Tôi phải làm gì để cô em dâu xấu tính này nhận ra sự sai trái của bản thân đây?
Quả thực trên đời này chẳng thể đánh giá một sự việc, một con người khi mới chỉ nhìn qua loa. Nhiều kẻ sang trọng, tỏ ra lắm tiền là vậy nhưng ẩn sâu bên trong là nhân cách tồi tệ, đáng chê trách. Em dâu tôi chính là điển hình của triết lý này.
Tôi lấy chồng đến nay cũng được 7 năm, anh là trưởng nam trong một gia đình có 4 người con. Dưới anh còn là một người em trai và 2 em gái khác. Chồng tôi và cậu em trai vì được học hành cẩn thận đến nơi đến chốn nên đã lập nghiệp trên thành phố và ổn định cuộc sống ở đây. Còn hai cô út thì lại lấy chồng ở quê, sống ngay gần nhà với bố mẹ chồng tôi.
Em dâu tôi lấy chú ba được khoảng 4 năm trở lại đây nhưng quả thật mọi người trong nhà đều không mấy ưa ả. Thứ nhất là vì cô ta từ ngày xưa đã vấp phải sự phản đối từ phía bên nhà chồng tôi. Dù gì chú ba cũng là một người đẹp trai, tài giỏi, công việc ổn định, vậy mà lại đi yêu cô nàng đanh đá, bỏ ngang Đại học và thậm chí là từng phá thai trong quá khứ.
Một lý do khác mà nàng dâu này không được lòng họ hàng vì ả ta rất lười biếng. Mỗi dịp về quê, khi tất thảy anh chị em vào bếp cùng nhau chuẩn bị cỗ thì ả cứ chây lỳ ngồi yên một chỗ lướt điện thoại. Ngay cả khi ăn xong xuôi cũng chẳng thèm đứng dậy dọn dẹp. Mọi người đều cực kỳ khó chịu nhưng thôi vì nể tình chú ba nên bỏ qua và chỉ biết tặc lưỡi.
Đến ngay bản thân tôi cũng chẳng hiểu vì sao chú ba lại có thể lấy người phụ nữ như vậy làm vợ! Thậm chí chú còn thể hiện rõ tình cảm của mình dành cho vợ, đôi lúc khiến tôi phải ghen tỵ vì chồng tôi không làm thế bao giờ. Nhưng qua một sự việc gần đây thì tôi mới hiểu, hóa ra cái gì cũng có nguyên do. “Nồi nào úp vung nấy” cấm có sai mà!
Gần đến Trung thu, cả họ nhà tôi tập trung về quê vừa để cúng rằm và cũng là để giỗ bà nội. Vì hiếm khi trong năm mới đông đủ con cháu nên bố mẹ chồng tôi đã dặn là phải chuẩn bị mọi thứ thật đầy đủ. Phận dâu trưởng, tôi hiểu mình cần làm gì để tất cả mọi người đều thấy vui trong dịp sum họp này.
Tôi đã về quê trước 1 ngày, đi chợ chuẩn bị đồ cúng kỹ càng, từ gà, xôi cho đến giò chả, giấy tiền vàng mã… Hơn nữa, tôi còn mua thêm đồ ăn thức uống dự trữ cho bố mẹ chồng, cũng như mua tặng quần áo, sách vở và cho tiền gia đình hai cô út. Dù sao hoàn cảnh của họ cũng không khá giả gì, mình ở trên thành phố điều kiện tốt hơn chút nên thể hiện bản thân cũng hào phóng, biết lo nghĩ cho các em.
Ngày hôm sau, chồng tôi và gia đình chú ba cũng về quê. Mọi người ra cổng chào đón thì ả em dâu đã tỏ vẻ mệt nhọc “Ôi cầm nhiều đồ về quê nặng mệt quá, mọi người ra đỡ giúp con với. Đây là đồ để thắp hương đó nhé, con mua toàn bánh, hoa quả xịn.”
Lát sau, ở trong bếp chỉ có tôi với mẹ chồng, tôi nghe được mẹ chồng vui vẻ phấn khởi ra mặt “Lần này con bé đó về mua được nhiều đồ dâng lên tổ tiên, cũng mừng nhỉ. Có thể sau khi sinh con, tâm tính nó cũng thay đổi ít nhiều. Chứ không còn khó ưa như xưa nưa.”
Tôi nghe vậy chỉ biết cười trừ, thôi thì thay đổi cũng là điều tốt. Ấy thế mà chỉ vài tiếng sau, suy nghĩ của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Lúc hạ lễ trên bàn thờ xuống, tôi đã lấy bánh kẹo chia làm 3 phần: cho bố mẹ chồng và cho gia đình hai cô út. Tôi còn bảo “Trên thành phố chẳng thiếu thứ gì, có thì chúng con chỉ xin ít lộc giò chả đặc sản thôi. Còn bánh kẹo hoa quả để hết ở quê cho mọi người dùng.”
Vừa dứt lời, ả em dâu đã chêm vài câu khiến cả nhà nhìn nhau ngán ngẩm: “Thế bác không tính phần của nhà em à, chả nhẽ em với chồng con chẳng được hưởng tí lộc lá gì? Bánh kẹo, hoa quả em mang về thì để lại cho nhà em, toàn đồ xịn đắt tiền. Kiwi, cherry, bánh socola của Tây… để lại mấy bánh kẹo rẻ rẻ cho bọn trẻ con dưới quê thôi. Với cả con em cũng thích ăn mấy bánh kia nên phải mang về cho nó!”
Lúc đấy tôi giận lắm nên cũng đáp trả “Khiếp ăn sao hết được hả em, có lộc thì chia cho các em dưới quê nữa chứ!”. Không ngờ chú ba cũng lại gắt lên bênh vợ “Con em nó còn nhỏ, nó thích ăn thì để phần nó. Còn mấy đứa ở quê lớn rồi ăn gì chẳng được.”
Chẳng nói chẳng rằng, tôi quyết định khỏi phân bua cho mệt. Với những người ích kỷ chỉ biết nghĩ cho bản thân như vậy không đáng để tranh luận. Quả thực tôi thấy bức xúc thay cho các em dưới quê. Các em phải dậy sớm đi chợ chuẩn bị đồ ăn, rồi về nấu, dọn rửa… Gia đình nhà kia đã chẳng phải làm gì rồi mà còn không biết điều. Hơn cả là cô chú ấy chẳng có tình thương với các cháu dưới quê thiếu thốn đủ đường. Cho chúng vài hộp bánh và hoa quả thì đã chết ai nào?
Tôi phải làm gì để răn dạy em trai chồng lẫn em dâu bỏ cái thói ngang ngược ấy đây?
Nguồn: Afamily
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét