Mua sắm thực phẩm ngày Tết là vấn đề khiến không ít chị em nội trợ phải đau đầu nhất. Để tránh tình trạng hàng quán đóng cửa, thiếu cái này cái kia mà không mua được nên các gia đình thường sắm nhiều trước Tết rồi bảo quản ăn dần.
Một trong những khoản tốn kém nhất cho những ngày Tết chính là thực phẩm, bánh kẹo. Để những ngày Tết trọn vẹn đúng là dịp quây quần bên gia đình, tránh tình trạng vì quên thứ này, thiếu thứ kia, các chị em năm nay đã sắm sửa từ sớm và không quên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Do vợ chồng ở riêng đã gần 5 năm nên chuyện sắm Tết không còn xa lạ gì với chị Kim Ngân (29 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tuy nhiên năm nay có con nhỏ lại tình hình diễn biến phức tạp, vợ chồng chị quyết định hạn chế đi lại, về quê nên cũng sắm sửa thực phẩm nhiều hơn so với mọi năm.
“Cuối tuần vừa rồi, tranh thủ lúc hai bố con sang nội chơi, em làm một lượt sắm sửa trước thực phẩm cho mấy ngày Tết. Năm nay dịch dã nên vợ chồng em cũng thống nhất hạn chế đi lại, đồ đoàn cũng sắm sửa vừa thôi. Được cái bây giờ dịch vụ các thứ sẵn, đồ ăn hay mâm ngũ quả cũng đặt được luôn nên em ưu tiên hàng đầu, thời gian còn nghỉ ngơi, làm việc khác. Xong phần thực phẩm coi như cũng hòm hòm việc sắm Tết rồi.
Tưởng mình đã sắm Tết sớm, hôm qua mấy chị em đồng nghiệp ngồi nói chuyện mới biết các chị còn sắm xong xuôi hết các thứ rồi. Ngồi nghe các chị kể chuyện đặt cái này cái kia rồi 10 triệu là xong cái Tết mà mình chỉ biết câm nín không dám nói gì.
Mình cũng không sắm sửa gì nhiều, gà 2 con đủ thắp hương, đồ ăn cũng vừa tầm, năm nay còn không mua rượu mà đã 17 triệu bay vèo. Tối qua về mình nhìn đi nhìn lại đồ đã sắm với đặt trước mà không biết bớt ở đâu cho được. Các chị em sắm Tết thế nào vậy? Chị em mình trao đổi kinh nghiệm đi”.
Ảnh minh họa.
Theo chia sẻ, vợ chồng chị Ngân có một bé trai năm nay gần 2 tuổi. Do cả nhà cùng có khẩu vị chuộng đồ Tây, đồ tươi sống nên trong thực đơn ngày Tết của nhà chị thường có các món như thịt muối, cá hồi. Chị Ngân cũng chia sẻ thực phẩm sắm Tết nhà mình được ghi khá cụ thể và rõ theo từng mục như sau:
“Thực phẩm Tết:
– Đồ thắp hương, thực phẩm ngày thường:
Gà (2 con: 1 Đông Tảo, 1 gà ta): 2 triệu;
Bắp bò, bánh chưng, giò, đồ khô: 2,4 triệu;
Mâm ngũ quả (đặt sẵn): 2 triệu;
– Đồ nhậu, mời khách:
Đùi lợn muối (2 đùi: ăn nửa đùi, biếu 1,5 đùi): 4,2 triệu;
Cá hồi: 1 triệu;
Bia, nước ngọt: 1 triệu;
Bánh kẹo, bò khô mời khách: 2 triệu;
– Đồ ăn cho con:
Sữa công thức, sữa chua, váng sữa: 1,2 triệu
Bánh kẹo, thạch, nước: 1 triệu
Mì, thức ăn nghiền: 0,6 triệu.
Tổng cộng: 17,4 triệu.”
Ngay sau khi đăng tải những dòng chia sẻ, tâm sự của bà mẹ trẻ này đã thu hút được nhiều sự quan tâm, đặc biệt từ các chị em tay hòm chìa khoá. Những ngày Tết đang cận kề, sắm Tết sao cho tươm tất đủ đầy mà không lãng phí luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm. Điều này được thể hiện rõ qua những bình luận sôi nổi bên dưới bài đăng.
“Trước đây nhà mình cũng sắm la liệt lắm, mấy ngày Tết thôi mà 2 cái tủ lạnh chật cứng nhiều khi không biết tìm đồ kiểu gì. Hai năm nay thì mình hạn chế sắm hơn, cũng mua 2 con gà để thắp hương như mẹ nó thôi. Mình thì nghĩ bao nhiêu tiền sắm gì là còn phụ thuộc vào điều kiện gia đình. Có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít, quan trọng là phù hợp. Làm sao có con số nào để phù hợp với tất cả mọi nhà được. Như nhà em gái mình, nó ăn Tết với bố mẹ chồng được ông bà sắm tươm tất đủ cả, mẹ mình còn đặt cái nọ cái kia cho mang sang, nhìn chung cả cái Tết chẳng tốn đồng nào nhưng đâu phải ai cũng thế được”.
“17 triệu là bằng cả 2 cái Tết nhà mình rồi đó. Năm nay ảnh hưởng dịch bệnh, nhà mình cả hai vợ chồng được có hơn chục triệu thưởng Tết nhưng khéo léo thì vẫn đủ cả biếu nội ngoại thôi mẹ nó ơi. Mình nghĩ nhà mẹ nó tốn hơn là vì ăn đồ đắt, đồ nhập khẩu đó!”.
“Công nhận, năm nay dịch bệnh ảnh hưởng thế mà mẹ nó vẫn dám sắm 17 triệu mới tiền thực phẩm thôi là mình thấy nể đấy. Năm nay nhà mình gói gọn tất cả trong 5 triệu, nói không với rượu bia, đồ ăn thức uống mua đủ đến mùng 2, mùng 3 thôi là được rồi, đỡ sợ hỏng lãng phí”.
Tuỳ vào điều kiện kinh tế, hoàn cảnh của mỗi gia đình mà sẽ có con số sắm Tết cũng như chi tiêu cho phù hợp, đây là điều mà mọi người đều ủng hộ, đồng tình. Tuy nhiên, bên cạnh những bình luận chia sẻ về cách sắm Tết nhà mình, nhiều chị em cũng góp ý, chỉ ra cho bà mẹ này những khoản chưa được hợp lý.
Ảnh minh họa.
“Mình thì không bàn đến số tiền 17 triệu kia vì cùng từng đấy thứ đồ, mua đồ nhập, đồ ngoại thì sẽ đội lên cao thôi. Nhưng mình thấy có khoản mẹ nó nên tính lại vì vừa lãng phí mà quan trọng là cũng không tốt cho con. Tiền sữa thì mình bỏ qua vì không biết em bé dùng sữa gì nhưng bánh kẹo rồi mì, đồ ăn sẵn mà hết cả 1,6 triệu. Bé 2 tuổi là có thể lấy dinh dưỡng từ thực phẩm, ăn uống như người lớn được rồi. Ngày thường bận bịu rồi lúc nhỡ nhàng không nói, Tết cả nhà được nghỉ, chịu khó chế biến đồ cho con một chút là đỡ được bao nhiêu tiền mà lại không lo chất bảo quản nọ kia nữa”.
“Bạn thứ 2 nhà em cũng 2 tuổi nhưng em vẫn chưa cho ăn bánh kẹo đâu. Em nghĩ khoản hợp lý nhất mình nên xem là chỗ bánh kẹo rồi thạch cho con kìa. Nhiều nhà Tết hay để con cái ăn uống linh tinh, bánh kẹo suốt ngày rồi ngủ nghỉ không theo lịch nào cả. Tốt nhất mình cứ duy trì sinh hoạt cho tụi nhỏ bình thường, 2 tuổi là ăn uống được cùng với bố mẹ rồi, không phải cầu gì đồ tây đồ tàu cho tốn kém”.
Mua sắm thực phẩm ngày Tết là vấn đề khiến không ít chị em nội trợ phải đau đầu nhất. Để tránh tình trạng hàng quán đóng cửa, thiếu cái này cái kia mà không mua được nên các gia đình thường sắm nhiều trước Tết rồi bảo quản ăn dần.
Tuy nhiên, ngày nay các siêu thị lớn cũng như chợ truyền thống mở rất sớm, có nơi mùng 2 đã mở nên chị em không nên tích trữ quá nhiều, tránh trường hợp để hỏng gây lãng phí. Với các thực phẩm tươi như thịt bò, thịt gà, rau… sau khi mua chị em nên tham khảo các cách bảo quản phù hợp với từng loại.
Về phần con cái, tốt nhất các gia đình vẫn nên duy trì nhịp sinh hoạt, ăn uống cho bé bình thường. Nhiều gia đình mắc sai lầm khi Tết cho con ăn kẹo bánh, uống nước ngọt thường xuyên dẫn đến việc bé bỏ bữa, không chịu ăn khi vào bữa chính. Các vitamin và dưỡng chất sẽ tốt nhất khi được bé hấp thụ từ nguồn thực phẩm tươi.
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét