Viêm cột sống dính khớp: bệnh nguy hiểm nhưng ít người hiểu rõ

Viêm cột sống dính khớp: bệnh nguy hiểm nhưng ít người hiểu rõ



Hiểu đúng về bệnh viêm cột sống dính khớp đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và điều trị bệnh hiệu quả, từ đó góp phần hạn chế nguy cơ phát sinh biến chứng gây tàn phế cho người bệnh.


Mặc dù viêm cột sống dính khớp không phải bệnh hiếm gặp nhưng không ít người ngay cả các bác sĩ không chuyên khoa vẫn thường nhầm vấn đề sức khỏe này với nhiều bệnh lý khác do các triệu chứng tương tự nhau.


Sự nhầm lẫn trên sẽ khiến nhiều người hiểu sai về bệnh. Điều này có thể dẫn đến chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị, làm tăng nguy cơ tổn thương cấu trúc cột sống, cụ thể là dính đốt sống cổ, ngực, thắt lưng, hạn chế vận động cột sống ở các tư thế khác nhau, giảm chức năng và gây tàn phế.



Để giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh nguy hiểm trên, bài viết dưới đây sẽ “giải mã” 6 vấn đề gây hiểu nhầm thường gặp của bệnh viêm cột sống dính khớp.


1. Bệnh viêm cột sống dính khớp chỉ ảnh hưởng đến cột sống


Viêm cột sống dính khớp: bệnh nguy hiểm nhưng ít người hiểu rõ



Đặc trưng của vấn đề sức khỏe này là triệu chứng đau lưng kiểu viêm. 2/3 các trường hợp bắt đầu đau từ vùng mông, thắt lưng, thường gặp ở những người < 40 tuổi, khởi phát âm ỉ, tăng dần, kéo dài trên 3 tháng. Điều đặc biệt là triệu chứng đau thường xuất hiện vào lúc nửa đêm gần sáng, cải thiện sau khi vận động, luyện tập, kèm triệu chứng cứng cột sống vào buổi sáng. 


Mặc dù bệnh có tên là viêm cột sống dính khớp, song các biểu hiện tại khớp ngoại vi cũng thường gặp. Nhiều nhất là khớp gối, cổ chân, có biểu hiện sưng nóng đau, có thể có tràn dịch khớp kèm theo. Ngoài ra còn có các biểu hiện viêm điểm bán tận của gân, thường gặp nhất là đau gót do viêm gân Achiles hoặc viêm cân gan chân. Các điểm bán tậm của gân khác cũng gặp song hiếm hơn. 


Không những vậy, thống kê cho thấy, bệnh viêm cột sống dính khớp còn có những biệu hiện ngoài khớp bao gồm: 


  • Triệu chứng toàn thân: trong các đợt tiển triển, người bệnh thường sốt nhẹ, gầy, sụt cân, mệt mỏi, có thể thiếu máu nhược sắc do tình trạng viêm kéo dài

  • Tổn thương mắt: gặp khoảng 5–33%, bệnh nhân có viêm màng bồ đào trước, viêm mống mắt, biểu hiện đỏ mắt, nhìn mờ, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới biến chứng dính mống mắt, giảm thị lực

  • Tổn thương tim mạch hiếm gặp: bao gồm các rối loạn dẫn truyền, tổn thương van tim, suy tim do tổn thương hạn chế dung tích lồng ngực.

  • Ngoài ra căn bệnh này còn làm tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương, viêm ruột. 

Do đó, có thể thấy vấn đề viêm cột sống dính khớp có khả năng ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể của người bệnh chứ không hẳn chỉ ở cột sống. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp hạn chế được những biến chứng gây tàn phế cho người bệnh.   


2. Chỉ có nam giới mới bị viêm cột sống dính khớp


Viêm cột sống dính khớp: bệnh nguy hiểm nhưng ít người hiểu rõ



Tỷ lệ bị viêm cột sống dính khớp chiếm khoảng 0,1-1% dân số. Độ tuổi thường gặp là 20 – 30 tuổi. Khoảng 80% bệnh nhân có triệu chứng ở tuổi ≤ 30 và chỉ 5% có triệu chứng ở tuổi ≥ 45. Tỷ lệ bệnh ở nam giới cao gấp 2–3 lần so với nữ giới. Do đó trên thực tế vẫn gặp nhiều bệnh nhân nữ mắc bệnh lý này. Mặt khác các triệu chứng viêm cột sống dính khớp trên nữ có thể khác so với nam ở những đặc điểm như: triệu chứng nhẹ, kín đáo, khiến việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn.



3. Tập thể dục sẽ khiến tình trạng đau lưng trở nặng


Viêm cột sống dính khớp: bệnh nguy hiểm nhưng ít người hiểu rõ



Hạn chế vận động chỉ giúp xoa dịu triệu chứng đau lưng nếu nguyên nhân gây đau là do cơ học (ví dụ như thoát vị đĩa đệm). Với trường hợp đau lưng do viêm cột sống dính khớp, người bệnh thường được khuyến khích rèn luyện thể chất với các bài tập nhẹ, phù hợp để duy trì vận động các khớp. 


Cụ thể hơn, trong quá trình điều trị viêm cột sống dính khớp, tập thể dục đóng vai trò quan trọng trong việc:


  • Giảm cứng khớp và cải thiện tính linh hoạt của các khớp bị ảnh hưởng

  • Hạn chế nguy cơ dính đốt sống lưng, gây tàn phế

Để tập luyện an toàn, bạn nên tham vấn ý kiến với bác sĩ trước về những bài tập phù hợp. Sau đó, hãy bắt đầu chương trình luyện tập với cường độ từ thấp lên cao. 


Ngoài ra, bạn cũng đừng quên lưu ý đến duy trì tư thế đúng (đặc biệt khi đi, đứng, ngồi hoặc nằm) nhé. Hãy cố gắng giữ cột sống luôn thẳng nhằm giảm thiểu nguy cơ gù lưng xảy ra. 


4. 100% người bệnh sẽ bị dính khớp và tàn phế


Viêm cột sống dính khớp: bệnh nguy hiểm nhưng ít người hiểu rõ



Về cơ bản, hầu hết người bị viêm cột sống dính khớp đều có các đợt viêm, cứng cột sống và đau lưng theo chu kỳ. Những đợt viêm này tái phát liên tục tạo các cầu xương khiến các đốt sống dính lại với nhau gây hạn chế vận động cột sống, ngoài ra những bệnh nhân có biểu hiện khớp ngoại biên có thể gây đau, giảm chức năng hoạt động hằng ngày, lâu ngày có thể biến dạng khớp, cột sống dẫn đến tàn phế. Có khoảng 50% bệnh tiến triển từ từ tăng dần, có 10% bệnh nhân tiến triển nhanh đến dính, biến dạng khớp và cột sống.


Tuy nhiên, không phải lúc nào bệnh cũng có thể tiến triển xa như vậy. Nếu được chẩn đoán và kiểm soát, điều trị bệnh hiệu quả ngay từ đầu, bạn hoàn toàn có thể ngăn chặn dính khớp và các vấn đề liên quan xảy ra. 


5. Vẫn tiếp tục dùng thuốc điều trị cũ khi tình trạng bệnh nặng hơn mà không đi tái khám


Viêm cột sống dính khớp: bệnh nguy hiểm nhưng ít người hiểu rõ



Tình trạng các triệu chứng viêm cột sống dính khớp trở nặng trong giai đoạn điều trị có thể là dấu hiệu cảnh báo:


  • Bệnh đang tiếp tục tiến triển nghiêm trọng

  • Phương pháp hiện tại không đem lại hiệu quả như mong muốn

Vì vậy, thay vì tiếp tục áp dụng phác đồ điều trị ban đầu, bạn nên mau chóng báo cho bác sĩ về sự thay đổi tiêu cực này. Các bác sĩ nội cơ xương khớp có thể đánh giá lại tình trạng sức khỏe cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh, từ đó có những thay đổi phù hợp trong kế hoạch điều trị.


6. Bệnh viêm cột sống dính khớp có thể được chữa hết bệnh hoàn toàn


Viêm cột sống dính khớp: bệnh nguy hiểm nhưng ít người hiểu rõ



Thực tế, phần lớn các bệnh viêm khớp, bao gồm cả viêm cột sống dính khớp, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn vẫn cần sớm tìm gặp bác sĩ nội cơ xương khớp để được kiểm tra và thăm khám nếu có các triệu chứng bệnh, đặc biệt là đau lưng kiểu viêm. 


Nếu được chẩn đoán mắc bệnh, các phương pháp điều trị bằng thuốc hoặc không dùng thuốc hiện nay sẽ giúp bạn duy trì trạng thái “không hoạt động” hoặc “bệnh hoạt động thấp” như những người bình thường.  


Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào khác về bệnh viêm cột sống dính khớp hoặc nghi ngờ bản thân đang gặp phải vấn đề này, hãy mau chóng tìm gặp bác sĩ khớp tại các bệnh viện lớn, uy tín để được tư vấn, thăm khám và điều trị kịp thời. Hiểu đúng về căn bệnh nguy hiểm này có thể góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời giảm thiểu nguy cơ dính khớp gây tàn phế. 


Nội dung được tham vấn y khoa bởi Liên Chi Hội Thấp Khớp Học TP.HCM với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Novartis Việt Nam.


VN2011273947


Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.



Nguồn: Hello Bác sĩ




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét