Điểm danh 5 nguyên nhân gây chảy máu cổ họng

Điểm danh 5 nguyên nhân gây chảy máu cổ họng



Chảy máu cổ họng là tình trạng tương đối nghiêm trọng. Nếu cổ họng bị chảy máu kéo dài mà không được phát hiện và điều trị sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, có khi là cả tính mạng. Vậy tình trạng này xảy ra là do các nguyên nhân nào?


Ho ra máu là biểu hiện đặc trưng khi cổ họng bị chảy máu, tuy nhiên vẫn còn một số dấu hiệu khác để có thể nhận biết tình trạng này, chẳng hạn như là: sưng tấy ở cổ, cảm thấy nghẹn và khó nuốt, khó thở, đổi màu vùng da ngay vị trí cổ họng, có sự thay đổi về giọng nói,…


Các nguyên nhân gây chảy máu cổ họng


Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc có máu trong cổ họng, có thể bắt nguồn từ nhiễm trùng, dùng thuốc chống đông máu, chấn thương hoặc do một vài tình trạng sức khỏe nhất định,… Dưới đây là các nguyên nhân gây chảy máu cổ họng thường gặp nhất:



Tổn thương miệng hoặc cổ họng


Vết thương gây chảy máu ở miệng và cổ họng có thể xảy ra khi bạn cắn, nhai hoặc nuốt thứ gì đó cứng, sắc nhọn hoặc khi có sự va đập mạnh từ bên ngoài vào vùng miệng hoặc cổ họng, chẳng hạn như trong các hoạt động thể thao, té ngã, tai nạn xe, bị hành hung.


Đôi khi chảy máu cũng có thể do lở miệng, loét miệng, bệnh nướu răng, chảy máu nướu răng hoặc thậm chí là do dùng chỉ nha khoa và đánh răng quá mạnh.


Chấn thương ngực


Một cú đánh vào ngực có thể khiến vị trí đó bị bầm tím và nặng hơn là tổn thương bên trong phổi. Một khi phổi bị tổn thương, có thể gây nên tình trạng tràn máu màng phổi. Một trong những triệu chứng của tình trạng này là bệnh nhân có thể ho ra máu hoặc chất nhầy dính máu.


Nhiễm trùng gây chảy máu cổ họng


Điểm danh 5 nguyên nhân gây chảy máu cổ họng



Nhiễm trùng là kết quả khi một sinh vật lạ, chẳng hạn như vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào cơ thể và gây hại. Một số bệnh nhiễm trùng có thể khiến bạn ho ra nước bọt hoặc chất nhầy có máu, bao gồm:


  • Giãn phế quản: Khi bị nhiễm trùng và sự phát triển quá mức của vi khuẩn sẽ gây viêm, làm cho thành của phế quản bị sưng dày lên và tích tụ chất nhầy. Điều đó lặp đi lặp lại sẽ dẫn đến hiện tượng phế quản bị giãn hoàn toàn. Biểu hiện của bệnh lý này bao gồm ho ra máu hoặc chất nhầy có lẫn máu.

  • Viêm phế quản: Phế quản là ống dẫn không khí vào trong phổi. Viêm phế quản là tình trạng tổn thương lớp tế bào phủ mặt trong lòng ống phế quản, phù nề tổ chức dưới niêm mạc. Nếu viêm phế quản mạn tính (tình trạng viêm hoặc kích ứng liên tục), người bệnh có thể bị ho ra đờm có lẫn máu.

  • Viêm phổi: Ho ra đờm màu vàng, xanh hoặc có máu cùng với việc thở nhanh, sốt, ớn lạnh, khó thở, đau ngực, mệt mỏi và buồn nôn. Đây là các triệu chứng điển hình của bệnh viêm phổi và nhiễm trùng phổi.

  • Ho dữ dội hoặc kéo dài: Trường hợp khi ho kéo dài hơn 8 tuần, đó được coi là ho mạn tính. Ho mạn tính có thể gây kích ứng đường hô hấp trên và làm rách các mạch máu, dẫn đến ho ra máu. Ngoài ra, ho mạn tính cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như hen suyễn, chảy dịch mũi sau hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

  • Viêm amidan: Mặc dù viêm amidan có thể là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, tuy nhiên nguyên nhân phổ biến nhất là do vi-rút. Trong một số ít trường hợp hiếm hoi, viêm amidan có thể gây chảy máu cổ họng. Nếu bác sĩ đề nghị cắt amidan, thì nguy cơ xảy ra tình trạng bị chảy máu sau phẫu thuật.

  • Bệnh lao: Đây là bệnh lý do vi khuẩn gây ra với các triệu chứng như là ho dữ dội và dai dẳng, ho ra máu hoặc ho ra đờm có máu, suy nhược, đau ngực, chán ăn, ớn lạnh và sốt.

Sử dụng thuốc chống đông máu


Các thuốc kê đơn được dùng để ngăn chặn sự kết tập tiểu cầu (được gọi là thuốc chống đông máu) thường có tác dụng phụ là gây chảy máu cổ họng, khiến người bệnh gặp một số biểu hiện như chảy máu cam không ngừng, ho ra máu, tiểu ra máu hoặc nôn ra máu. Những loại thuốc này bao gồm: apixaban, edoxaban, dabigatran, rivaroxaban  và warfarin. Bên cạnh đó, theo một số nghiên cứu cho rằng sử dụng cocaine cũng có thể dẫn đến ho ra máu.


Tình trạng sức khỏe


Một số bệnh lý có biểu hiện đặc trưng là ho và đôi khi có thể xuất hiện thêm triệu chứng chảy máu cổ họng, gây nên tình trạng ho ra máu, cụ thể:


  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Đây là một nhóm bệnh phổi bao gồm viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng. Bệnh có các triệu chứng bao gồm khó thở, tức ngực, nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên, thở khò khè và ho liên tục tạo ra nhiều đờm màu vàng, đôi khi có lẫn máu.

  • Bệnh xơ nang: Là một tình trạng di truyền có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường hô hấp. Bệnh có các biểu hiện tương tự như bệnh COPD, như khó thở, thở khò khè, thường xuyên bị cảm lạnh, ho dai dẳng với chất nhầy đặc, nhiễm trùng xoang thường xuyên do đó gây nên tình trạng cổ họng bị chảy máu.

  • Bệnh u hạt kèm theo viêm nhiều mạch: Chứng rối loạn hiếm gặp này trước đây được gọi là bệnh u hạt Wegener, có thể gây tử vong nếu không được điều trị. Biểu hiện phổ biến của bệnh là ho (đôi khi ho ra máu), chảy mủ từ mũi, nhiễm trùng xoang, chảy máu cam, khó thở, mệt mỏi, đau khớp và sốt.

  • Ung thư phổi: Triệu chứng đặc trưng của ung thư phổi là tình trạng ho kéo dài, đau ngực, ho ra máu hoặc khạc đờm có máu, khó thở, mệt mỏi, khàn giọng, chán ăn và nhiễm trùng dai dẳng.

  • Hẹp van hai lá ở tim: Ngoài khó thở, tức ngực, chóng mặt, tim đập nhanh thì bệnh lý này cũng có thể có biểu hiện chảy máu cổ họng, dẫn đến ho ra máu.

  • Phù phổi: Được xem là một tình trạng cấp cứu y tế có liên quan đến các vấn đề về tim, nguyên nhân gây nên là do sự tích tụ chất lỏng dư thừa ở phổi. Bệnh nhân phù phổi sẽ có một vài triệu chứng chẳng hạn như sùi bọt kèm theo máu, khó thở dữ dội, tim đập nhanh và lo lắng.

  • Thuyên tắc phổi: Hiện tượng tắc nghẽn động mạch phổi nằm bên trong phổi, điển hình là do cục máu đông gây ra. Thuyên tắc phổi có thể khiến bệnh nhân cảm thấy đau ngực, khó thở và ho ra máu hoặc khạc ra chất nhầy có máu.

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?


Điểm danh 5 nguyên nhân gây chảy máu cổ họng



Bạn cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra ngay lập tức khi phát hiện cơ thể có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cổ họng đang bị chảy máu. Bởi vì tình trạng chảy máu cổ họng thật sự có thể rất nguy hiểm. Chậm trễ trong việc tìm ra nguyên nhân và điều trị có thể tạo điều kiện cho máu tích tụ lại, làm tắc nghẽn khí quản, chặn đường thở khiến người bệnh không thở được.


Ngoài ra, không nên xem nhẹ tình trạng ho ra máu không rõ nguyên nhân, bởi vì đó có thể là tín hiệu cảnh báo cổ họng bị chảy máu. Tuy nhiên, đôi khi cũng có khả năng máu bắt nguồn từ nơi khác trong đường hô hấp hoặc tiêu hóa. Do đó, tốt hơn hết là bạn nên đi khám bác sĩ, đặc biệt là trong trường hợp ho ra đờm máu có kèm theo các biểu hiện sau:


  • Chán ăn

  • Giảm cân bất thường, không rõ nguyên nhân

  • Có máu trong nước tiểu hoặc phân 

  • Lượng máu ho ra nhiều hơn 1 thìa cà phê

  • Máu có màu sẫm và xuất hiện cùng với các mảnh thức ăn

  • Cảm thấy đau ngực, khó thở, chóng mặt hoặc choáng váng (ngay cả khi bạn chỉ ho ra một lượng máu nhỏ)

Tóm lại, nếu chỉ có một lượng nhỏ máu xuất hiện trong nước bọt thì thường không phải là vấn đề đáng lo ngại. Nhưng nếu có tiền sử bệnh về đường hô hấp, hút thuốc, hoặc nếu tần suất hay số lượng máu tăng lên, lúc này bạn nên đi khám bác sĩ.


Hy vọng qua bài viết này, bạn đã phần nào biết được các nguyên nhân gây nên tình trạng chảy máu cổ họng, cũng như là khi nào thì cần gặp bác sĩ. Từ đó có thể chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.


Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.



Nguồn: Hello Bác sĩ




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét