GiadinhNet – “Bát vị thận khí hoàn” là một phương thuốc bổ thận tráng dương nổi tiếng trong Đông y. Tương truyền, bài thuốc nổi tiếng này là sáng chế của Thánh y thời nhà Hán (Trung Quốc) Trương Trọng Cảnh.
Hán Vũ Đế được cho là người đàn ông đầu tiên sử dụng Bát vị thận khí hoàn (Ảnh minh họa).
Nó cũng được cho là “bí kíp gối đầu giường” của Hán Vũ Đế – vị vua đầu tiên trong lịch sử phong kiến Trung Hoa xây dựng hậu cung không giới hạn số lượng phi tần.
Cuộc “cách tân” hậu cung
Về bài thuốc Bát vị thận khí hoàn, lương y Vũ Quốc Trung cho biết: “Đây là bài thuốc nổi tiếng trong Đông y trong việc điều trị các chứng bệnh tình dục ở nam giới. Bởi hầu hết các vị đều tác động tới thận, tăng cường chức năng thận nên giúp duy trì và phục hồi “bản lĩnh” cho quý ông. Bài thuốc này thường được bốc theo công thức: Can địa hoàng 32g, Sơn dược 16g, Sơn thù (sao rượu) 16g, Phục linh 12g, Trạch tả 12g, Đan bì 12g, Quế chi 8g, Phụ tử (chế) 8g. Tuy nhiên để sử dụng phù hợp với thể trạng, nam giới cần có sự thăm khám của thầy thuốc để có sự gia giảm phù hợp”.
Nhắc đến hoàng đế Trung Hoa, người ta thường nghĩ ngay tới hậu cung ngàn mỹ nữ với những đợt tuyển chọn phi tần không ngừng nghỉ. Tuy nhiên ít ai biết rằng ở thủa khai sơn lập nghiệp, các vị vua không hề có “đặc quyền” này. Họ bị giới hạn số lượng người “đầu ấp tay gối” bởi các quan niệm lễ giáo khắt khe. Chỉ đến đời vua thứ 7 nhà Hán – Hán Vũ Đế, lịch sử mới “sang trang”.
Hán Vũ Đế là hoàng đế thứ 7 của nhà Tây Hán. Trong suốt 54 năm trị vì đất nước (từ 140 TCN – 87 TCN), vị vua này nổi tiếng là minh quân sáng suốt với những đường lối cai trị hợp lòng dân. Ông cũng được biết đến là người đầu tiên thực hiện cuộc “cách tân” chốn hậu cung. Theo đó vào năm 101 TCN, sau khi cung Minh Quang được xây dựng xong, Hán Vũ Đế lập tức mở cuộc tuyển chọn mỹ nữ. Hai nghìn cô gái sắc nước hương trời đã được triệu vào cung. Họ đều là những bông hoa mới chớm nở, tuổi từ 15 – 20. Số lượng phi tần nhiều không đếm xuể cũng gây ra phiền toái cho hoàng cung. Sách “Bác vật chí” tiết lộ, Hán Vũ Đế vì muốn kiểm soát chuyện trinh tiết của mỹ nữ trong triều đã dùng thủ cung sa, tức chấm dấu tròn đỏ vào cổ tay các cô gái còn trong trắng. Những cung tần, mỹ nữ thời bấy giờ cũng vì thế mà không dám làm điều trái luật.
Theo sử sách truyền lại, Hán Vũ Đế quyết định “cách tân” chốn hậu cung là để thỏa mãn sự háo sắc của bản thân. Ngay từ thời niên thiếu, vị vua này đã “vướng” lưới tình của rất nhiều mỹ nữ và muốn sở hữu họ nên luôn ấp ủ dự định sẽ phá bỏ giới hạn do các thế hệ trước đặt ra. Nhà sử gia Ban Cố trong “Hán thư” đã chép: Hán Vũ Đế Lưu Triệt năm lên 3 tuổi đã được phong là Giao Đông vương. Một lần, ông được mẹ nuôi, tức công chúa trưởng Quán Đào Lưu Phiếu, ôm vào lòng rồi hỏi: “Con có muốn lấy vợ không?”. Hán Vũ Đế liền đáp lại: “Có”. Công chúa chỉ vào đám đông hơn trăm người đứng cạnh gợi ý tiếp: “Muốn người nào?”. Vũ Đế nguầy nguậy lắc đầu, tỏ ý không ưng. Lưu Phiếu vội chỉ tay về phía con gái mình, tức Trần A Kiều, rồi hỏi: “Ta gả A Kiều làm vợ cho con được chăng?”. Hán Vũ Đế lúc đó mới nhoẻn cười đáp: “Được ạ! Nếu lấy được A Kiều làm vợ, con sẽ cho đúc nhà vàng để cho nàng ở”. Chính câu nói này về sau đã trở thành điển cố nổi tiếng của Trung Quốc: “Kim ốc tàng Kiều” (nhà vàng cất người đẹp). Dù câu chuyện có yếu tố thêm bớt nhưng theo những ghi chép của sử sách, khi lên 6 tuổi, Hán Vũ Đế đã đính ước với A Kiều (lúc này tròn 10 tuổi). Sau khi lên ngôi trị vì, ông đã lập nàng làm hoàng hậu. Tình cảm giữa hai người rất mặn nồng cho tới khi hoàng đế bắt đầu khai mở “chính sách” thông thoáng trong việc tuyển chọn phi tần.
Ngoài sự háo sắc, Hán Vũ Đế cũng được xem là người rất khỏe mạnh. Theo ghi chép của sách “Tây Kinh Tạp Ký” thì thân hình Hán Vũ Đế lúc sinh thời rất to cao. Chẳng vậy mà chiếc áo ngọc dùng để an táng cho vị vua này lúc qua đời dài tới 1,88 mét. Người ta đã phải dùng tới 1.498 miếng ngọc lớn nhỏ khác nhau để kết thành chiếc áo. Cộng thêm cả những sợi vàng dùng để nối kết các miếng ngọc, chiếc áo ngọc của Hán Vũ Đế nặng tới 1,1 kg. Ngoài sức khỏe “trời cho”, vị vua thứ 7 nhà Tây Hán cũng rất chú trọng tới các liệu pháp chăm sóc sức khỏe. Ông thường xuyên mời các danh y nổi tiếng thời bấy giờ về sáng chế các bài thuốc, hướng dẫn các phương pháp để duy trì sự sung mãn trên chiến trận cũng như trong chốn phòng the. Trong đó, một bài “xuân dược” được cho là bí kíp “gối đầu giường” của Hán Vũ Đế là Bát vị thận khí hoàn do Thánh y Trương Trọng Cảnh sáng chế.
Sơn thù – một vị quan trọng trong bài thuốc Bát vị thận khí hoàn.
“Mổ xẻ” bài thuốc quý
Trương Trọng Cảnh được các thầy thuốc sau này gọi là Tôn Sư, tôn ông là Thầy, vì công lao của ông để lại cho hậu thế rất lớn. Trong Đông y, người ta còn tôn ông là Thánh y. Tương truyền, được sự “nhờ vả” của Hán Vũ Đế, Trương Trọng Cảnh đã lập ra phương Bát vị thận khí hoàn (còn gọi là Kim quỹ thận khí hoàn, Quế phụ địa hoàng hoàn) với 8 vị thuốc quý, gồm: Can địa hoàng (Sinh địa), Sơn dược, Sơn thù, Phục linh, Trạch tả, Đơn bì, Quế chi, Phụ tử (chế). Phương thuốc có công năng chủ trị các chứng thận dương bất túc.
Theo y học cổ truyền, thận chủ thủy nghĩa là giúp cơ thể điều chỉnh thủy dịch tốt, giúp thanh lọc các chất cạn bã theo đường nước tiểu. Thận là cơ quan ảnh hưởng tới sự phát dục ở cơ thể và hoạt động sinh dục nam. Thận tốt thì chức năng sinh lý của cơ thể khỏe mạnh. Ngoài ra, thận còn đóng vai trò theo cơ chế: Thận nạp khí, thận chủ cốt sinh tủy, tủy sinh huyết giúp cho gân cốt khỏe mạnh, da dẻ hồng hào. Khi thận và chức năng thận suy giảm, gây rối loạn cân bằng thành phần của máu (tăng kali, mất cân bằng toan – kẽm…). Các độc tố không được loại bỏ sẽ tích tụ trong máu, lan tới các cơ quan gây nhiễm độc và suy giảm chức năng trong cơ thể dẫn đến suy yếu toàn thân. Tùy vào mức độ nặng, nhẹ thận hư có biểu hiện: Thiếu máu mệt mỏi, người yếu ăn uống kém, tiểu tiện nhiều lần, tiểu đêm, đau lưng, tê mỏi, lạnh tay chân, chóng mặt, ù tai, mất ngủ giảm tập trung, trí nhớ, giảm tỉnh táo, sinh lý yếu, giảm ham muốn tình dục, xuất tinh sớm, khó khăn cương cứng, tinh trùng ít, liệt dương, rụng tóc, bạc tóc sớm… Những chứng bệnh này ảnh hưởng rất lớn đến nam giới, làm suy giảm hoạt động sinh lý và giảm tuổi thọ. Tây y sau này cũng đã công nhận, thận là cơ quan có liên quan mật thiết đến “bản lĩnh phái mạnh”.
Từ quan niệm trên, Thánh y Trương Trọng Cảnh đã sáng chế ra bài thuốc bổ thận cho nam giới, giúp thận khỏe mạnh cũng là tăng cường sức khỏe tình dục. Theo y học cổ truyền, 8 vị thuốc trong phương Bát vị thận khí hoàn có tác dụng cụ thể như sau: Sinh địa là thân rễ phơi hay sấy khô của cây Địa hoàng, vị ngọt đắng tính hàn, qui kinh Tâm, Can, Thận. Sinh địa có tác dụng tư âm giáng hỏa, lương huyết sinh tân nhuận táo, giúp mát gan, lợi tiểu. Sơn thù còn gọi là sơn thù du, thù nhục, dược liệu làm thuốc là quả, khi già được hái về bỏ hạt phơi khô để dùng dần. Sơn thù vị chua, tính hơi ôn, quy kinh Can, Thận, có tác dụng bổ can thận, chắc tinh khí, bền vững hạ nguyên. Dùng trị các chứng đau lưng mỏi gối, da xanh, người gầy, hay bị hoa mắt chóng mặt, dương nuy, hoạt tinh, di tinh, suy giảm tình dục. Bạch linh còn có tên là phục linh, bạch phục linh, vị nhạt tính bình, qui kinh Tâm, Tỳ, Thận. Thục linh có tác dụng lợi thủy thảm thấp, kiện tỳ, an thần. Sơn dược còn gọi là khoai mài, hoài sơn, vị ngọt, tính bình, đi vào Tỳ, Phế, Thận. Có tác dụng bổ Tỳ, Phế, Thận, ích khí dưỡng tâm, chủ trị các chứng tỳ phế hư nhược, tiêu khát thận âm hư, suy nhược cơ thể, tiêu hóa kém…
Trạch tả thuộc họ trạch tả, tên khác là mã đề nước, là một cây thảo, cao 40-50cm. Bộ phận dùng làm thuốc của trạch tả là thân rễ, thu hái vào mùa thu là tốt nhất, cạo hết rễ, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Trạch tả có vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng lợi tiểu, tiêu thũng, trừ thấp, kiện vị, giảm béo, thanh nhiệt. Đơn bì còn gọi là mẫu đơn bì, vị cay, tính hàn, vào kinh Tâm, Can, Thận. Có tác dụng chống viêm, giảm đau, suy nhược thần kinh, mất ngủ, di tinh… Quế chi là tên gọi của cành hoặc vỏ quế phơi khô. Những bài thuốc từ quế có tác dụng giải nhiệt, giảm đau, trợ tiêu hóa. Phụ tử là rễ củ con của cây Ô đầu, tính vị cay, nóng, có độc, quy kinh Tâm, Thận, Tỳ. Phụ tử có tác dụng hồi dương cứu nghịch, bổ hỏa trợ dương, ôn kinh, tán hàn, trừ thấp chỉ thống, thông kinh lạc. Chủ trị các chứng: vong dương, dương hư, hàn tý, âm thư. Phụ tử dùng trong bài thuốc này đã qua chế biến.
Vọng Xưa
Theo: Gia đình
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét