Tôi có đọc các nghiên cứu cho thấy hoạt động gắng sức, bao gồm “chuyện ấy” có liên quan đến nhồi máu cơ tim tái phát, ở những người mà tổn thương trong tim không lành hẳn.
Bạn đọc Trần B.P. (55 tuổi, quận 10, TP HCM), hỏi: Tôi có bị nhồi máu cơ tim cách đây 1 năm, nhưng phát hiện và được cấp cứu sớm nên hồi phục rất nhanh. Nay tôi cảm thấy mình khỏe mạnh, đã tập thể dục trở lại. Nhưng vợ tôi vẫn không dám “gần gũi”, vì sợ chuyện ấy sẽ làm nhịp tim tăng nhanh, dẫn đến nhồi máu cơ tim tái phát. Xin cho hỏi từng bị nhồi máu cơ tim thì bao giờ lành hẳn và có thể quan hệ lại an toàn?
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trả lời:
Chào anh, anh đã từng bị nhồi máu cơ tim cấp. Đó là tình trạng một vùng cơ tim bị tổn thương hoại tử do nhánh động mạch vành nuôi vùng cơ tim đó bị tắc do huyết khối hoặc mảng xơ vữa. Nhờ cấp cứu kịp thời anh đã hồi phục, tuy nhiên nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim do thuyên tắc nhánh động mạch vành cũ hoặc nhánh khác vẫn có thể xảy ra; và sau nhồi máu cơ tim, một vùng cơ tim bị tổn thương hoại tử làm ảnh hưởng giảm chức năng co bóp của cơ tim.
Vì vậy, người từng bị nhồi máu cơ tim luôn cần phải đề phòng sự tái phát, đừng bao giờ nghĩ rằng trái tim mình đã “lành” hẳn khi cảm thấy khỏe hơn. Sự chủ quan rất nguy hiểm.
Quan hệ tình dục là một hoạt động gắng sức, có thể là yếu tố nguy cơ thúc đẩy nhồi máu cơ tim tái phát hoặc cơn suy tim. Nhưng không có nghĩa là cứ nhồi máu cơ tim là “kiêng khem” hoàn toàn. Và nên hiểu hoạt động tình dục không chỉ là giao hợp.
Anh nên đi khám chuyên khoa tim mạch. Khi anh trình bày nguyện vọng về quan hệ vợ chồng, bác sĩ sẽ tư vấn cho anh cách quan hệ tình dục an toàn KiTOMI (nghiên cứu của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch Canada), dựa trên kết quả thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng, tức xếp anh vào 1 trong 3 nhóm:
– Nhóm 1 – nguy cơ cao: bao gồm những người có bệnh lý tim mạch không ổn định, bị suy tim mức độ NYHA III trở lên với những biểu hiện khó thở, đau ngực dù không gắng sức hoặc gắng sức nhẹ. Người bệnh thuộc nhóm này có thể áp dụng đến mức độ KiT, tức sinh hoạt tình dục chỉ gồm việc hôn (Ki – Kissing) và vuốt ve (T – Touching).
Nhóm 2 – nguy cơ trung bình: gồm những người bị bệnh tim mức độ NYHA II, có những triệu chứng đau ngực, khó thở khi có những hoạt động gắng sức vừa phải như đi lên một, hai tầng lầu. Người bệnh thuộc nhóm này nên áp dụng KiTOM, nghĩa là được phép thực hiện các hoạt động ở mức KiT cộng thêm quan hệ bằng miệng (O – Oral sex), thủ dâm (M – Masturbation).
– Nhóm 3 – nguy cơ thấp: gồm những bệnh nhân suy tim mức độ NYHA I, có những cơn đau ngực ổn định hoặc khi gắng sức nhiều, người bệnh cao huyết áp nhưng đã được kiểm soát. Người bệnh thuộc nhóm nguy cơ thấp có thể thực hiện KiTOMI đầy đủ, bao gồm cả việc giao hợp (I – Intercourse).
Nên nhớ, cho dù thuộc nhóm 3, anh cũng cần thường xuyên tái khám và kiểm soát các vấn đề tim mạch của mình, duy trì lối sống và chế độ dinh dưỡng lành mạnh để tránh cơn nhồi máu cơ tim tái phát.
Theo NLĐ
Theo: Gia đình
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét