Cặp vợ chồng quyết định giữ mạng sống của con, đặt cược với số phận.
Nhiều bố mẹ phải đau lòng quyết định chấm dứt thai kỳ vì siêu âm thấy những vấn đề dị tật hay bệnh nan y ở con. Nhưng vợ chồng chị Lenai và anh Matt Schier (sống tại Darwin, Australia) thì lại khác. Dù ở mốc 20 tuần thai, nhận tin sét đánh về việc con gái có khối u gấp 1,5 lần cơ thể, họ vẫn quyết định nghe theo trái tim và đặt cược vào số phận để giữ con lại.
May mắn là cuối cùng, trải qua nhiều gian nan, cặp vợ chồng này cũng giữ được mạng sống cho đứa con thứ 2 của mình. Em bé được phẫu thuật thành công và có cơ thể lành lặn như bao người khác.
Siêu âm thai phát hiện bất thường vẫn đánh cược để giữ con
Vợ chồng chị Lenai đã rất háo hức khi biết tin mang thai lần nữa. Nhưng niềm vui tận hưởng chưa được bao lâu thì đến tuần thứ 18, họ lại phải trải qua đau đớn khi nghe bác sĩ thông báo thai nhi có một khối u.
Vào tháng 5/2019, Lenai và Matt được thông báo chắc chắn rằng thai nhi bị u quái xương cùng – một khối u dị tật bẩm sinh hiếm gặp nằm ở đáy xương cụt. Đây là một khối u lớn phát triển từ xương cụt của em bé. Dù ban đầu các bác sĩ không thể chắc chắn khối u là gì và nói với vợ chồng chị Lenai rằng đó có thể là tật nứt đốt sống.
“Bác sĩ nói với chúng tôi đừng lên mạng tìm kiếm bất kỳ thông tin gì về khối u. Tuy nhiên vợ chồng tôi lại không nghe theo. Bởi bác sĩ nói về vài thứ liên quan đến nó nhưng tôi không nhớ hết được. Tôi chỉ bị mắc kẹt với từ “u quái xương cùng”.
Em bé Zalya khi chào đời với khối u nặng gấp 1,5 lần cơ thể.
Em phải nằm trong phòng chăm sóc trẻ sơ sinh đặc biệt.
Trong 2 ngày sau đó, tất cả những gì tôi có thể suy nghĩ là chất vấn chính mình xem điều gì thực sự đã xảy ra. Có phải do tôi không uống vitamin bà bầu đầy đủ mỗi ngày hay ăn uống không đủ lành mạnh không? Tôi đã sợ hãi em bé sinh ra không thể đi được hay phải chịu rất nhiều đau đớn”, Lenai kể lại cảm xúc của mình.
Lenai bắt đầu tìm kiếm thông tin về tình trạng bệnh vì thông tin cô nhận được từ bác sĩ cảm giác như chưa đủ. Các kết quả siêu âm tiếp theo xác định rằng em bé của Lenai có một khối u loại II, chủ yếu là nằm bên ngoài, chỉ có phần nhỏ nằm trong cơ thể. Tuy nhiên, khối u này đã rất lớn trong 20 tuần, to gấp rưỡi cơ thể em bé.
Các bác sĩ cảnh báo rất nhiều nguy cơ em bé sẽ bị thai lưu hoặc không sống sót nổi khi sinh ra và khuyên gia đình nên nghĩ đến việc chấm dứt thai kỳ. Tuy nhiên kết quả chụp MRI cho thấy khối u không ảnh hưởng đến bất cứ cơ quan nào của thai nhi nên vợ chồng chị Lenai đã quyết định tiếp tục giữ con cho đến ngày sinh.
Từ đó, Lenai phải đi siêu âm hai lần một tuần để theo dõi chặt chẽ nhất. Đến tuần thai 26, thai nhi bị thiếu máu do tim không thể xử lý lưu lượng máu đến khối u. Chị được chuyển đến các chuyên gia ở Adelaide để được theo dõi chặt chẽ hơn với 3 lần siêu âm/tuần.
Lenai bộc bạch, cô cảm thấy có quá ít thông tin về tình trạng bệnh và chán nản về những chẩn đoán của bác sĩ đưa ra. Vì ngay cả những bác sĩ siêu âm cũng không biết nhiều về khối u. Và khi tự nghiên cứu, Lenai có thể tìm ra tất cả những điều cơ bản mà bác sĩ đã thông báo với mình. Điều giúp cô nhiều nhất là kết nối được với những bà mẹ khác đang mang thai hoặc đã sinh con với khối u quái xương cùng.
Ở tuần thứ 28, khi đang nằm viện, nước ối của Lenai vỡ. Em bé Zalya chào đời vào ngày 8/7/2019, nặng 992gram với khối u nặng 1,47kg trên cơ thể.
Ca phẫu thuật nguy hiểm, đối mặt với tử thần
Lenai đã phải đợi 10 ngày mới có thể ôm con gái mình vào lòng vì trước đó Zalya phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh.
Cặp vợ chồng trong lần đầu tiên được ôm con.
“Lần đầu tiên được ôm con, tôi chỉ nhớ mình đã khóc. Cả hai vợ chồng tôi đều vậy. Tôi bị sốc vì trông con nhỏ quá và khối u còn lớn hơn con. Trước đấy dù nhìn thấy khối u trên bản chụp, tôi vẫn không hình dung được là nó lớn như thế. Tôi hạnh phúc vì được gặp con, nhưng cũng vô cùng sợ hãi vì biết con sẽ phải trả qua ca phẫu thuật đầy nguy hiểm. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho mọi chuyện suôn sẻ, chúng tôi sẽ được nhìn thấy con mình còn sống”, Lena kể lại.
Zalya bé nhỏ sau đó phải trải qua cuộc phẫu thuật trong vòng 6 giờ để loại bỏ khối u. Cô bé phải truyền máu 5 lần, nhiều lần rơi vào lưỡi hái tử thần nhưng rồi lại được hồi sinh mạnh mẽ. Cô bé được cắt bỏ xương cụt để ngăn chặn nguy cơ khối u quay trở lại và sẽ liên tục được theo dõi bằng các xét nghiệm máu thường xuyên để đảm bảo khối u không tái phát. Nguy cơ này vẫn còn cao cho đến khi Zalya được 5 tuổi.
Sau 57 ngày nằm viện, 2 mẹ con được xuất viện. Và sau 5 tháng tiếp theo, khi hoàn tất các quá trình thăm khám, theo dõi tại Adelaide, hai mẹ con mới có thể về nhà ở Darwin.
Zalya hiện tại đang có sức khỏe ổn định, tận hưởng những ngày hạnh phúc bên bố mẹ và anh trai.
May mắn thay, khối u của Zalya lành tính nên gần như không có bất kỳ tổn thương lâu dài nào đối với các bộ phận trong cơ thể. Zalya hiện đang có tình trạng sức khỏe ổn định, lớn lên khỏe mạnh. Dù chưa thể đi hay bò nhưng Zalya không gặp khó khăn gì khi trườn khắp nhà để đuổi theo anh trai.
Leina chia sẻ, cô muốn con là một đứa trẻ hạnh phúc và khỏe mạnh, khi lớn lên con sẽ có thể kể lại câu chuyện của mình với những người khác. Cô từng bị trầm cảm vì trải qua giai đoạn khó khăn. Nhưng may mắn nhận được sự giúp đỡ từ những người mẹ có con bị u quái xương cụt trước đó nên Leina hi vọng qua câu chuyện của mình có thể kết nối với những người đang trải qua chuyện tương tự để truyền động lực cho họ.
U quái là gì? U quái (teratoma) hay còn gọi là u tế bào mầm (germ cell tumor), là một khối u bao gồm nhiều loại tế bào xuất phát từ một hoặc nhiều trong 3 lá mầm của phôi thai. Thuật ngữ Teratoma xuất phát từ tiếng Hy Lạp “teras” có nghĩa là quái vật. Mặc dù cái tên nghe đáng sợ nhưng 98% u quái thường là u lành tín, có nghĩa chúng không phải là ung thư. U quái trưởng thành lành tính chứa nhiều loại mô khác nhau như tóc, cơ, răng hoặc xương…. U quái thường hình thành ở buồng trứng, tinh hoàn hoặc xương đuôi và ít gặp hơn ở các khu vực khác trên cơ thể. U quái phát triển từ xương cụt là loại u phổ biến nhất được tìm thấy ở em bé sơ sinh và trẻ đa, mặc dù chúng vẫn rất hiếm, xảy ra với khoảng một trong số 35-40.000 em bé vừa sinh ra hoặc trẻ sơ sinh. Các triệu chứng của u quái có thể bao gồm táo bón, khó đi tiểu, đau bụng, sưng và yếu chân. Mặc dù không phải ung thư nhưng các khối u lành tính lớn có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng nếu chúng chiếm không gian bên trong cơ thể và đè bẹp các cơ quan và mạch máu quan trọng. Hầu hết các khối u quái có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật khi chúng được phát hiện. Những người có khối u nhỏ hơn có thể không được chẩn đoán cho đến khi trưởng thành. |
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét