Kỹ thuật nội soi tai mũi họng là một trong những phương pháp khám bệnh khá phổ biến hiện nay. Thủ thuật này có đau không? được chỉ định trong những trường hợp nào và cần lưu ý gì khi thực hiện?
Nội soi tai mũi họng là gì?
Đây là kỹ thuật y tế hiện đại giúp bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán các bệnh về tai, mũi, họng. Phương pháp này dùng ống nội soi chuyên dụng có gắn camera siêu nhỏ và đèn sáng đưa vào trong bộ phận cần kiểm tra. Khi đó, hình ảnh nội soi tai mũi họng sẽ hiển thị trên màn hình tivi để bác sĩ quan sát, đưa ra chẩn đoán bệnh.
Ưu điểm của kỹ thuật này là giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn, đồng thời có thể phát hiện sớm các bất thường ở vị trí mũi, họng, thanh quản và dây thanh quản. Từ đó tìm được cách can thiệp hoặc điều trị kịp thời, phù hợp với nhiều căn bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư vòm họng.
Khi nào nên thực hiện nội soi tai mũi họng?
Bạn có thể được chỉ định thực hiện nội soi khi có các triệu chứng sau:
Đối với tai
- Đau tai, ù tai, ngứa tai
- Chảy mủ tai
- Thính lực kém
- Có dị tật hoặc dị vật ở tai
Đối với mũi
- Nghẹt mũi, chảy mũi xanh
- Khi bị viêm xoang với các triệu chứng đau đầu, chảy nước mũi, hắt hơi
- Tìm hiểu các chứng như vẹo vách ngăn, polyp mũi, khối u mũi
- Chảy máu cam
- Mất khả năng ngửi
- Rò rỉ dịch ở mũi.
Đối với họng
- Ho dai dẳng, ho ra máu
- Khàn tiếng, hụt hơi
- Đau họng
- Hơi thở hôi
- Khó nuốt
- Kiểm tra dấu hiệu ung thư vòm họng, các khối hoặc cấu trúc bất thường trong cổ họng
- Lấy dị vật ở thanh quản
Các bệnh lý được phát hiện bởi nội soi tai mũi họng
Bằng kỹ thuật nội soi hiện đại, các bệnh lý có thể được phát hiện từ sớm để kịp thời điều trị. Một số bệnh điển hình như:
- Các loại ung thư vòm họng, ung thư thanh quản
- Viêm tai giữa, viêm tai ngoài, khối u trong tai, ù tai, thủng màng nhĩ, điếc…
- Viêm vòm họng, viêm amidan, viêm dây thanh quản…
- Viêm xoang cấp tính hoặc mãn tính, phì đại cuống mũi, vẹo vách ngăn, khối u…
- Các dị vật trong tai mũi họng.
Nội soi tai mũi họng có đau không? Trên thực tế, quy trình thực hiện kỹ thuật này tốn ít thời gian và không gây đau đớn cho người khám bệnh. Trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, đánh giá tình trạng của bệnh nhân rồi mới quyết định có cần làm nội soi hay không.
Bác sĩ có thể dùng thuốc co mạch, thuốc gây tê, gây mê trước khi tiến hành kỹ thuật để giảm cảm giác khó chịu cho người bệnh. Bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh về loại thuốc được sử dụng. Tiếp đó, bác sĩ đưa ống nội soi vào khu vực cần thăm khám. Đồng thời hình ảnh sẽ hiển thị lên màn hình và được in ra thành hình ảnh nội soi tai mũi họng.
Những lưu ý quan trọng khi được chỉ định nội soi tai mũi họng
- Trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi nội soi về tình trạng sức khỏe của mình, đặc biệt là khi cần dùng thuốc gây tê hoặc gây mê.
- Báo cho bác sĩ biết các loại thuốc bạn đang dùng, đặc biệt là thuốc aspirin hoặc các loại thuốc làm loãng máu (nếu có).
- Cần có người đưa về nhà sau khi làm thủ thuật. Đặc biệt là khi bạn có dùng thuốc gây mê.
- Tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Đến bệnh viện hoặc thông báo cho bác sĩ ngay khi có triệu chứng bất thường sau đó như chóng mặt, buồn nôn, chảy nước mũi dai dẳng…
Thực hiện nội soi tai mũi họng ở đâu?
Người bệnh có thể thực thủ thuật y tế này ở các bệnh viện chuyên khoa hoặc đa khoa, các cơ sở y tế được cấp phép và có trang bị máy móc nội soi hiện đại. Một số địa chỉ bạn có thể tham khảo như:
- Ở TP. HCM: Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn…
- Ở Hà Nội: Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai…
Nhiều người e ngại vì không biết nội soi tai mũi họng bao nhiêu tiền. Giá nội soi tai mũi họng cũng chỉ bình thường như các xét nghiệm thông thường khác, dao động trong mức 200.000-300.000 đồng/ lần, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Nhìn chung, đây là thủ thuật y tế an toàn và hiệu quả trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Để đạt kết quả tốt nhất người bệnh cần tuân thủ đúng và đủ hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình thực hiện.
Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Hello Bác sĩ
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét