Hiện nay, các hình thức phẫu thuật trở nên ngày càng quen thuộc hơn đối với mọi người. Các loại hình phẫu thuật đã giúp ngành y học Việt Nam rất nhiều trong việc chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạ tìm hiểu những phẫu thuật thường gặp nhất hiện nay!
I. Những lợi ích mà các loại hình phẫu thuật mang lại
Một số lợi ích của phẫu thuật:
- Khám phá thêm tình trạng bệnh cho mục đích chẩn đoán
- Làm xét nghiệm khối u đáng ngờ
- Loại bỏ vật cản hoặc sửa chữa các mô, cơ quan bị bệnh
- Định vị lại cấu trúc về vị trí bình thường của chúng
- Chuyển hướng mạch máu (phẫu thuật bắc cầu)
- Cấy ghép mô hoặc toàn bộ cơ quan và các thiết bị cơ học hoặc điện tử
- Cải thiện ngoại hình (phẫu thuật thẩm mỹ)
II. Các loại hình phẫu thuật phổ biến nhất hiện nay
Khác với một thập kỷ trước, các thủ thuật phẫu thuật đã dần trở nên phổ biến hơn với mọi người. Hello Bacsi đã tổng hợp được 8 loại hình phẫu thuật phổ biến nhất hiện nay:
1. Cắt amidan
Cắt amidan là một thủ thuật phẫu thuật để loại bỏ amidan viêm, nhiễm trùng. Quá trình phẫu thuật amidan thường mất khoảng nửa giờ. Có một số cách khác nhau để loại bỏ amidan:
- Bác sĩ phẫu thuật có thể cắt bỏ amidan của bạn bằng dao mổ.
- Ngoài ra, còn một phương pháp phổ biến khác để loại bỏ amidan là đốt các mô thông qua một quá trình được gọi là đốt bỏ.
- Phương pháp dao siêu âm cũng được áp dụng trong một số thủ thuật cắt amidan.
Đối với bất kỳ phương pháp cắt bỏ amidan nào, bạn cũng sẽ được gây mê toàn thân nên không cảm thấy đau khi phẫu thuật. Sau khi cắt amidan, bạn sẽ được đưa về phòng hồi sức. Nhân viên y tế sẽ theo dõi huyết áp và nhịp tim của bạn khi bạn thức dậy. Hầu hết mọi người có thể về nhà ngay trong ngày sau khi cắt amidan thành công.
Ngoài tác dụng loại bỏ đi vùng viêm amidan, việc cắt bỏ amidan còn có thể điều trị các vấn đề y tế khác, như:
- Các vấn đề về hô hấp liên quan đến sưng amidan
- Ngáy thường xuyên và lớn
- Ngừng thở khi ngủ
- Chảy máu amidan
- Ung thư amidan
2. Phẫu thuật mổ ruột thừa
Phẫu thuật cắt ruột thừa thường được thực hiện để loại bỏ ruột thừa khi bộ phận này bị nhiễm trùng gây viêm và sưng tấy. Ngoài ra, thủ thuật cắt ruột thừa còn có thể được áp dụng cho những đối tượng không có khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế trong thời gian dài vì tính chất công việc – còn được gọi là cắt ruột thừa dự phòng.
Có hai phương pháp cắt ruột thừa: mổ hở và mổ nội soi. Phương pháp phẫu thuật mà bác sĩ lựa chọn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm ruột thừa và tiền sử bệnh của bệnh nhân.
♦ Mổ hở
Trong quá trình phẫu thuật cắt ruột thừa, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường ở phía dưới bên phải bụng. Ruột thừa của bạn đã được cắt bỏ và vết thương được khâu lại bằng chỉ y khoa. Quy trình này cho phép bác sĩ làm sạch khoang bụng nếu ruột thừa của bạn bị vỡ.
Bác sĩ sẽ chọn phương pháp mổ hở nếu ruột thừa đã bị vỡ, nhiễm trùng và lan sang các cơ quan khác. Đây cũng là lựa chọn ưu tiên cho những người đã từng phẫu thuật vùng bụng trước đây.
♦ Mổ nội soi
Bác sĩ sẽ rạch 2 hay 3 vết nhỏ gần rốn và trên vùng xương mu hơi chếch về phía xương hông của người bệnh. Sau đó dùng một ống nhỏ, hẹp được gọi là ống thông đưa vào khoang bụng qua vị trí vết rạch này. Ống thông sẽ làm phồng bụng của bạn bằng khí carbon dioxide giúp bác sĩ phẫu thuật nhìn thấy ruột thừa của bệnh nhân rõ ràng hơn.
Khi bụng đã căng phồng, dụng cụ nội soi sẽ được đưa vào qua vết mổ. Mổ nội soi được thực hiện bằng một ống dài, mỏng với ánh sáng cường độ cao và có gắn một camera độ phân giải cao ở phía trước. Máy ảnh sẽ hiển thị hình ảnh trên màn hình, cho phép bác sĩ tìm ruột thừa và kẹp nó lại, bóc tách ra khỏi ruột già. Sau đó, đoạn ruột này sẽ được cắt bỏ và đem ra ngoài thông qua một trong các vết mổ đã được tạo ra ban đầu. Cuối cùng, các vết mổ được đóng lại bằng thiết bị dập ghim hoặc khâu lại bằng chỉ tự tiêu.
Phẫu thuật nội soi thường là lựa chọn tốt nhất cho người lớn tuổi và những người thừa cân. Nó có ít rủi ro hơn phương pháp mổ hở và thường có thời gian hồi phục ngắn hơn.
3. Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ
Trĩ là hiện tượng các tĩnh mạch sưng lên nằm xung quanh hậu môn hoặc ở phần dưới trực tràng. Trĩ nội xuất phát ở phía trên cơ thắt hậu môn. Trĩ ngoại phát triển ở phía dưới cơ thắt hậu môn. Khoảng 50% người lớn gặp phải các triệu chứng của bệnh trĩ ở độ tuổi 50.
Một số phương pháp phẫu thuật trĩ phổ biến nhất:
♦ Phương pháp phẫu thuật cổ điển: Phẫu thuật Milligan Morgan (1937), phẫu thuật Ferguson (1959), phẫu thuật Whitehead (1882)… được phát triển từ rất lâu đời về trước nên những phương pháp phẫu thuật này còn rất nhiều nhược điểm.
- Đặc điểm chung của những phương pháp này là cắt trực tiếp vào búi trĩ nên sẽ để lại vết thương tại vùng hậu môn.
- Những nhược điểm chính:
- Rất đau sau khi phẫu thuật, vết mổ lâu liền sẹo, để lại sẹo tại vùng hậu môn và có nguy cơ gây hẹp hậu môn sau mổ.
- Việc cắt hết các búi trĩ có thể dẫn tới hậu môn đóng không kín, gây chảy dịch sau mổ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của bệnh nhân.
♦ Phương pháp phẫu thuật Longo (1993): Phương pháp này được thực hiện bằng cách cắt bỏ vòng niêm mạc trĩ trên đường lược và khâu nối tự động bằng máy PPH. Mục đích chính nhằm cắt bỏ nguồn mạch máu đến các búi trĩ đồng thời kéo niêm mạc trực tràng bị sa lên phía trên.
♦ Phương pháp khâu triệt mạch trĩ: Phương pháp được đề xuất năm 1995 dựa trên nguyên lý xác định động mạch trĩ bằng siêu âm Doppler để thắt ở trên đường lược . Phương pháp này không phải cắt trực tiếp các búi trĩ nên ít đau, ít để lại biến chứng và bệnh nhân có thể ra viện trong ngày. Phương pháp này được chỉ định tốt cho trĩ, sa niêm mạc trực tràng độ 2, độ 3 và áp dụng cho trĩ, sa niêm mạc trực tràng độ 4. Phương pháp này đang được áp dụng phổ biến rộng rãi tại châu Âu để thay thế phương pháp Longo.
4. Mổ thủy tinh thể/mổ cườm
Đục thủy tinh thể (còn gọi là cườm khô, cườm đá) là hiện tượng mờ đục thủy tinh thể trong mắt, gây ra những rối loạn thị giác. Mổ thủy tinh thể nhằm khôi phục lại ánh sáng của “cửa sổ tâm hồn”. Thủy tinh thể bị đục thường xảy ra ở người cao tuổi nhưng hiện nay có 2 phương pháp phổ biến để phẫu thuật giúp ngăn chặn nguy cơ gây mù lòa này:
- Phương pháp nhũ tương hóa thủy tinh thể (Phương pháp Phaco): Tạo một đường rạch nhỏ ở một bên giác mạc và đưa một thiết bị nhỏ vào mắt. Thiết bị này phát ra sóng siêu âm làm thủy tinh thể mềm, phân thành những mảnh nhỏ và có thể hút ra. Phương pháp này hiện nay rất phổ biến vì ít gây đau đớn, bệnh nhân phục hồi nhanh sau phẫu thuật.
- Phương pháp lấy thủy tinh thể ngoài bao: Tạo một đường rạch dài hơn ở một phía giác mạc rồi lấy phần nhân cứng thủy tinh thể ra. Cuối cùng là hút phần còn sót lại.
5. Sinh mổ
Sinh mổ là phương pháp sinh em bé bằng phẫu thuật. Quy trình một ca sinh mổ được diễn ra như sau:
♦ Giai đoạn trước mổ: Trước khi phẫu thuật, đường ruột (đường tiêu hóa) sẽ được làm sạch và dịch truyền sẽ được đưa vào cơ thể qua tĩnh mạch trên cánh tay. Bạn cũng sẽ được đặt một ống thông tiểu để giữ cho bàng quang trống trong quá trình phẫu thuật.
Có ba loại gây mê được áp dụng trong phẫu thuật sinh mổ:
- Gây tê tủy sống: Thuốc gây mê được tiêm trực tiếp vào túi bao quanh tủy sống, làm tê phần dưới của cơ thể.
- Gây tê ngoài màng cứng: Một phương pháp gây tê thông thường cho cả ca sinh mổ và sinh qua ngả âm đạo, được tiêm vào lưng dưới bên ngoài túi của tủy sống.
- Gây mê toàn thân: Phương pháp gây mê giúp đưa bạn vào giấc ngủ không đau và thường được dành cho các tình huống khẩn cấp.
♦ Giai đoạn mổ bắt con: Sau khi rạch bụng và lộ tử cung, bác sĩ sẽ tiến hành rạch tử cung. Em bé được lấy ra khỏi tử cung sau khi rạch thành tử cung. Khi em bé được lấy ra, bác sĩ sẽ làm sạch mũi và miệng của chúng, đồng thời kẹp và cắt dây rốn, kiểm tra xem bé có thở bình thường hay không. Sau đó, bé đưa cho mẹ để con được da chạm da.
♦ Giai đoạn sau mổ bắt con: Nếu bạn chắc chắn không muốn có thêm con và đã ký vào bản cam kết xin triệt sản, bác sĩ có thể thắt ống dẫn trứng của bạn khi tiến hành sinh mổ. Bác sĩ sẽ khâu lại vết rạch tử cung bằng chỉ tự tiêu và khâu vết mổ bụng của bạn bằng chỉ khâu. Dự tính, bạn sẽ phải ở lại bệnh viện từ 3-4 ngày để hồi phục sau phẫu thuật.
6. Phẫu thuật cắt bao quy đầu
Bao quy đầu là phần da bao phủ đầu dương vật. Khi dương vật cương cứng, bao quy đầu tuột về phía sau để lộ ra quy đầu dương vật. Cắt bao quy đầu là hình thức phẫu thuật cắt bỏ bao quy đầu để tạo ra một phần da ngắn hơn. Hình thức phẫu thuật này được tiến hành như sau:
- Đầu tiên, bác sĩ sẽ gây mê để giúp bệnh nhân an thần. Bạn có thể lựa chọn gây mê toàn thân hoặc gây mê cục bộ.
- Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ đo lượng da thừa, dùng dao cắt và các dụng cụ y tế khác để loại bỏ lớp da thừa ở bao quy đầu rồi tiến hành cầm máu. Da quy đầu sẽ được khâu lại bằng chỉ khâu hoặc chỉ tự tiêu.
- Khi vết khâu đã liền và dương vật được quấn băng bảo vệ, bạn sẽ được đưa vào phòng hồi sức. Quá trình phẫu thuật kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ. Nếu không có biến chứng xảy ra, bạn có thể về ngay trong ngày.
Phẫu thuật loại bỏ bao quy đầu có rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân, chẳng hạn như:
- Giảm nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu
- Phòng chống nhiễm trùng và kích ứng
- Cải thiện vệ sinh
- Giảm nguy cơ ung thư
7. Các hình thức phẫu thuật triệt sản
a. Thắt ống dẫn tinh
Thắt ống dẫn tinh là một hình thức triệt sản dành cho nam giới nhằm ngăn không cho tinh trùng được giải phóng trong quá trình xuất tinh. Có 2 phương pháp chính để thắt ống dẫn tinh:
- Rạch hai đường để tiếp cận ống dẫn tinh ở hai bên bìu.
- Tạo một lỗ nhỏ để tiếp cận cả hai ống. Sau đó, tiến hành cắt rồi niêm phong các ống dẫn tinh và khâu lại.
Thắt ống dẫn tinh là một tiểu phẫu và các bác sĩ thường tiến hành thắt ống dẫn tinh sau khi gây tê tại chỗ. Sau thủ thuật, bạn sẽ cần tránh quan hệ tình dục và bất kỳ hoạt động gắng sức nào trong khoảng một tuần.
b. Thắt ống dẫn trứng
Triệt sản nữ là một hình thức ngăn chặn các ống dẫn trứng hoạt động để tránh thai vĩnh viễn.
Bác sĩ sẽ gây mê rồi bơm hơi vào bụng của bạn, rạch một đường nhỏ để tiếp cận các cơ quan sinh sản bằng phương pháp nội soi. Sau đó, họ sẽ thắt ống dẫn trứng bằng cách:
- Cắt và gấp ống
- Loại bỏ các phần của ống
- Chặn các ống bằng dây đeo hoặc kẹp
8. Thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn xảy ra ở vùng bụng gần vùng bẹn. Chúng phát triển khi các mô mỡ hoặc ruột lọt qua một điểm yếu ở thành bụng gần ống bẹn phải hoặc trái. Có 2 loại bệnh thoát vị bẹn: thoát vị bẹn gián tiếp và trực tiếp.
a. Trẻ em
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: Theo dõi cho đến 1 tuổi, nếu không tự khỏi thì cần được mổ, ngoại trừ khi có biến chứng.
- Trẻ trên 1 tuổi: Mổ thắt cao túi thoát vị (ống phúc tinh mạc), không cần tái tạo thành bụng.
b. Người trưởng thành
Hình thức phẫu thuật thoát vị bẹn cho người lớn được chia làm 3 dạng:
- Phẫu thuật chỉ cắt bỏ túi thoát vị (Herniotomy).
- Phẫu thuật cắt bỏ túi thoát vị kèm phục hồi thành bụng sau ống bẹn (Herniorrhaphy).
- Phẫu thuật cắt bỏ túi thoát vị kèm phục hồi thành bụng sau ống bẹn bằng tấm lưới nhân tạo (Hernioplasty).
III. Sau khi phẫu thuật, bạn cần làm gì?
Sau ca mổ, bạn hãy:
- Uống thuốc để kiểm soát cơn đau
- Làm theo hướng dẫn của bác sĩ để chăm sóc vết mổ
- Hạn chế đi lại, hoạt động
- Tìm các dấu hiệu của cục máu đông
- Tránh cho vết mổ tiếp xúc ánh nắng để vết sẹo phẫu thuật không bị thâm đen
- Hãy kiên nhẫn, đợi vết mổ lành hẳn
Bài viết này tổng hợp tất cả những phẫu thuật phổ biến nhất, cung cấp sơ lược về quy trình chung. Mong bạn tìm được những thông tin bổ ích trong bài viết này nhé!
Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Hello Bác sĩ
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét