"Trà xanh", "cẩu lương" là gì mà MXH cứ đi một bước lại gặp



Các em gái “trà xanh” sẽ luôn nhẹ nhàng mà ở bên mục tiêu, ngấm ngầm dẫn dắt câu chuyện theo hướng mà mình muốn và luôn luôn đạo diễn cho mình thành vai cô gái đáng thương.



Ngoại tình, người thứ 3 luôn là chủ đề thu hút được sự quan tâm đông đảo. Nếu như trước đây, để nói về người thứ 3 xen vào mối quan hệ tình cảm vốn chỉ dành cho 2 người, người ta chỉ có từ “bồ nhí” thì giờ đây, khi văn hóa giao thoa, ngôn từ của giới trẻ trên mạng xã hội ngày càng phong phú.


Không cần phải là “thánh hóng”, bạn cũng dễ dàng bắt gặp những từ như “trà xanh”, “cẩu lương”, “tiểu tam”, “Tuesday” hay “con giáp thứ 13” trên mạng xã hội. Ngay như đêm qua, khi mạng xã hội ngập tràn những tin đồn về chàng ca sĩ Sơn Tùng nghi lục đục với “bạn gái tin đồn 7 năm” Thiều Bảo Trâm, “trà xanh” có lẽ là từ được nhắc đến nhiều nhất.


Vậy “trà xanh” là gì? Những cô gái “trà xanh” có gì ghê gớm mà khiến nhiều người bức xúc, thậm chí khiến các cặp đôi tan vỡ?












“Trà xanh” là từ được dùng để chỉ những cô gái luôn tỏ vẻ bên ngoài dịu dàng, thanh mát như hình ảnh của lá trà xanh song bản chất bên trong thì lại không hề như vậy. Chiêu trò đặc trưng của những người này là luôn đóng vai người yếu đuối, tạo cảm giác đáng thương để các chàng trai muốn được che chở. Và đặc biệt, tầm ngắm của những cô nàng “trà xanh” này đa phần là những chàng trai đã có nơi có chốn.


Vậy “trà xanh” có phải “tiểu tam” hay hiểu nôm na là bồ nhí không? Có thể nói “trà xanh” chưa hẳn là “tiểu tam” nhưng xét về độ thâm hiểm, tinh tế thì chắc chắn là hơn phần. Các em gái “trà xanh” sẽ luôn nhẹ nhàng mà ở bên mục tiêu, ngấm ngầm dẫn dắt câu chuyện theo hướng mà mình muốn và luôn luôn đạo diễn cho mình thành vai cô gái đáng thương. Cáo già hiểm ác đội lốt cừu non, trách sao “trà xanh” lại khiến người ta ác cảm đến vậy.




Bên cạnh “trà xanh”, gần đây trên mạng xã hội, đặc biệt là với giới trẻ rất ưa chuộng dùng từ “cẩu lương” (hay “cơm chó”). Nào thì “trời đã lạnh rồi mà còn phải ăn cẩu lương nữa”, “đúng là ngược cẩu mà”… đi một bước lại gặp một từ mà ý nghĩa thì không phải ai cũng nắm được.


“Cẩu lương” (狗粮, phiên âm: /gǒu liáng/), có nghĩa là thức ăn chó, là từ ghép từ 2 từ:


狗 /gǒu/: cẩu (từ Hán Việt), nghĩa con chó trong từ thuần Việt.


粮 /liáng/: lương (từ Hán Việt), nghĩa là thức ăn trong từ thuần Việt.


“Cẩu lương” ở đây được sử dụng với hình ảnh ẩn dụ những chú chó nhìn chủ ăn một cách thèm thuồng mà không được, giống như người độc thân phát ghen tỵ trước cảnh các cặp đôi liên tục thể hiện tình cảm ngọt ngào.


“Cẩu lương” là một từ lóng của người Trung Quốc hay dùng để trêu đùa, ám chỉ những hành động thân mật của các cặp đôi yêu nhau thể hiện trước mặt người độc thân.



Cùng với “cẩu lương”, những từ ngữ khác có liên quan được giới trẻ hay sử dụng là “cẩu độc thân”, “phát cẩu lương”, “ngược cẩu” với ý nghĩa:


“Cẩu độc thân”: từ dùng để gọi trêu đùa những người còn độc thân.


“Phát cẩu lương”: Hành động tình cảm ngọt ngào của các cặp đôi trước mặt người độc thân.


“Ăn cẩu lương”: Người còn độc thân nhưng phải chứng kiến cảnh ngọt ngào của những đôi yêu nhau.


“Ngược cẩu”: Việc đôi lứa thể hiện tình cảm thân mật trước người độc thân bị coi là hành động “ngược đãi” với người độc thân.





Theo Bảo Anh. (thoidaiplus.giadinh.net.vn)

Nguồn: Eva




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét