Cả một tuổi thơ chìm đắm trong nước mắt tủi hờn, đến bao giờ mới chấm dứt Cha ơi?

Lúc đó cháu nghĩ rằng ba mẹ chả thương cháu chút nào, cháu tự hỏi có khi nào ba mẹ chỉ thương em trai, cháu lo lắng và rất khổ sở.


Cháu xin kể câu chuyện của cháu ạ! Cháu vẫn luôn biết Ba mẹ cháu yêu thương cháu nhưng cháu vẫn rất sợ và chán ghét gia đình, ước mơ lớn nhất của cháu là được rời khỏi và được sống riêng.


 


– Hồi cháu còn nhỏ Ba mẹ cháu lo đủ thứ nên cấm cháu ra ngoài chơi, chỉ cho cháu chơi trong nhà mà ba mẹ thì bận làm việc nên không ai chơi với cháu, cháu sợ ba mẹ nên không dám đi chơi, chỉ có em cháu không sợ thường trốn ra ngoài nên lúc nào cháu cũng có một mình cháu phải tự học cách chơi một mình. Đôi khi em trai không đi chơi, em ấy thích giành đồ chơi yêu thích với cháu, cháu nhường em rồi chơi cái khác em lại giành vì việc đó em cháu khóc lên, ba cháu tức giận đốt hết đồ chơi yêu thích của cháu làm cháu rất buồn.


 


Ở nhà cháu sợ ba nhất vì ba rất dữ, hai chị em cãi nhau, hay cháu điểm kém sẽ bị đánh bằng thanh gỗ to rất đau. Ba cháu không cho khóc, mỗi lần khóc là sẽ bị đánh đau hơn. Từ đó cháu luôn khóc lặng lẽ không ai biết vì trong tiềm thức cháu sợ bị đánh. Hồi còn nhỏ, cháu có nuôi một con mèo, cháu rất thích nó, nhưng một lần cháu không nghe lời, ba cháu ném con mèo thật mạnh rồi từ đó con mèo bỏ đi mất không trở lại nữa, tối đến cháu lại khóc. Năm lớp 3, có lần cháu cãi bướng với ba, cháu dậm chân thật mạnh trên đất, ba cháu đã tát một cái thật mạnh vào má, đến giờ nó vẫn luôn ám ảnh cháu. Có lần cháu và em trai ăn cơm chậm vì xem phim hoạt hình, ba đã đập dĩa thức ăn và đập luôn cái đầu đĩa.


 


– Ba mẹ cháu hay so sánh cháu với hai chị họ, ba mẹ bảo làm vậy để cháu cố gắng nhưng lúc cháu cố gắng đạt học sinh giỏi, ba mẹ lại coi đó là điều dĩ nhiên vì hai chị họ được cả mấy năm liền. Có năm chị họ được học sinh khá, cháu vẫn được giỏi cháu nghĩ ba mẹ lần này sẽ khen cháu nhưng không có gì hết, cháu rất hụt hẵng. Khi đến nhà bác dù chị học sinh khá nhưng bác ấy vẫn hết lời ca ngợi làm cháu rất ngưỡng mộ ước ao. Lúc đó cháu nghĩ rằng ba mẹ chả thương cháu chút nào, cháu tự hỏi có khi nào ba mẹ chỉ thương em trai, cháu lo lắng và rất khổ sở.


 


Rồi một biến cố xảy ra, gia đình cháu và bác xảy ra mẫu thuẫn. Cháu tin tưởng chị họ ngốc nghếch kể hết cuộc trò chuyện cho chị nghe, ai dè chị ấy lại kể lại cho ba chị ấy, rồi bác ấy mắng cháu, mắng cả ba mẹ cháu. Ba cháu biết được về chửi cháu những câu rất nặng nề. Cháu như bị sốc vì chị họ lại làm vậy, cả việc ba cháu nữa. Cháu tự nhốt mình trong phòng tắm và trong đầu cháu cứ quay cuồng suy nghĩ rằng cháu là đồ ngu ngốc, vô dụng, chả ai thương cháu hết, có chết thì cũng không ai quan tâm, nên cháu cố gắng tự tử nhưng bất thành vì dao bị cùn.


 


Cả một tuổi thơ chìm đắm trong nước mắt tủi hờn, đến bao giờ mới chấm dứt Cha ơi?


 


Nhưng cũng từ lúc đó cháu không tự tử nữa vì cháu đã tìm ra phương pháp làm cháu cảm thấy nhẹ nhõm đó là tự làm đau bản thân, đôi khi điểm kém cháu sẽ lấy compa đâm thật mạnh vào tay, hay tự đánh mình, cấu tay cho đến tróc da, tự kéo tóc thật mạnh nó sẽ làm giảm nỗi đau trong trái tim cháu . Cũng từ biến cố đó cháu luôn tỏ ra mạnh mẽ và bắt đầu chống lại ba cháu, bởi vì cháu không khóc nữa, ba cháu lại nói nhưng lời tệ hơn như cứa vào tim cháu vậy. Ba cháu nói cháu còn chả bằng con chó, con chó nó còn biết trông nhà còn cháu là đồ vô tích sự. Ba cháu có lần còn bảo nên bóp cổ cháu chết từ khi mới sinh ra, ông nói cuộc đời ông thất bại lỗi là do sinh ra một đứa như cháu.


 


Mẹ cháu bảo ba nóng lên mới nói vậy thôi đừng để trong lòng, nhưng cháu không thể nào quên được. Nếu cháu mà cãi bướng quá thì ba cháu sẽ doạ đập điện thoại của cháu. Năm lớp 12, ông đã đập cái điện thoại cháu để dành tiền trong 3 năm mới mua được và ném hết sách vở cháu vào thùng rác, gom hết quần áo ném ra sân. Ba bảo đồ này thà để con chó nằm còn hơn. Cháu mỗi ngày sống trong áp lực ở đâu cũng mệt mỏi, trên trường dù có bạn chơi nhưng vẫn cô đơn lạc lõng, áp lực về bài tập, điểm số. Về nhà cũng mệt mỏi đối với cháu nhà chưa từng là nơi để trở về, đôi khi cháu còn ước không cần về nhà. Cháu sợ căn nhà đó, căn nhà chứa đựng những ký ức đáng sợ; tiếng ném, đập phá đồ đạc, tiếng ồn mỗi khi ba mẹ cháu cãi nhau, tiếng mắng chửi của ba cháu.


 


Cho đến khi cháu lên đại học cháu dọn lên nhà bác sống, Ba cháu vì cháu ít khi về nhà nên gọi điện mắng bảo cháu đi luôn đi đừng về nữa, cháu rất buồn mà cháu cũng sợ về nhà vì làn gần nhất cháu về nhà ba mẹ cháu lại cãi nhau vì cháu. Cháu thấy tình thương của ba cháu làm cháu rất mệt mỏi, cháu không thể hiểu cho ông được. Cháu nghĩ chỉ còn mẹ là nơi duy nhất để dựa dẫm, cháu tâm sự với mẹ về sự đau khổ nỗi u uất, cả việc cháu tự làm đau bản thân hi vọng mẹ sẽ an ủi, và động viên cháu nhưng mẹ cháu hờ hững bà nói do con tự suy nghĩ nhiều thôi, cháu như sụp đổ ấy ạ.


 


Cháu chả còn ai để mà giải bày trong khi mẹ cháu cũng không hiểu cháu. Một lầm cháu xem một bộ phim, có một người sống vô tư hạnh phúc nên cháu đã tự ngụy trang bản thân thành người như vậy nhưng cháu chả vui gì hết, có nhiều đêm cháu tự khóc một mình. Trên thực tế, cháu biết cha mẹ cháu không phải kiểu người hiện đại nên vậy cháu luôn cố gắng nghĩ đến những điều tốt ba mẹ đã làm để bản thân không ghét ba mẹ, cháu cũng không muốn cháu ghét ba mẹ. Nhưng cháu vẫn rất sợ căn nhà đó, cháu không muốn trở về nhà.



Cô chào cháu. Đọc những dòng tâm sự của cháu, cô rất chia sẻ về nỗi buồn mà cháu đã trải qua. Nhưng những kỉ niệm không vui trong quá khứ đã đeo bám cháu từng ấy năm rồi và giờ cháu cũng đã là một người trưởng thành, nếu cháu cứ “ôm” mãi những nỗi buồn như vậy thì nó có giúp ích cho tương lai của cháu không, hay chỉ càng làm cho cháu thêm buồn.


 


Có những chuyện đã thuộc về quá khứ đã qua, không nên cố gợi lại nữa cháu à. Cô hiểu, với tâm hồn non nớt của một đứa trẻ, cháu sẽ cảm thấy những gì ba cháu làm là bất công, quá đáng. Theo như cách cháu chia sẻ thì ba cháu cũng là một người có tính cách khá nóng nảy, và chính tính cách ấy mới khiến cho cháu nhiều lần phải cảm thấy ấm ức. Cháu à, cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền cũng không tránh khỏi những áp lực lên vai người làm bố làm mẹ. Cô cũng không thấy cháu chia sẻ là ba cháu làm công việc gì, nhưng thực sự khi bước chân về nhà ai cũng muốn có được cảm giác yên bình. Cô hiểu chứ, ba cũng mong muốn con cái ngoan ngoãn, chị em trong nhà yêu thương nhau,…nhưng trẻ con mà không “léo nhéo” thì không phải trẻ con, trẻ con mà không “mắc lỗi” thì cũng thực là vô lý. Ba cháu cũng thiếu đi một chút tinh tế, tâm lý để hiểu được tâm lý lứa tuổi, do đó mới khiến cho cháu cảm thấy bị tổn thương.


 


Nhưng ngay cả cháu cũng cảm nhận được ba cũng thương cháu đúng không? Kể cả cô cũng nhìn thấy điều đó. Có những người họ thích thể hiện tình cảm bằng lời nói, hành động, nhưng với ba cháu thì lại không thể hiện bằng những cách ấy. Vì con đi học xa nhà, ba cũng mong ngóng lắm chứ, vậy mà nó cũng “chẳng chịu về”, thế nên ba mới “giận”. Mà cháu biết không, ba cháu mà có tệ thật thì chắc chắn mẹ cháu và em cháu cũng sẽ chẳng ở nổi với ba. Vậy nên cháu hãy cởi mở suy nghĩ ra, vừa thương ba và cũng đừng giận ba nữa nhé.


 


Mỗi chúng ta ai cũng có một cuộc đời để sống và trong cuộc đời ấy lại chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Từ bé sẽ được ở bên cha mẹ, được gặp cha mẹ hàng ngày. Nhưng khi đã bước chân vào cuộc sống thì tính đi tính lại, số lần chúng ta gặp cha mẹ cũng được bao nhiêu đâu. Mà nhất là sau này lấy chồng lấy vợ mà phải ở xa nhà thì mỗi năm chỉ được gặp ba mẹ vài lần. Giờ ba mẹ cháu còn khỏe mạnh, cháu còn chưa cảm thấy gì, chứ khi ba mẹ ốm đau mà con cái chưa làm được gì thì trong lòng sẽ cảm thấy dằn vặt, hối hận lắm. Cháu đã từng nghe thấy câu nói: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha” chưa? Và cháu ngẫm lại xem ba cháu có thực sự “tệ” như cháu vẫn tưởng không?


 


Từ trước đến nay cháu vốn cũng không có nhiều dịp thể hiện tình cảm với ba, vậy giờ cháu thử xích lại gần ba hơn, mỗi lần về nhà nấu những món mà ba thích ăn, mua tặng ba cái áo hoặc đan tặng ba cái khăn, hỏi chuyện ba…cứ dần dần như vậy cháu sẽ rút ngắn được khoảng cách giữa hai ba con lại. Cô đồng ý khi buồn thì chúng ta được phép khóc, nhưng có một thứ tuyệt đối không nên làm, đó là “ngược đãi chính bản thân”.


 


Nếu sau khi nghe những chia sẻ của cô xong mà trong lòng cháu vẫn không thể ngừng được những suy nghĩ tiêu cực kia lại thì cháu cũng cần đi khám Tâm lý để được các chuyên gia hỗ trợ. www.cuasotinhyeu.vn chúc cháu luôn mạnh khỏe, bình an và thành công trong cuộc sống.


Nguồn: Cửa sổ tình yêu




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét