Trong tâm lý học màu sắc, mỗi màu sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của con người.
Đối với trẻ nhỏ, việc tìm hiểu thế giới chủ yếu thông qua các giác quan thị giác, thính giác và xúc giác của trẻ. Thông tin nhận được bởi các giác quan này tạo thành thế giới trong tâm trí trẻ.
Thị giác là cơ quan thụ cảm đầu tiên, trong đó, màu sắc có tác động lớn nhất đối với quá trình cảm nhận thế giới xung quanh.
( Ảnh minh họa)
Con người sống trong một thế giới đầy màu sắc. Đến nay, khoa học đã chứng minh rằng con người có thể nhìn thấy 7 triệu màu khác nhau. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng khi các màu sắc khác nhau tác động lên não thì các trạng thái tâm lý và sinh lý của con người cũng trở nên khác nhau.
Đối với trẻ sơ sinh, sau khi mở mắt, thị giác của trẻ dần phát triển, trẻ sẽ dần nhận biết được những thứ xung quanh, những màu sắc khác nhau đập vào mắt là cảm nhận đầu tiên của trẻ về thế giới.
Chúng ta sẽ thấy rằng tất cả các sản phẩm dành cho trẻ em, bao gồm quần áo, bộ đồ giường, đồ chơi và bao bì đóng gói tã, thường có màu nhạt, vàng nhạt, xanh lam nhạt, hồng nhạt, xám nhạt,…
Vậy tại sao các nhà sản xuất không sử dụng những màu sắc khác nổi bật, bắt mắt hơn?
Nguyên nhân chính là đây:
Trong giai đoạn sơ sinh, điều mà bé cần nhất là cảm giác ấm áp và an toàn. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian cho giấc ngủ, vì vậy cách bố trí phòng, màu sắc của chăn, mền ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ của trẻ.
Các chuyên gia tâm lý học màu sắc chỉ ra rằng chăn, mền có nhiều màu sắc khác nhau sẽ có những ảnh hưởng đến giấc ngủ.
1. Chăn bông màu nhạt hoặc trắng có thể thúc đẩy giấc ngủ. Đó là lý do tại sao đa số các nhà nghỉ, khách sạn lựa chọn chăn ga gối đệm màu trắng hoặc màu nhạt, bên cạnh tác dụng tạo cảm giác sạch sẽ, vệ sinh và ấm áp, đồng thời nó cũng thúc đẩy chất lượng giấc ngủ.
2. Chăn bông màu đỏ thẫm rất dễ kích thích và khiến người ta căng thẳng. Màu đỏ có tác dụng tăng nhiệt huyết, kích thích năng lượng, tăng nhịp tim và huyết áp, thúc đẩy hành động. vì vậy được sử dụng ở đa số biển cấm. Tuy nhiên, đối với giấc ngủ, màu đỏ khiến tăng nhịp tim, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
3. Màu xanh lá là sắc màu của thiên nhiên và sự tự nhiên, mang lại cảm giác nhẹ nhàng, dịu dàng, vỗ về an ủi. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng màu xanh lá cây có thể cải thiện tốc độ đọc và hiểu của trẻ nhỏ, giảm căng thẳng, lo lắng ở trẻ.
4. Sắc cam thường không được sử dụng rộng rãi. Màu sắc ấm áp, thân thiện và trẻ trung này thực sự tuyệt vời cho trẻ em bởi nó có khả năng kích thích sự tự tin, gia tăng tính hướng ngoại và tính độc lập. Bản chất của màu cam cũng khiến bé và bạn bè của bé cảm thấy thoải mái, truyền cảm hứng và dễ dàng hợp tác với nhau.
5. Có tác dụng ngược lại với màu đỏ, màu xanh lam giúp giảm cảm giác lo lắng, hung hăng, làm giảm huyết áp và nhịp tim. Trẻ em khi rơi vào cơn giận dữ hoặc các vấn đề hành vi khác thì một căn phòng màu xanh sẽ giúp trẻ cảm thấy được xoa dịu hơn.
Ngoài màu sắc của chăn bông, màu sắc trang trí phòng ngủ cũng rất quan trọng.
Màu sắc chủ đạo của toàn bộ căn phòng quyết định tính khí của môi trường và cũng sẽ có ảnh hưởng khác nhau đối với con người.
Trong toàn bộ căn phòng, màu sắc của chăn ga gối đệm chiếm một tỷ lệ quan trọng, nhưng sàn nhà, tủ, khăn trải bàn, ánh sáng và các màu sắc khác cũng là một phần quan trọng không kém đối với việc cảm nhận thị giác của trẻ.
Tờ Daily Mail của Anh từng đưa tin rằng một căn phòng với màu xanh lam là chủ đạo sẽ mang lại cho con người cảm giác ổn định, giữ cho tâm trạng con người bình tĩnh.
Tờ Daily Mail cũng khẳng định màu xanh lam là màu thích hợp nhất cho giấc ngủ; trong khi màu xanh lá cây mang lại cho con người cảm giác ổn định và thoải mái, giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi và tăng khả năng phục hồi cơ thể. Các nhà sinh lý học cũng chỉ ra rằng màu tím có thể kích thích và thúc đẩy cơn buồn ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Ngoài ra, nếu phòng quá nhiều màu đỏ sẽ khiến mắt bị quá tải, dễ cảm thấy hoa mắt. Dùng nhiều màu hồng lại dễ gây hưng phấn, cáu gắt. Trong khi đó, phòng ngủ sử dụng nhiều màu trắng đen lâu ngày sẽ gây cảm giác chói mắt, lo lắng, cáu kỉnh, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ …
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét