8 điều bạn cần biết về bệnh mụn cóc sinh dục

8 điều bạn cần biết về bệnh mụn cóc sinh dục



Mụn cóc sinh dục là bệnh lây qua đường tình dục ảnh hưởng đến cả nam và nữ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.


Trong bài viết sau, hãy cùng tìm hiểu mụn cóc sinh dục là gì, cũng như các triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh căn bệnh này bạn nhé.


1. Mụn cóc sinh dục là gì?


Mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) là sự phát triển của các mô mềm ở vùng sinh dục hoặc hậu môn. Đây là căn bệnh lây truyền qua đường tình dục do virus gây u nhú ở người (Human Papilloma Virus – HPV) gây ra.



HPV là loại virus gây bệnh đường sinh dục thường gặp nhất. Hầu hết những ai có quan hệ tình dục không an toàn đều sẽ bị nhiễm ít nhất một chủng HPV trong cuộc đời. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% người bị nhiễm virus này phát triển mụn cóc sinh dục. Những người khác có thể bị nhiễm virus nhưng không biểu hiện triệu chứng.


Sùi mào gà gây đau, khó chịu và ngứa ngáy tại bộ phận sinh dục của cả nam và nữ. Tuy nhiên, nó đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ vì một vài chủng HPV có thể gây ung thư cổ tử cung và âm hộ.


2. Triệu chứng của mụn cóc sinh dục


8 điều bạn cần biết về bệnh mụn cóc sinh dục



Mụn cóc sinh dục lây truyền qua hoạt động quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ bằng miệng, âm đạo và hậu môn. Bạn có thể bị mụn cóc sau vài tuần hoặc vài tháng nhiễm virus HPV.


Các nốt mụn thường có kích thước nhỏ và có màu sắc tương tự như màu da hoặc sẫm màu hơn một ít. Vì vậy, không phải lúc nào người bệnh cũng có thể quan sát được mụn cóc bằng mắt thường. Bề mặt của mụn cóc nhẵn nhụi hoặc hơi gồ ghề, lúc sờ vào có cảm giác tựa như súp lơ trắng. Tùy từng trường hợp mà mụn cóc có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc mọc thành từng cụm.


Mụn cóc sinh dục nam có thể phát triển ở dương vật, bìu, bẹn, đùi, bên trong hay xung quanh hậu môn. Trong khi đó, mụn cóc sinh dục nữ có thể phát triển ở xung quanh khu vực âm đạo, hậu môn và trên cổ tử cung. Ngoài ra, mụn còn phát triển trên môi, miệng, lưỡi hay cổ họng ở người quan hệ tình dục bằng miệng với người nhiễm virus.


Bên cạnh đó, bệnh còn gây ra nhiều triệu chứng khác, bao gồm chảy dịch âm đạo, ngứa, chảy máu, bỏng rát ở vùng sinh dục. Khi bệnh tiến triển và lây lan rộng hơn, bạn sẽ cảm thấy khó chịu và đau đớn nhiều hơn.


3. Nguyên nhân gây ra mụn cóc sinh dục


Virus HPV là nguyên nhân gây ra mụn cóc sinh dục. Có hơn 40 chủng HPV ảnh hưởng đến vùng sinh dục nhưng chỉ một vài trong số chúng có liên quan đến căn bệnh này. HPV là virus có khả năng lây truyền cao khi tiếp xúc với da, chính vì thế mà chúng rất dễ lây qua đường tình dục.


Chủng virus gây mụn cóc sinh dục khác với chủng gây mụn cóc thông thường ở tay hoặc các vị trí khác trên cơ thể. Do đó, mụn cóc không lây truyền từ tay sang cơ quan sinh dục và ngược lại.


4. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh


8 điều bạn cần biết về bệnh mụn cóc sinh dục



Bất cứ ai đang quan hệ tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV. Tuy nhiên, mụn cóc sinh dục sẽ dễ phát triển hơn trên những đối tượng sau:


  • Dưới 30 tuổi

  • Hút thuốc lá

  • Hệ thống miễn dịch yếu

  • Từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ

  • Có mẹ bị nhiễm virus HPV khi sinh con

Bạn có thể quan tâm: Các đối tượng dễ bị mắc bệnh tình dục STDs nhất


5. Biến chứng khi nhiễm HPV


HPV là nguyên nhân chính gây ung thư ở cổ tử cung ở nữ giới. Một số chủng virus HPV cũng có thể gây ung thư âm hộ, dương vật hay hậu môn.


Bên cạnh đó, sự xuất hiện của mụn cóc cũng ảnh hưởng đến việc mang thai và sinh con. Các nốt mụn có thể to ra trong thời kỳ mang thai, khiến thai phụ gặp khó khăn trong việc đi tiểu. Trong quá trình sinh nở, mụn cóc xuất hiện trên thành âm đạo sẽ ức chế sự co giãn mô âm đạo. Nếu bạn có mụn cóc lớn trên âm hộ hoặc trong âm đạo, chúng có thể gây chảy máu khi bị kéo căng trong khi sinh.


6. Chẩn đoán bệnh mụn cóc sinh dục


Để chẩn đoán tình trạng này, bác sĩ sẽ hỏi bạn về tình trạng sức khỏe hiện tại, các triệu chứng gặp phải cũng như hành vi quan hệ tình dục trong quá khứ. Bác sĩ cần biết bạn có sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục hoặc có quan hệ bằng miệng hay không.


Tiếp đó, bác sĩ sẽ thăm khám kỹ càng những nơi mà mụn cóc có thể phát triển trên cơ thể bạn. Đối với mụn cóc sinh dục nữ, bác sĩ có thể phải tiến hành khám vùng chậu vì một số mụn cóc có thể mọc sâu bên trong cơ thể người bệnh. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm Pap (xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung) để kiểm tra sự hiện diện của HPV.


Xét nghiệm Pap cũng giúp bác sĩ phát hiện những biểu hiện tiền ung thư. Người bệnh có những biểu hiện này cần kiểm tra thường xuyên để theo dõi những biến đổi của tế bào và có sự can thiệp sớm.


7. Điều trị mụn cóc sinh dục


8 điều bạn cần biết về bệnh mụn cóc sinh dục



Việc điều trị có thể khiến các triệu chứng của bệnh biến mất nhưng không loại bỏ được virus hoàn toàn. Điều này có nghĩa là bạn vẫn có thể tái phát mụn cóc sau khi quá trình chữa trị kết thúc.


Mụn cóc sinh dục có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị căn bệnh này bao gồm:


  • Imiquimod (Aldara)

  • Podophyllin và Podofilox (Condylox)

  • Trichloroacetic Acid (TCA)

Nếu mụn cóc không biến mất theo thời gian, bạn sẽ cần phẫu thuật để loại bỏ chúng. Một số phương pháp thường được sử dụng là đốt điện, áp lạnh, phẫu thuật bằng laser…


Ngoài ra, phụ nữ nhiễm HPV có thể cần thực hiện xét nghiệm Pap 3 – 6 tháng/lần sau khi điều trị để tiếp tục theo dõi sự biến đổi tế bào ở cổ tử cung.


Lưu ý: Việc điều trị bệnh cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc điều trị mụn cóc thông thường để điều trị sùi mào gà. Điều trị sai phương pháp có thể dẫn đến những tổn thương nặng nề và nghiêm trọng hơn.


8. Phòng ngừa bệnh mụn cóc sinh dục


8 điều bạn cần biết về bệnh mụn cóc sinh dục



Sử dụng bao cao su hoặc biện pháp tình dục an toàn 


Sử dụng bao cao su hoặc màng chắn miệng mỗi khi quan hệ có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm mụn cóc sinh dục. Điều quan trọng là bạn cần dùng chúng đúng cách để đạt hiệu quả phòng ngừa bệnh lây qua đường sinh dục tốt nhất.


Đối với bao cao su, bạn cần mua sản phẩm từ các nhãn hàng uy tín, kiểm tra cẩn thận hạn sử dụng, tem mác, kích cỡ và độ nguyên vẹn trước khi mang. Tuyệt đối không tái sử dụng bao cao su vì chúng không những không bảo vệ bạn mà còn tăng nguy cơ lây nhiễm các căn bệnh nguy hiểm. 


Tiêm phòng 


Việc tiêm phòng có thể giúp bạn tránh mắc phải mụn cóc sinh dục. Vắc xin phòng ngừa HPV Gardasil và Gardasil 9 có thể ngăn ngừa một số chủng virus HPV gây mụn cóc sinh dục ở cả nam và nữ. Loại vắc xin này cũng giúp bạn chống lại các chủng HPV gây ung thư cổ tử cung.


Một loại vắc xin khác có tên là Cervarix cũng có thể bảo vệ bạn khỏi các chủng HPV gây ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, nó không có tác dụng phòng chống các chủng gây bệnh sùi mào gà.


Nam nữ trong độ tuổi 9 – 26 tuổi nên tiêm vắc xin ngừa HPV để tránh lây nhiễm loại virus này. Cả hai loại vắc xin này nên được tiêm trước khi người đó có quan hệ tình dục, vì lúc này hiệu quả ngăn ngừa của vắc xin sẽ được phát huy tốt nhất.


Hy vọng bài viết đã giúp bạn biết được mụn cóc sinh dục là gì cũng như cách điều trị và phòng ngừa bệnh. Các triệu chứng của mụn cóc có thể tự biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ ngăn ngừa bệnh tái phát và các biến chứng nguy hiểm do nhiễm HPV. Do đó, nếu nghi ngờ mình mắc bệnh, bạn hãy đến các cơ sở chuyên khoa để thăm khám càng sớm càng tốt. Đồng thời, bạn cũng nên thực hiện tiêm chủng và quan hệ tình dục an toàn để phòng tránh lây nhiễm loại virus này.


Hy vọng bài viết đã giúp bạn biết được mụn cóc sinh dục là gì cũng như cách điều trị và phòng ngừa bệnh. Các triệu chứng của mụn cóc có thể tự biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ ngăn ngừa bệnh tái phát và các biến chứng nguy hiểm do nhiễm HPV. Do đó, nếu nghi ngờ mình mắc bệnh, bạn hãy đến các cơ sở chuyên khoa để thăm khám càng sớm càng tốt. Đồng thời, bạn cũng nên thực hiện tiêm chủng và quan hệ tình dục an toàn để phòng tránh lây nhiễm loại virus này.


Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.



Nguồn: Hello Bác sĩ




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét