Anh phải quên cô gái ấy

Anh chưa biết khi nào mới khỏe trở lại. Khái niệm xuất viện xa vời đến nỗi anh chỉ mong tạm ổn định qua ngày. Bước sang tuổi 50, bỗng dưng đủ thứ bệnh tật liên tiếp ập vào người, chưa dứt bệnh này lại phát sinh bệnh khác, toàn những loại dai dẳng khó chữa.


Huệ mang đến ly đậu xanh nước cốt dừa còn ấm. Cô biết anh thích chè, nhưng bác sĩ dặn không được ăn nhiều đường, do đó Huệ tự nấu để có được độ ngọt vừa phải. Ly đậu nóng khiến nước bọt anh tứa ra, bởi lâu lắm rồi không được ăn. Hôm qua anh tình cờ nhắc, hôm nay có ngay.


Anh phải quên cô gái ấy


Huệ chăm sóc anh từ những ngày đầu chuyển viện đến đây, đã gần hai tháng. Đối với người phải nằm suốt trên giường bệnh, đó là khoảng thời gian dài lê thê. Anh được điều trị nội trú ở nhiều nơi, không ít lần căng thẳng vì thái độ hằn học của y tá, hộ lý.


Anh cũng gặp nhiều nhân viên y tế cần mẫn, nhưng họ luôn giữ một khoảng cách nhất định với bệnh nhân. Ngoài trao đổi tình hình sức khỏe, anh hoàn toàn không có sự chia sẻ với họ. Huệ khác. Cô ân cần, chịu khó, biết cách làm cho những người xung quanh vui vẻ thoải mái.


Huệ không chỉ tốt với anh, cô quan tâm mọi người. Phòng có ba giường bệnh. Giường của anh sát cửa sổ, cạnh bên là cụ Tân đã ngoài 70. Một người phụ nữ tên Diệu trạc tuổi Huệ nằm phía cuối, sát vách.


Cụ Tân không chịu được gió quạt trần nên xin đổi chỗ với Diệu. Khi cụ làu bàu đòi chuyển vị trí, cô hộ lý bực mình lớn giọng, Huệ nhanh nhảu đỡ lời, vui vẻ đồng ý giúp, nói cụ yên tâm, chỉ là chuyện nhỏ.


Mọi người trong phòng đều không biết Huệ phải kiến nghị rồi báo cáo sửa đổi dữ liệu hồ sơ bệnh nhân khá lằng nhằng, cô còn bị khiển trách.


Thấy cô y tá hiền lành chăm chỉ và nhẫn nại, đôi lần vợ anh tế nhị biếu tiền quà, nhưng Huệ nhất định không lấy. Cô bảo đó là quy định của bệnh viện. Vợ anh nài nỉ: “Chỉ chị em mình biết, có gì phải lo. Chị vừa đi làm vừa cơm nước đưa rước con cái học hành, không thể ở bệnh viện suốt, nên muốn nhờ Huệ và cô hộ lý chăm sóc anh nhiều hơn”.


Huệ bảo đó là công việc và trách nhiệm, hứa sẽ lưu ý, nhưng nhất định không nhận tiền.


Bàn giao xong công việc sau ca trực, Huệ thường nán lại trò chuyện cùng mọi người, đặc biệt với Diệu. Đến ca Huệ trực là cả phòng mừng như có người nhà vào thăm.


Huệ kể, cô ở trọ chung phòng với vài người bạn, cô còn độc thân và đang phụ giúp cha mẹ nuôi hai đứa em ăn học. Diệu hỏi có người yêu chưa, Huệ trả lời kiểu đánh đố: “Theo bạn thì mình sẽ trả lời có hay chưa?”.


Anh nằm nghe lỏm câu chuyện, khẽ cười mỉm một mình. Chỉ cần nhìn thái độ, tính cách và giờ giấc của Huệ, anh đoán cô chưa có ai.


Để giết thời gian, anh thường nhắn tin tán gẫu cùng bạn bè. Ai cũng bận rộn, bông đùa qua lại vài câu là kết thúc sớm, khiến anh mất hứng. Chỉ Huệ luôn sẵn sàng lắng nghe anh.


Khi cô không ở bệnh viện, họ trao đổi với nhau rất nhiều, thường đến khuya lơ khuya lắc. Những dòng tin thăm hỏi xã giao nhanh chóng trôi đi, hai người trở nên thân thiết lúc nào không rõ.


Anh nhận ra mình trông đợi Huệ mỗi ngày, dù trên tin nhắn hay ở bệnh viện. Anh cảm nhận Huệ cũng bị lôi cuốn bởi anh. Lẽ nào đó là cảm giác bắt đầu của tình yêu? Anh sợ và mơ hồ thấy bản thân đầy tội lỗi.


Mấy năm nằm bệnh, toàn bộ việc ở cửa hàng giao lại cho nhân viên, buôn bán cầm chừng chứ không phát triển tốt như khi anh trực tiếp quản lý. Kinh tế gia đình và con cái một tay vợ đảm đương. Ngàn lần tạ ơn vợ còn chưa đủ, lẽ nào anh đã loáng thoáng tơ tưởng đến người phụ nữ khác.


Ban đầu anh thấy Huệ thân thiện, dễ thương nên chỉ muốn kết bạn cho vui, đâu ngờ tình cảm tiến triển nhanh đến mức khó kiểm soát.


Họ nhắn cho nhau liên tục, bất cứ khi nào Huệ có thể. Cô tỉ mỉ chăm lo cho anh đủ thứ, như một người thân. Anh cũng thường nhắc nhở Huệ đeo khẩu trang y tế cẩn thận và rửa tay với dung dịch sát khuẩn thường xuyên khi tiếp xúc nhiều người để phòng tránh COVID-19. Anh lặp đi lặp lại mỗi ngày, đến nỗi cụ Tân bật cười: “Người ta là y tá đó. Chú tưởng mình làm bác sĩ hả?”.


Có tật giật mình, câu nói vu vơ của cụ khiến anh và Huệ ngượng ngùng. Dù cả hai cố giấu nhưng không thể tránh khỏi cặp mắt Diệu. Lựa lúc phòng chỉ còn hai người, Diệu khuyên anh đừng làm khổ Huệ. Ngoài ba mươi nhưng cô ấy chưa từng yêu ai.


Thấy anh co người rụt đầu đau khổ, Diệu không đành lòng, phải mở thêm một con đường: “Nhưng nếu đã quyết nắm lấy thì chờ giải quyết xong mọi thứ mới đến với nhau. Vợ chồng là duyên nợ, đôi khi cuộc sống gia đình êm đềm vậy, nhưng hết duyên hết nợ lúc nào không hay. Em trải qua rồi, em hiểu”.


Anh suy ngẫm mỗi đêm, những gì Diệu nói không hoàn toàn sai, cũng không hẳn đúng. Anh chưa bao giờ hết thương vợ hay nghĩ sẽ chia tay mẹ của các con. Chỉ là tình cảm vợ chồng cứ như dòng nước lững lờ trôi qua tháng năm, bình lặng như một thói quen.


Còn lần này, tim anh rung lên khi nghe tiếng bước chân cô ấy, anh chờ đợi, nôn nóng, bồi hồi, rạo rực, đôi khi hờn dỗi như trẻ con. Anh thấy bản thân mạnh mẽ, nhiều động lực để khỏe mạnh trở lại.


Huệ chủ động ngỏ lời với anh. Cô không hề muốn vợ con anh đau khổ. Anh cũng không thể giấu được tình cảm dành cho cô y tá trẻ. Họ vẫn nhắn tin cho nhau tần suất dày đặc, đến nỗi bác sĩ vài lần nhắc nhở anh gắng nghỉ ngơi và cầm điện thoại ít thôi.


Anh phải quên cô gái ấy


Huệ không chỉ tốt với anh, cô quan tâm mọi người. Ảnh minh họa


Làm ra vẻ thản nhiên trong bận rộn, Huệ nhanh chóng xong việc đầu ngày ở phòng bệnh của anh trước khi đi một vòng các phòng khác phát và tiêm thuốc. Anh thấy Huệ tiều tụy hơn, đôi mắt thâm như mất ngủ.


Đêm qua, anh nhắn giữa hai người chỉ là tình bạn, anh không thể làm khổ vợ nhiều hơn, cũng không thể khiến Huệ lận đận. Huệ không trả lời. Sáng sớm, cô mới hồi đáp: “Đừng suy nghĩ gì cả, hãy để em chăm sóc anh, em tự nguyện mà”.


Anh quyết định xin đổi y tá. Bác sĩ ngạc nhiên, bảo Huệ là một trong những y tá tốt nhất ở đây. Nếu không có lý do chính đáng, anh không thể làm ảnh hưởng công việc của Huệ như vậy. Loanh quanh một lúc, cuối cùng anh đành nói thật mọi chuyện.


Những ngày đầu xa Huệ, anh không sử dụng điện thoại, nằm vùi, chẳng ăn uống nổi. Hai bệnh nhân cùng phòng lần lượt xuất viện, vài giờ sau đã có người mới thế chỗ. Cũng tốt, anh nghĩ, cô ấy không có cớ quay lại đây và sẽ phải quên thôi.


Vợ tưởng anh trở bệnh nặng, xin nghỉ hai ngày, vào bệnh viện túc trực chăm sóc. Đôi khi anh thấy dáng vợ nhòe vì nước mắt cứ rưng rưng, dù đã cố kìm nén.


Buổi trưa nắng nóng, chị giúp anh lau mát cơ thể. Anh xúc động, nắm nhẹ bàn tay mềm yếu gầy trơ xương của người bạn đời. Biết bao giờ mới trả hết ân tình của vợ? Vậy mà, anh suýt quay lưng! Chỉ cần anh chiều theo cảm xúc thêm một bước nữa là mọi thứ tan nát…



Theo Việt Quỳnh (phunuonline.com.vn)


Nguồn: Người Lao động




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét