Kính gửi chị Hạnh Dung,
Mấy tháng gần đây em căng thẳng không biết làm thế nào. Gia đình em vốn yên ổn, hai vợ chồng đều có công việc, hai con đang học cấp II. Chồng em làm quản lý nhà thuê, cả gia đình được chủ nhà cho ở tại chỗ làm, cũng thuận tiện lại không mất tiền thuê nhà.
Khu nhà thuê này chủ bỏ tiền ra xây, các phòng cho thuê khép kín kiểu chung cư mini, giá thuê không thấp nên người thuê chủ yếu là nhân viên văn phòng, người đi làm, trước đây còn có cả người nước ngoài.
Công việc của chồng em chủ yếu ở nhà: quản lý thủ tục cho thuê, coi sóc điện nước, máy giặt, chỗ nào hư hỏng nhẹ thì sửa, em đi làm bên ngoài. Công việc thuận tiện nên anh đưa đón con đi học, lo cho con ăn uống, em cũng đỡ lắm.
Cách đây mấy tháng, một cô gái ở tầng bốn gọi điện cho em nói chồng em có quan hệ với một người thuê nhà ở gần phòng cô ấy. Ban đầu em không tin nhưng sau đó em có mở camera khu nhà lên xem, thấy chồng em vô ra phòng đó vào giờ em đi làm.
Từ đó, em để ý thêm từ hầm để xe đến mấy chỗ khác trong nhà, thấy đúng là họ có quan hệ với nhau. Em không biết làm sao. Chồng em vốn gia trưởng, bây giờ em nói ra chắc chắn là gây gổ, lớn tiếng.
Mọi thứ em có, từ chỗ ăn ở, thu nhập gia đình, việc học hành của con… tất cả đều phụ thuộc vào việc làm, mà bây giờ vợ chồng em gây gổ nhau, ảnh hưởng đến khách thuê nhà, chủ sa thải, thì em và con em sẽ ra sao.
Em tự nhủ mình phải ráng kiên nhẫn tìm cách khác, nhưng mấy tháng rồi em thấy mình căng thẳng như đi trên mặt băng, hễ sẩy chân là rớt xuống nước. Em có nên nói thẳng mọi chuyện, rồi ra sao thì ra?
Hải Ánh (TP HCM)
Em không biết nên làm gì trong hoàn cảnh này. Ảnh minh họa
Em Hải Ánh thân mến,
Sao em phải một mình gánh hết cả gia đình trên vai rồi dò dẫm bước trên mặt băng, trong khi trách nhiệm là của cả em và chồng? Em lo lắng cho cả nhà, vậy chồng em cũng phải chia sẻ nỗi lo lắng ấy. Mình cứ chủ động “chia”, em ạ, không việc gì phải tự ôm hết vào mình. Đôi khi, mình ôm hết trách nhiệm, người ta lại thấy thảnh thơi quá, rảnh rỗi quá, “nhàn cư vi bất thiện”.
Em thử tìm một câu chuyện nào đó để bắt đầu nói chuyện với chồng, ví dụ chuyện em bị giảm lương ở chỗ làm chẳng hạn, rồi em bàn với chồng nếu thu nhập của cả gia đình bị giảm, cả nhà sẽ sống thế nào. Từ đó, có thể hỏi sang tình hình cho thuê, nếu khách thuê giảm, chủ nhà giảm lương chồng, nhà mình làm thế nào; nếu chủ sa thải chồng, cả nhà ở đâu, sinh sống thế nào…
Hãy gợi ra hết các khả năng xấu nhất. Chồng em cần nhìn thấy những nguy cơ đó, để cùng lo với vợ, để có trách nhiệm với công việc và gia đình của mình.
Bên cạnh đó, em cũng phải “khẳng định chủ quyền” của mình, cứ tiến hành một cách bình tĩnh thôi nhưng rõ ràng, minh bạch. Em có thể ghé thăm phòng của cô gái kia, hỏi chuyện xã giao, xem thử cô ta có gì cần giúp không, xem cô ta làm việc ở đâu, gia đình thế nào. Đó cũng là cơ hội để em công khai danh tính của mình, nói chuyện để cô ấy biết vợ chồng em chỉ làm thuê, quản gia cho khu nhà thôi, chồng em cũng không phải là “đại gia chủ nhà” như ai đó có thể lầm tưởng.
Điều quan trọng là cần xem mục tiêu của cô ta, và sức hấp dẫn của chồng mình đối với cô ta là gì. Nắm được mối dây ấy, thì có thể gỡ ra được em ạ. Lúc này cách êm thấm nhất là làm cho cô ta dọn đi, mối quan hệ đó chấm dứt.
Về lâu dài, mình cần có nguồn tích lũy dành dụm, cần phương án dự phòng, để khi có biến cố gì cũng không bị rơi vào cảnh “đi trên mặt băng”, rủi ro quá. Đó là kinh nghiệm xương máu phải rút ra từ chuyện này, để nhìn xa hơn em nhé. Chúc em thu xếp yên ổn, giữ gìn được gia đình nhỏ của mình.
Theo Hạnh Dung (phunuonline.com.vn)
Nguồn: Người Lao động
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét