Ngày biết tin vợ mang thai, anh Can mừng quá hét một tiếng thật to và cứ vậy ngồi cười một mình.
Về thăm gia đình anh Nguyễn Văn Can (30 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thuý (32 tuổi) ở xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá một ngày cuối tháng 8, thời tiết dù đã chớm thu song vẫn còn khá oi bức, chưa kể hơi nóng từ mái lợp fibro cũ càng khiến không khí trở nên ngột ngạt. Hai em bé Thiên An và Thiên Ý (1 tháng tuổi) được trở về nhà và nằm gọn trong vòng tay bố mẹ sau vài ngày nằm viện theo dõi hiện tượng sốt.
Cả anh Can và chị Thúy đều mang trên mình những khiếm khuyết cơ thể.
Anh Can rướn người khỏi chiếc xe lăn đưa tay vỗ về hai con để cho chúng thấy lúc nào cũng có bố mẹ ở bên rồi rơm rớm nước mắt tâm sự: “Bây giờ mình vẫn cứ nghĩ là mình đang mơ chứ không phải thật. Vậy là mình đã có con rồi, cuộc sống của chúng mình đã chính thức bước sang một trang mới”. Nhìn các con bình yên trong giấc ngủ, anh bỗng thấy bao khó khăn, nhọc nhằn của cả hai vợ chồng như tan biến.
Cả anh Can và chị Thúy đều mang trên mình những khiếm khuyết cơ thể. Trước đây đã có lúc hai anh chị từng buồn tủi, than trách số phận kém may mắn của bản thân. Tuy nhiên, nhờ được lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình, càng trưởng thành họ lại càng ý thức được việc phải nỗ lực hơn rất nhiều để không trở thành gánh nặng của người thân.
Chị Thúy trải lòng, chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm lên 10 tuổi chị không may bị viêm màng não, do di chứng của bệnh nên chị vận động rất khó khăn, tay, chân bên trái yếu, đi tập tễnh.
Cặp đôi mất 8 tháng đi lại, tìm hiểu nhau.
Về phía anh Can, anh là con cả trong gia đình nghèo, tại xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, năm lớp 10, anh đã bỏ ngang tuổi học để Nam tiến kiếm kế sinh nhai, giúp đỡ gia đình với hai em nhỏ. Nhưng không lâu sau đó, một tai nạn kinh hoàng đổ ập xuống, anh bị cẩu bê tông rơi thẳng vào lưng. Tỉnh dậy sau cơn mê, anh đau đớn khi biết mình chấn thương cột sống, liệt tủy, vĩnh viễn mất cảm giác với đôi chân khỏe mạnh, buộc phải ngồi xe lăn suốt đời. Anh cũng mất hoàn toàn khả năng về sinh dục và bài tiết.
Năm 2017, trong một buổi sinh hoạt câu lạc bộ người khuyết tật ở Thanh Hóa, chị Thúy đã quen được anh Can, ban đầu chỉ là những lời hỏi thăm xoay quanh cuộc sống hiện tại, dần dần chính những câu chuyện tưởng không đầu không cuối nhưng lại làm cả hai vui đến lạ. Và rồi mưa dầm thấm lâu, thấy anh hiền lành dễ mến con tim chị Thúy xao xuyến rung động lúc nào không hay.
Theo lời chị Thúy, cả hai mất 8 tháng đi lại, tìm hiểu nhau. Bất chấp những “khiếm khuyết” trên cơ thể, gạt bỏ những lo toan về một tương lai còn đầy khó khăn, họ quyết định dọn về chung một nhà vào cuối năm 2017. Ngày tháng trôi qua, hai anh chị động viên nhau khỏe mạnh và chăm chỉ đi bán vé số, thẻ cào, với thu nhập ít ỏi họ nương vào nhau sống một cuộc đời an yên.
Anh Can những tưởng chẳng thế có con do mất hoàn toàn khả năng về sinh dục và bài tiết.
Thế nhưng, sau những ngày dài về chung một mái nhà, họ bắt đầu mong mỏi có được một mụn con để sớm tối vui vầy không khí gia đình. “Mình ước ao được thực hiện thiên chức của bà mẹ, hai vợ chồng cũng muốn có đứa nối dõi tông đường, làm chỗ nương tựa tuổi già bóng xế” – chị Thúy bộc bạch.
Bản năng làm mẹ luôn trỗi dậy trong tâm trí chị Thúy. Dù còn rất nhiều khó khăn về sức khỏe, thiếu thốn về kinh tế nhưng anh chị vẫn luôn hy vọng sẽ có thể có được con nhờ kỹ thuật hiện đại. Từ suy nghĩ ấy, anh Can chị Thúy bước vào hành trình săn con bằng làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Song nhờ y học hiện đại, anh chị đã đón được 2 bé gái song sinh lành lặn về với bố mẹ.
Giữa năm 2018, với số tiền hai vợ chồng dành dụm được chút ít, cùng với phần cho vay của một người bạn, anh chị khăn gói lên Hà Nội để thăm khám. Tại bệnh viện, qua thăm khám sàng lọc và kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy cả hai vợ chồng đều đảm bảo sức khỏe để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.
Nhớ lại thời điểm được bác sĩ thông báo kết quả khám trước IVF, anh xúc động nói: “Lúc đó mình chỉ muốn hét lên thật to, vì sung sướng, vì hạnh phúc, vì vẫn còn cơ hội để làm cha. Mình đã từng nghĩ cơ thể tàn tật, lấy vợ về nhưng không thể chuyện chăn gối thì sẽ chẳng thể có con. Vậy mà y học hiện đại lại có thể giúp mình thụ tinh và có con thì không còn gì diễn tả được nữa”.
Chị Thúy được các bác sĩ tại bệnh viện kích và chọc hút noãn.
Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ (Hà Nội), ThS, BS Hà Ngọc Mạnh cùng đội ngũ y, bác sĩ ở đây đã trực tiếp kiểm tra và lên phác đồ điều trị. Anh Can được làm vi phẫu mổ tinh hoàn bằng kỹ thuật Micro-TESE hiện đại nhất để tìm “con giống”.
Bác sĩ Mạnh cho biết: “Micro-TESE là một kỹ thuật hiện đại mới được triển khai gần đây. Kỹ thuật giúp lấy tinh trùng từ đường ống dẫn tinh rất nhỏ, chỉ bằng đầu sợi tóc, đòi hỏi kỹ thuật viên phải rất thành thạo. Bệnh nhân Can cũng ít tinh trùng nên mọi kỹ thuật làm phải rất thận trọng để giữ được từng con giống”.
Kết quả ngoài sức tưởng tượng, ngay lần đầu mổ vi phẫu bác sĩ đã tìm được tinh trùng khỏe, chất lượng để làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho vợ chồng anh chị. Khoảng nửa năm sau đó, anh Can đưa vợ đi kích trứng để trữ trứng. Và phải chờ thêm một thời gian, khi dành dụm thêm được ít tiền, hai vợ chồng mới quyết định đi chuyển phôi.
Nhắc lại ngày hai vợ chồng lặn lội từ quê ra Hà Nội chuyển phôi, chị Thúy không giấu được cảm xúc: “Hôm ấy, cả hai vợ chồng đều có tâm trạng rất hoang mang. Nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ khuyết tật chuyển phôi 4-5 lần chưa được. Không biết mình có may mắn thành công ngay lần đầu không vì nếu không, chắc vợ chồng mình không có đủ tiền để đi làm IVF lần thứ 2”.
Ngày chị Thúy đi sinh, cả gia đình gần như nín thở chờ đợi.
14 ngày sau chuyển phôi, chị Thúy chủ động một mình đi xét nghiệm beta HCG, anh Can ngồi nhà ôm khư khư điện thoại. Khi nhận được tin nhắn: “Vợ có bầu rồi”, anh mừng quá hét một tiếng thật to và cứ vậy ngồi cười một mình. Cả ngày đi ra đi vào mà không biết để làm gì. Hạnh phúc đến quá bất ngờ, tựa như một phép màu với người đàn ông đã bị liệt như anh.
Chị Thúy chịu rất nhiều thiệt thòi khi sức khỏe không lành lặn nhưng người mẹ ấy lại thật sự may mắn khi thai kỳ trôi qua khá thuận lợi, chị chỉ bị ốm nghén chút ít, vẫn ăn uống đều đặn. Chỉ có điều, do bầu đôi nên bước sang tam cá nguyệt thứ hai, thai dần to lên cơ thể chị bắt đầu đau nhức, bản thân lại kém vận động nên mọi sinh hoạt của chị gặp đôi chút khó khăn.
Vì có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp nên những tuần cuối của thai kỳ, chị Thúy đứng ngồi không yên, thường xuyên đi bệnh viện kiểm tra. Nhận định đây là một trường hợp đặc biệt và có nhiều nguy cơ nên bác sĩ theo dõi thai kỳ cho chị đã tư vấn các phương án đem lại hiệu quả tốt nhất cho cả mẹ và bé.
Đến tuần 35, chị Thúy sinh non hai thiên thần Thiên An và Thiên Ý (cân nặng 2kg). Nhìn hai em bé lọt lòng lành lặn, cả nhà rơi nước mắt vì hạnh phúc. Sau sinh hai con được chuyển tới khoa chăm sóc sơ sinh và nằm lồng kính chín ngày. Lúc mới sinh, chị Thúy được nhà ngoại đón về chăm sóc. Giữa tháng 8, khi hai đứa trẻ sinh đôi được hơn một tháng, anh Can mới đón vợ, con về.
Để rồi cả nhà vỡ òa trong hạnh phúc khi nhìn thấy các con cất tiếng khóc chào đời.
Ngày 28/8 là tròn 2 tháng ngày các con chào đời, từ ông bố bà mẹ còn lóng ngóng bồng bế, pha sữa cho con, giờ đây việc chăm sóc trẻ nhỏ với anh Can, chị Thúy đã trở nên thành thục và khá chuyên nghiệp. Sự có mặt của hai đứa con nơi gia đình này đã khiến cuộc sống của anh chị thêm tươi sắc – một gia đình luôn tràn ngập tiếng cười của niềm vui và niềm hạnh phúc.
Vẫn biết chặng đường phía trước còn rất dài với vô vàn khó khăn, lo toan cho cuộc sống nhưng nhìn ánh mắt hạnh phúc của đôi vợ chồng khuyết tật, ai nấy đều cảm vô cùng xúc động.
Xem thêm chủ đề Câu chuyện mang thai
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét