Hai vợ chồng tôi đều làm cho công ty tư nhân, sáng sớm sấp ngửa chuẩn bị cho con ăn sáng, đi học, chiều tối muộn mới về đến nhà. Việc đi chợ, cơm nước trong nhà vốn là ông bà đỡ đần làm hộ.
Nhờ ông bà đón con giùm, lại chợ búa cơm nước luôn, chúng tôi cũng ngại. Cuối tuần, hai vợ chồng thu xếp công việc để vợ đi chợ cơm nước, chồng trông con cái, dọn dẹp nhà cửa.
Bé lớn nhà chúng tôi là Bon – một cô bé mà ai gặp cũng nhận xét là “bà cụ non”. Năm nay cháu đã 6 tuổi, tôi bắt đầu muốn con học bài học đầu tiên về chuyện làm việc nhà.
Thứ Bảy vừa rồi, tôi đưa cháu đi chợ cùng, bụng bảo dạ, con sẽ học được cách mặc cả, cách lên thực đơn chuẩn bị bữa ăn, cách chọn đồ tươi ngon từ mẹ… Ai ngờ kết quả lại ngược lại! Thay vì dạy con bài học về công việc chợ búa, tôi lại được cháu “dạy ngược” bài học tiêu dùng, đựng đồ đi chợ thế nào hợp lý nhất.
Số là, hai mẹ đi chợ cóc gần nhà. Tôi đi tay không, chỉ mang mỗi tiền bên mình vì việc đóng gói thực phẩm đã có các bà các chị ở chợ cho luôn vào túi nylon, mình chỉ việc xách về.
Các bà các chị bán hàng ở chợ thường cho luôn đồ vào túi nylon, mình chỉ việc xách về.
Mua đồ xong, hai mẹ con tay xách nách mang 5, 6 cái túi nylon một lúc: túi đựng đậu phụ; túi đựng thịt; túi đựng rau củ, túi hoa quả, túi đựng chai mắm.
Tay xách túi đậu phụ, Bon chép miệng chê:
– Mẹ dùng nhiều túi nylon quá, lúc vứt rác lại vứt đi một đống nylon đấy ạ!
– Mẹ để dành túi nylon rồi đựng rác trong nhà chứ không vứt đi một loạt đâu.
– Con thấy bà đi chợ chẳng tốn cái túi nào.
– Thêm bớt 1, 2 cái túi nylon không đáng kể con ạ.
– Có chứ! Dùng túi nylon đựng đồ ăn không tốt mẹ ạ. Mẹ đang gây hại cho sức khỏe, cho môi trường, hại cho biển. TV nói, cô giáo cũng nói mà.
Hóa ra:
Con đã xem rất nhiều chương trình trên TV về rác thải ra đại dương.
Con nghe cô giáo nói ở lớp về rác thải nhựa và rác thải nói chung gây hại cho môi trường.
Bà nội ở nhà xách làn đi chợ, con đã quan sát và hỏi bà tại sao bà lại xách theo món “đồ chơi” màu đỏ đó. Bà trả lời: “Để không phải dùng đến túi nylon, vì khi vứt nylon quá nhiều, chúng ta đang gây hại cho môi trường”.
Con đã biết bà xách làn đi chợ để không phải dùng đến túi nylon. Ảnh: Chu Thanh – Báo Nghệ An.
Con đã xem bà lựa hàng ở siêu thị, người ta gói thực phẩm bằng lá chuối. Vừa ngắm bà vừa khen siêu thị làm như cách thời ông bà ngày xưa vẫn gói xôi: sạch sẽ, tiện dụng, lại mang đến cảm giác an toàn vì không phải dùng đến nylon, hoàn toàn tự nhiên.
Con đã quan sát bà và học được cách dùng túi nylon thế nào là tiện, thế nào là chưa tốt.
Con cũng học được cách xếp đồ vào làn sao cho khoa học, không bị ám, lẫn mùi thực phẩm. Và bây giờ, con “dạy lại mẹ” cách đi chợ tốt hơn. Thay vì xách một đống túi nylon như mẹ vẫn làm, cháu muốn tôi mang xe kéo đóng làn, mẹ có thể mang về rất nhiều đồ mà không mất công phải xách bao nhiêu chiếc túi.
Dùng xe kéo đóng làn, có thể mang về rất nhiều đồ mà không mất công xách bao nhiêu túi
Cô con gái bé nhỏ của tôi hiểu rằng, khi lạm dụng túi nylon theo thói quen, chúng ta sẽ vô tư vứt đi hàng đống rác thải nhựa ra môi trường mỗi ngày.
Nhìn đứa con mới 6 tuổi của mình đã biết sống xanh, có ý thức bảo vệ môi trường, tôi rất vui. Nghe con nói lý lẽ của bản thân về việc con sẽ giảm dùng túi nylon, mẹ cũng phải làm thế, tôi chợt thấy xấu hổ. Là mẹ – đáng lẽ phải là người làm gương cho con nhưng tôi đã làm chưa tốt, thậm chí còn bao biện khi con chỉ cho mẹ thấy hành vi chưa đúng. Rất may cháu đã tự học được bài học giảm nhựa từ bà nội, cô giáo, TV… từ việc quan sát xung quanh và dạy lại cho mẹ. Nghe Bon thao thao bất tuyệt, tôi chỉ biết cười trừ và hứa với con, lần sau mẹ sẽ không như thế.
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét