Cậu bé Kevin cao hơn mẹ gần 20cm và là một chàng trai rất ga lăng với mẹ.
Nhiều bà mẹ vì giữ được sắc vóc trẻ trung nên khi cùng con trai đang tuổi dậy thì đi ra ngoài sẽ rơi vào tình huống dở khóc dở cười vì bị nhầm là… bạn gái của con. Câu chuyện của bà mẹ xinh đẹp Hồng Ngọc (36 tuổi) và cậu con trai cao lớn chững chạc Kevin (14 tuổi), hiện đang sống tại California, Mỹ là một trong số đó.
Điều đặc biệt là không chỉ cao hơn mẹ gần 20cm mà Kevin còn rất biết cách chăm sóc mẹ, là một chàng trai bản lĩnh nhưng cũng rất tình cảm. Ngoài ra, Kevin yêu thích đọc sách, tập luyện thể thao, biết chơi guitar, piano, nấu nướng giỏi, tháo vát với các thiết bị trong nhà… Trong lễ tốt nghiệp tiểu học, Kevin còn được tuyên dương trong số những học sinh giỏi nhất trường, được huy hiệu của Tổng thống Donald Trump trao tặng.
Kevin thực sự là một chỗ dựa vững chắc cho chị Ngọc. Nhưng để có được ngày hôm nay, bà mẹ U40 cũng đã từng trải qua không ít gian nan, vất vả trên hành trình nuôi dạy con. Từ khi con sinh ra, chị đã hoạch định rõ ràng con đường mà hai mẹ con sẽ cùng nhau đi, dạy con kết hợp giữa hiện đại và truyền thống để con vừa có thể hòa nhập tốt môi trường nước Mỹ, vừa vẫn giữ được bản sắc người Việt.
Hai mẹ con chị Hồng Ngọc và cậu bé Kevin khiến không ít người lầm tưởng là chị em gái hoặc cặp đôi.
Kevin được tuyên dương và nhận huy hiệu Tổng thống trao tặng trong Lễ tốt nghiệp tiểu học.
Cuộc trò chuyện với chị Hồng Ngọc và nhìn lại những bí quyết đồng hành cùng con chắc chắn sẽ tiết lộ rất nhiều điều thú vị:
Chào chị! Hai mẹ con chị đã sang Mỹ lâu chưa? Cuộc sống hiện tại của chị ở xứ cờ hoa như thế nào?
Mình cùng Kevin sang Mỹ tính đến nay là hơn 5 năm và đến tháng 9/2019, hai mẹ con đã có quốc tịch Mỹ. Khi đó Kevin 9 tuổi, đang học lớp 3.
Cuộc sống bên Mỹ khá giản dị và nhẹ nhàng. Ngày trong tuần cả gia đình sẽ đi học, đi làm. Tối về quây quần bên nhau chia sẻ mọi điều trong ngày. Cuối tuần vào những ngày xuân, hè, thu ấm áp sẽ là những hoạt động ngoài trời. Đi dã ngoại, đạp xe, leo núi, cắm trại, đi biển. Những ngày mùa đông trời mưa lạnh thì gia đình mình sẽ đi trung tâm thương mại shopping hoặc đi xem phim. Những kỳ nghỉ Đông, cả nhà sẽ đi trượt tuyết.
Nước Mỹ rất rộng lớn và bang California nơi mình sống có rất nhiều cảnh đẹp như những công viên tự nhiên lớn, nhiều bờ biển… Ý thức người dân bảo vệ môi trường và tự nhiên rất cao. Động vật hoang dã sống tự nhiên không hề bị săn bắt. Khi đi biển có thể nhìn thấy đàn cá heo bơi gần bờ hay đàn hải cẩu nằm phơi nắng, trong công viên hay trong vườn nhà dễ bắt gặp lũ sóc chạy quanh hay lũ chim bay lượn hót líu lo, cũng không hiếm lần gặp gia đình hươu nai ở khoảng cách rất gần…
Không những biết chơi guitar, Kevin còn thành thạo piano.
Hồi đầu Kevin sang Mỹ, cậu bé có mất nhiều thời gian để hòa nhập với môi trường ở đây không?
Khi mới bắt đầu sang Mỹ, cả 2 mẹ con đều có rất nhiều bỡ ngỡ và phải học hỏi. Năm đầu sang, mình ở nhà hoàn toàn để giúp con thích nghi và chăm lo cho con. Ở bên này các bà mẹ Mỹ thường phải tự chăm con mà rất ít nhận được giúp đỡ từ ông bà hay có khả năng thuê vú em. Mình không đi làm nên có nhiều thời gian chăm sóc con hơn.
Với Kevin, ngay từ khi còn nhỏ, mình đã xác định sau này con sẽ đi học nước ngoài nên được làm quen với tiếng Anh rất sớm. Ngay từ khi con tập nói, mình đã cho con tập phản xạ tiếng Anh từ những băng đĩa hay những câu giao tiếp thông thường giữa 2 mẹ con. Khi biết nói, con đã có thể cùng nói được 2 thứ tiếng. Con cũng hoàn toàn học trường mẫu giáo và cấp 1 công chứ không phải trường tư hay quốc tế. Đến năm con học lớp 1, mình mới cho con đi học thêm tiếng Anh cuối tuần. Mình muốn con học tốt tiếng Việt trước để khi sang nước ngoài, con vẫn thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ.
Chuẩn bị tiếng Anh sớm như vậy nên những ngày đầu sang Mỹ đi học, dù bỡ ngỡ với môi trường nhưng Kevin không ngại nói và giao tiếp. Phản xạ nghe nói và tiếp thu rất tốt. Sau nửa học kỳ đầu năm lớp 4, con chuyển sang 1 lớp khác theo trình độ học cao hơn với các bạn cùng trang lứa.
Ở bên Mỹ, họ xếp lớp theo trình độ học của học sinh. Nếu bé ở độ tuổi học lớp 3 mà có khả năng trình độ của lớp 4, trường sẽ đưa bé lên lớp trên. Học sinh sẽ được xếp lớp cùng trình độ hiểu biết, bạn nào chậm sẽ vào lớp mà các cô sẽ cho bài đơn giản, giảng kỹ và chậm hơn. Những bạn giỏi sẽ vào các lớp có những bài khó, kích thích khả năng khám phá của các con.
Ngoài lớp học được phân chia theo khả năng học tập, chị còn thấy môi trường giáo dục Mỹ có những điểm gì khác biệt với Việt Nam?
Mình rất ngạc nhiên và ngưỡng mộ môi trường giáo dục Mỹ. Học sinh đi học không phải đóng bất cứ phí gì ngoài phí ăn trưa (rất rẻ). Nếu không muốn con ăn trưa ở trường thì có thể cho con mang đồ ăn đi, hoặc nếu là hộ nghèo có thể xin miễn phí ăn trưa. Con đi học chỉ cần mua cặp sách, vài quyển vở và bút. Sách và tài liệu học được nhà trường phát hết. Trường cũng có thư viện. Giờ cần học công nghệ, học sinh còn được dùng iPad hay máy tính của Apple riêng.
Học sinh bên này ý thức tự giác học tập rất cao. Ngay từ tiểu học họ đã dạy cho học sinh cách tự tin khi tự viết các bài văn nhỏ và đứng lên nói trước cả lớp.
Trong những bức ảnh chị chụp cùng con trai có thể thấy Kevin cao lớn vượt bậc. Không biết chiều cao của con là bao nhiêu và bí quyết nuôi con cao của chị là gì?
Kevin hiện giờ 14 tuổi, cao khoảng 1m68. Nếu ở Việt Nam, con sẽ có chiều cao nổi trội nhưng sang bên này so với bạn bè cùng trang lứa thì cũng chỉ ở mức trung bình thôi. Chiều cao của mình cũng khá khiêm tốn nên đứng bên cạnh con có sự chênh lệch rõ ràng, khoảng gần 20cm, giờ muốn thơm con còn phải… kiễng chân lên.
Từ nhỏ, Kevin đã bụ bẫm sẵn vì cách nuôi dạy của bà ngoại ở Việt Nam là phải cho cháu ăn thật nhiều, lúc nào cũng sợ cháu gầy. Nhưng bí quyết giúp Kevin cao chắc là do có thói quen uống sữa cũng như thường xuyên vận động thể thao. Đến bây giờ, con trai mình vẫn luôn giữ thói quen ngày uống 2 ly sữa (ít béo), sáng 1 ly, tối trước khi đi ngủ 1 ly. Con đang trong kế hoạch tập luyện để không tăng thêm cân nặng chỉ tăng chiều cao. Ngoài ra, con cũng chơi rất nhiều môn thể thao như: Tennis, trượt tuyết, bơi lội, bóng rổ, võ.
Kevin thường xuyên vận động thể thao, uống sữa mỗi ngày.
Có con trai lớn như vậy mà mẹ vẫn trẻ trung, mỗi khi ra ngoài cùng con chị có thường gặp phải những tình huống đáng nhớ nào không?
Vì nhỏ con nên mình may mắn nhìn trẻ hơn tuổi thực. Thêm nữa người châu Á ở bên này so với người Mỹ thì trông lại càng trẻ hơn. Chính vì vậy mà 2 mẹ con đi với nhau chuyện hiểu nhầm là chị em thường xuyên gặp phải. Thậm chí giờ con cao lớn vậy mẹ còn bị nhầm là bạn gái.
Mình cũng gặp nhiều chuyện buồn cười lắm. Vì ở Mỹ, lối sống và suy nghĩ của họ rất cởi mở. Nếu tình cờ gặp một ai đó mà họ nhìn có cảm tình, họ sẽ không ngại tiến tới làm quen, xin số điện thoại ngay.
Có lần cả nhà đang đi trung tâm thương mại nhưng do mình mải shopping nhiều thứ nên cả nhà chia nhau ra đi. Kevin thường đi cùng mẹ để giúp mẹ xách đồ. Khi đứng xếp hàng mua đồ uống, cậu trai trẻ kế bên hỏi con trai chị: “Chị gái cậu à, cho tôi xin số điện thoại cô ấy được không?”. Con trai mình cười nói: “Không, cô ấy là mẹ tôi”. Thế nhưng anh chàng kia vẫn không tha: “Mẹ cậu trẻ và đẹp thật, nếu cô ấy còn độc thân thì cho tôi số điện thoại đi!”. Khi Kevin nói “Không, ba tôi ở đằng kia kìa”, cậu trai kia mới chịu từ bỏ.
Dù ở độ tuổi U40 mà chị vẫn giữ được gương mặt như thiếu nữ và vóc dáng rất gợi cảm. Bí quyết lưu giữ thanh xuân của chị là gì?
Mình làm đẹp đơn giản lắm, không trang điểm nhiều. Mình chăm chỉ dùng kem chống nắng mỗi ngày, ngoài những lúc đi tiệc hay có việc mới dùng đến phấn nền hay kem nền. Buổi tối, mình tẩy trang kỹ, dưỡng da rồi mới đi ngủ.
Nhan sắc trẻ trung như thiếu nữ của bà mẹ U40.
Mình thích cách trang điểm cũng như ăn mặc tự nhiên nhưng mềm mại nữ tính và theo đuổi phong cách “feminine and elegant” (nữ tính và thanh lịch). Mình thích là một quý cô thanh lịch từ vẻ đẹp bên ngoài cũng như nội tâm bên trong. Vậy nên mình luôn cố gắng học hỏi mỗi ngày từ cách nói chuyện, giao tiếp… Mình quan niệm “cái đẹp rồi cũng sẽ phai, nhưng cái duyên thì còn mãi”, một người phụ nữ duyên dáng sẽ để lại ấn tượng nhiều hơn người phụ nữ đẹp.
Chế độ ăn uống của mình cũng đơn giản, chia ra các bữa ăn nhỏ mà không ăn quá no. Mình thích ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ít ăn tinh bột và không bao giờ đi nằm ngay sau mỗi bữa ăn. Gia đình mình cũng không ăn gạo trắng mà chuyển qua ăn gạo nâu vì nhiều chất xơ, bớt lượng đường. Mình tập thể dục bằng cách đi bộ nhẹ, đi cùng cô chó nhà mình hoặc rủ con đi cùng để hai mẹ con có thêm thời gian tâm sự. Vì mình bị nhiều bệnh vặt nên không vận động nặng được.
Có con trai tuổi dậy thì, chị dạy con như thế nào để con độc lập, mạnh mẽ và không bị dựa dẫm vào mẹ?
Nếu muốn con trưởng thành độc lập thì từ nhỏ phải dạy con tự lập chứ không phải hiện tại mới dạy được. Bởi vậy mà mình dạy con cứng rắn khi mới lên 2 lên 3. Con chạy chơi té ngã, tự đứng dậy. Con tò mò muốn thử nghiệm, nếu đau sẽ biết cách tự tránh. Tất nhiên mọi thứ vẫn ở trong tầm kiểm soát của người lớn.
Kevin từ nhỏ rất ga lăng với mẹ, vì mình tập và huấn luyện cho con theo suy nghĩ con trai là phái mạnh. Phái mạnh sẽ yêu thương, dịu dàng và chăm sóc phụ nữ. Nên từ 3 tuổi trở đi, con đã biết mở cửa cho mẹ vào trước. Khi 2 mẹ con đi siêu thị mua đồ, mình sẽ đưa một túi nhỏ phù hợp sức con cho con xách phụ giùm. Đến khi con học lớp 1 là mình đã rèn cho con tự dậy theo chuông báo thức, đánh răng rửa mặt, tự thay đồ để bác đưa đi ăn sáng và đi học…
Từ những chuyện nhỏ và thói quen hàng ngày, con học được cách chu đáo, chăm sóc mẹ cùng những người xung quanh. Còn điều đặc biệt là mình thích chụp hình, nên mình dạy bé từ nhỏ. 3 tuổi rưỡi con đã biết cầm điện thoại chụp cho mẹ, 6 tuổi biết cầm máy chuyên nghiệp chụp rồi.
Bao nhiêu năm trôi qua, chỉ có con lớn lên mà nhan sắc của mẹ vẫn như thời con gái.
Nhưng đến tuổi dậy thì, khi con có những thay đổi về tâm sinh lý, chị làm cách nào để vẫn giữ được sự kết nối với con?
Quả thật khi còn nhỏ, Kevin rất gần gũi và tình cảm với mẹ, nghe lời mẹ. Nhưng bắt đầu từ 12 tuổi trở đi, con có nhiều chính kiến hơn, có khoảng thời gian rất bướng và không kiềm chế được cảm xúc như giận mẹ, hay buồn bực. Lúc đó, mình phải hạ bớt cái tôi của người mẹ xuống mà chịu khó gần gũi để tìm hiểu nguyên do, cùng con vượt qua. Như có lần trót mắng con vì con mắc lỗi ở trường, mình thẳng thắn xin lỗi con vì sự nóng giận và giải thích cho con nghe về cảm xúc của mẹ.
Khi con đến tuổi dậy thì, mình để con tự quyết định nhiều thứ, chỉ đưa ra góp ý và sự lựa chọn. Ví dụ như mình cho con học đàn piano từ lúc 5 tuổi ở Việt Nam. Khi sang đây, 1 năm đầu vì tập trung vào học ở trường nên con không đi học đàn tiếp được. Nhưng sau 1 năm khi thấy con không còn hứng thú nữa, mình đã nói chuyện và cho con đưa ra lựa chọn có tiếp tục theo đuổi piano hay không. Mình không muốn ép buộc con theo ý mình.
Mình rất cởi mở với con, trêu đùa và nói chuyện thân mật mỗi ngày. Đôi lúc để làm thân với con, mình còn phải xem bộ phim con thích, tìm hiểu về game con chơi để có thể nói chuyện với con dễ hơn. Bởi khi con thấy mình quan tâm đến cái con thích, con sẽ không ngại chia sẻ với mình nhiều điều khác, con cảm thấy đồng cảm với mẹ hơn.
Bây giờ con rất tự lập, sáng dậy tự ăn sáng đi học. Hôm nào mình bận đi làm về trễ không đón được, con sẽ tự về. Đến năm 13 tuổi, con đã tự biết nấu các món đơn giản. Mỗi khi mẹ mệt không vào bếp, con sẽ nấu cho mẹ ăn. Càng lớn con trai càng tỏ rõ sự mạnh mẽ và biết chăm sóc quan tâm mẹ. Từ khi nhỏ xíu đã ga lăng, lớn lên lại càng ga lăng hơn.
Với mình, cậu bé Kevin sinh ra vào ngày Valentine năm 2006 đến nay đã là một chàng trai trưởng thành nhưng tình yêu mình dành cho con chưa bao giờ thay đổi. Mình vẫn mãi nghiện con, cuồng con dù biết sẽ có ngày con bước xa khỏi vòng tay của mẹ để nói yêu người con gái khác. Nhưng con vẫn luôn là nguồn cảm hứng và là sức mạnh của mình, đó là điều không gì có thể chối cãi được.
Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện rất thú vị!
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét