở tuổi đi học:
♦ 5 tuổi:
- Đứng bằng 1 chân lâu hơn 10 giây
- Sử dụng phối hợp muỗng, nĩa và dao
- Tự đi toilet
♦ 6 – 8 tuổi:
- Các kỹ năng vận động thô, kỹ năng thăng bằng và sức bền tiếp tục phát triển
- Bắt đầu suy nghĩ về hình ảnh cơ thể
♦ 9 – 12 tuổi:
- Nhận thức rõ hơn về hình ảnh cơ thể
- Phát triển các đặc điểm giới tính thứ cấp như ngực, lông, tóc…
Sự phát triển trí não
Não bộ của trẻ sẽ phát triển nhanh trong những năm đầu đời, đặc biệt là từ sơ sinh cho đến 5 tuổi. Ở độ tuổi đi học, não vẫn tiếp tục phát triển, trẻ sẽ bắt đầu học cách làm những điều mới và suy nghĩ khác biệt.
Trong giai đoạn này, trẻ có thể hiểu được một số logic cụ thể, đặc biệt là các vấn đề trong cuộc sống của chính mình. Trẻ vẫn còn gặp khó khăn trong việc nắm bắt các khái niệm giả định hoặc trừu tượng, đặc biệt là những khái niệm sẽ xảy ra trong tương lai lâu dài. Trẻ ở độ tuổi đi học sẽ bắt đầu suy nghĩ và hiểu mọi thứ từ các quan điểm khác nhau. Ngoài ra, các chức năng khác của não cũng sẽ bắt đầu được cải thiện như:
- Khả năng tập trung: Trẻ trong độ tuổi đi học có thể tập trung thực hiện một nhiệm vụ cụ thể nào đó. Ngoài ra, trẻ cũng bắt đầu học cách loại bỏ bớt các phiền nhiễu khi tập trung.
- Khả năng ghi nhớ: Khả năng ghi nhớ dài hạn và ngắn hạn sẽ bắt đầu được cải thiện ở trẻ trong độ tuổi đi học. Trẻ có thể nhớ lại những điều quan trọng diễn ra từ vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm trước.
- Thời gian chú ý: Trẻ đi học có thể tập trung là một việc nào đó trong thời gian dài hơn. Bé có tập trung đọc các quyển sách dài, quan tâm đến các chủ đề ở trường và có thể tham gia vào các dự án dài hạn.
Lời khuyên dành cho mẹ có con trong độ tuổi đi học
Việc lo lắng về sự phát triển của con trong độ tuổi đi học là điều rất thường thấy, đặc biệt là nếu bạn nhận thấy trẻ có vẻ phát triển chậm hơn các bạn cùng tuổi. Tuy nhiên, bạn cần nhớ mỗi trẻ sẽ phát triển theo tốc độ của riêng mình, do đó, bạn cũng đừng quá lo. Nếu nghi ngờ trẻ mắc các vấn đề liên quan đến việc chậm phát triển, bạn hãy đưa trẻ đi khám. Dưới đây là một số lưu ý dành cho bạn:
- Mỗi trẻ sẽ phát triển theo tốc độ của riêng mình. Do đó, đừng bao giờ so sánh con với “con nhà hàng xóm”. Điều này có thể gây hại cho sự phát triển của trẻ bởi bé có thể cảm thấy mình “không thông minh, không tuyệt vời” như các bạn đồng trang lứa.
- Nếu nghi ngờ trẻ có thể không phát triển bình thường, hãy quan sát và ghi lại những hành vi của trẻ làm cho bạn lo lắng.
- Chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ, tập luyện của trẻ để giúp con phát triển thể chất và trí não tốt nhất trong độ tuổi đi học.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ đi học
Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ đi học như:
- Môi trường: Sống và học tập trong một môi trường tích cực, nơi trẻ được đánh giá cao, được yêu thương và được thử thách sẽ thúc đẩy sự phát triển thể chất và sự tự tin của trẻ.
- Dinh dưỡng: Trẻ không nhận đủ dinh dưỡng có thể có nguy cơ chậm phát triển hoặc còi cọc. Trong khi trẻ dư thừa các chất hoặc ăn nhiều các món ăn vặt, không tốt cho sức khỏe có thể có nguy cơ bị béo phì. Cả hai vấn đề này đều có thể dẫn đến bệnh tật và các rối loạn.
- Di truyền: Các vấn đề về thể chất như chiều cao, cân nặng, vóc dáng có thể là kết quả của di truyền. Di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian dậy thì và các mốc phát triển của trẻ.
Bước vào tuổi dậy thì: Điều gì sẽ xảy ra?
Bước vào tuổi dậy thì, cơ thể trẻ sẽ trải qua rất nhiều thay đổi do sự thay đổi nội tiết tố. Thậm chí, những thay đổi chỉ diễn ra trong 1 đêm nhưng cũng có thể kéo dài trong vài năm. Trung bình, tuổi dậy thì bắt đầu vào độ tuổi 12, tuy nhiên, trẻ bắt đầu có những dấu hiệu thay đổi ở độ tuổi nhỏ hơn. Điều quan trọng là bạn phải nhận thức được những thay đổi mà trẻ trong độ tuổi đi học có thể trải qua để nuôi dạy trẻ tốt nhất:
♦ Dấu hiệu dậy thì ở bé trai:
- Sự phát triển nội tiết tố testosterone tạo ra những thay đổi về thể chất đối với cơ quan sinh sản: tăng kích thước của bìu và tinh hoàn, tiếp theo là độ dài dương vật và sự to lên của túi tinh và tuyến tiền liệt.
- Xuất hiện lông ở nách, vùng mu, ngực và mặt
- Vai phát triển rộng hơn
- Giọng nói bắt đầu thay đổi.
♦ Dấu hiệu dậy thì ở bé gái:
- Xuất hiện kinh nguyệt
- Bắt đầu mọc lông ở vùng dưới cánh tay và mu.
- Hông rộng hơn và ngực phát triển.
Ngoài ra, những thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể còn khiến cho các bé trai lẫn bé gái gặp phải tình trạng da bị nhờn, mụn trứng cá tuổi dậy thì, mùi cơ thể và tâm trạng thay đổi thất thường.
Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Hello Bác sĩ
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét