Mẹ Việt ở Nhật bày cách “trị” tính ương bướng của trẻ không cần quát mắng



Mỗi lần con ương bướng sẽ trở thành một lần con học cách làm chủ cảm xúc của mình, còn cha mẹ sẽ hiểu và kiên nhẫn hơn với con.



me viet o nhat bay cach “tri” tinh uong buong cua tre khong can quat mang - 1


Chị Nguyễn Thị Thu là một dịch giả, chuyên gia giáo dục trẻ, tác giả cuốn sách “Kỉ luật mềm của trái tim” (viết về những kinh nghiệm nuôi dạy con kiểu Nhật). Những kinh nghiệm được chị Thu tích lũy qua hơn 11 năm sống tại Nhật, 6 năm làm mẹ và 5 năm làm giáo dục tại Việt Nam. Nhờ vậy, những lời khuyên và chỉ dẫn trên hành trình nuôi dạy con mà chị đưa ra luôn nhận được sự tin tưởng rất lớn từ cộng đồng các cha mẹ về tính khoa học, khả năng ứng dụng trong thực tế.


Bé Bon con trai chị năm nay 6 tuổi, ngoài sự phát triển về nhận thức, tâm lí, kỹ năng, chị cảm thấy vui hơn cả đó là Bon đã học được cách kiềm chế cảm xúc của mình rất tốt. Chị Thu tin rằng kết quả này là nhờ vào việc mình đã kiên nhẫn lắng nghe con, cùng con đi qua những giai đoạn phản kháng, “trị” tính ương bướng của con áp dụng đúng phương pháp giáo dục của người Nhật.



Hai mẹ con chị Thu và bé Bon trong một lần cùng nhau đạp xe đến trường.


Hãy cùng tham khảo những kinh nghiệm, phân tích của chị Thu để bố mẹ có thể dễ dàng xử lý tính ương bướng, những lần phản kháng của con


Nhận biết đúng về thời kỳ phản kháng


Khi con bạn lên một tuổi, bé nói chưa sõi, vốn từ chưa nhiều nên hễ không vừa ý hay không thích cái gì thì các bé sẽ luôn miệng nói “Không”, “Không chịu”… hoặc lên 2-3 tuổi là ăn vạ, cố tình làm ngược lại lời cha mẹ để tỏ ý phản kháng. Các nhà giáo dục Nhật Bản, gọi giai đoạn phản kháng ở độ tuổi này là thời kỳ phản kháng lần 1, hay “Iya iya ki”, để phân biệt với thời kỳ phản kháng lần 2 thường xảy ra vào cuối tiểu học và đầu trung học cơ sở.


 “Thời kỳ phản kháng lần 1- không chịu đâu” là dấu hiệu cho thấy nhận thức về cái tôi cá nhân của trẻ đã bắt đầu hình thành. Trẻ bắt đầu ý thức về sự tồn tại của bản thân, và dần muốn khẳng định nó. Thay vì dựa hoàn toàn vào cha mẹ, nay trẻ bắt đầu tách rời khỏi vòng bao bọc ấy để dần trở nên độc lập. Đồng thời, hành vi phản kháng cũng chính là cách để trẻ nhận biết và phán đoán thái độ của người khác.


Giai đoạn này trẻ vẫn chưa nói sõi, chưa biết cách diễn đạt cho người khác hiểu suy nghĩ và cảm xúc của mình. Vì thế, việc có cảm xúc nhưng lại không truyền đạt được đã trở thành sự mâu thuẫn, xung đột dẫn đến hành động phản kháng của trẻ, nhẹ thì biết nói “không chịu” còn gay gắt hơn thì ăn vạ, gào khóc, cáu giận. Giai đoạn phản kháng này sẽ kết thúc vào khoảng 3 tuổi khi trẻ đã biết bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc, và sự mâu thuẫn không còn xảy ra trong bản thân nữa.




Giống như bao nhiêu đứa trẻ khác, Bon cũng không ít lần dữ dội khi trải qua giai đoạn phản kháng. Nhưng bằng sự kiên nhẫn và những kiến thức của mình, chị Thu đã cùng con đi qua một cách nhẹ nhàng.


Nguyên tắc ứng xử trong thời kỳ phản kháng của trẻ


Chị Thu nhấn mạnh cha mẹ cần hiểu rằng “thời kỳ phản kháng lần 1” này là một thời kỳ được hình thành tự nhiên trong quá trình trẻ trưởng thành, tất yếu nó phải xảy ra. Theo đó, cách cha mẹ ứng xử với nó sẽ phần nào ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách, tính cách và tương lai của con trẻ sau này.


Các chuyên gia giáo dục đã đúc kết những nguyên tắc vàng để xử lí trong trường hợp con phản kháng:


Thể hiện sự đồng cảm


Trẻ có chủ kiến nhưng không diễn đạt được cho cha mẹ hiểu nên mới phản kháng. Vì vậy trẻ rất cần cha mẹ thể hiện sự đồng cảm. Qua những câu như: “À, thì ra con không thích”, hay: “Ồ, mẹ biết rồi, con khó chịu đúng không?” sẽ giúp trẻ cảm nhận được rằng: “À, ba mẹ rất là hiểu mình” và sẽ trở nên tin tưởng tuyệt đối vào cha mẹ. Chị Thu cho rằng cha mẹ cần phải thực sự biết quan sát và nắm bắt tâm lý của con. Với những cô cậu bé tầm 2-3 tuổi, hầu như mọi điều chúng muốn làm muốn tự mình khám phá đều là vì trẻ đang ở thời kỳ mẫn cảm với cảm giác trật tự.


Chỉ cần quan sát con qua nhiều lần, cha mẹ sẽ hiểu nguyên nhân đằng sau những sự phản kháng, những lần con ương bướng khó bảo. Và cha mẹ sẽ cùng giúp con giải quyết vấn đề một cách dễ dàng hơn thay vì quát nạt, cấm đoán hay chụp mũ khó bảo lên con.


Ngoài lời nói, cha mẹ cũng có thể hiện sự đồng cảm với con bằng các hành động cụ thể. Ví dụ khi con muốn nhảy từ trên bàn xuống sàn (thời kỳ mẫn cảm vận động) mà gây ra tiếng thình thịch nhức đầu hàng xóm tầng dưới thì đặt một cái đệm dưới sàn cho con nhảy là hết kêu. Hay khi con cầm quả bóng gỗ nặng ném bồm bộp xuống sàn, cha mẹ thay bằng luật chơi lăn trên sàn kiểu chơi bowling hay ném trúng đích. Hoặc cụ thể đưa ra các khung quy định thời gian, đưa ra lựa chọn A hoặc B cho con lựa chọn… Và điều tuyệt đối phải nhớ là cha mẹ hãy tuân thủ nguyên tắc đầu tiên, ghi nhận khen ngợi để nuôi dưỡng sự cố gắng mỗi ngày với con.


Giúp trẻ gọi tên cảm xúc mà trẻ vừa trải qua


Bên cạnh sự đồng cảm, hãy gọi tên cảm xúc, hành động mà trẻ vừa làm. Đây cũng là cơ hội để dạy cho trẻ từ ngữ chỉ cảm xúc, mong muốn. Dần dần, trẻ sẽ biết cách diễn đạt cảm xúc hay ý muốn của mình.


Cha mẹ đừng sợ tiếng khóc khi ăn vạ của con, đừng làm mọi cách để con nín khóc. Bởi vì: “Nếu một đứa trẻ chỉ cần khóc ăn vạ là được đáp ứng mọi yêu cầu, lớn lên đứa trẻ đó không học được tính kiên nhẫn và kiên trì. Nếu một đứa trẻ khi khóc ăn vạ mà bị mắng, bị quát, thì lớn lên trẻ sẽ thiếu tự tin ở bản thân, hành xử cộc cằn. Nếu một đứa trẻ khóc khi bị ngã mà người lớn đổ lỗi cho đồ vật, thì lớn lên trẻ sẽ không có tinh thần tự chịu trách nhiệm. Nếu một đứa trẻ khi khóc ăn vạ được ba mẹ tiếp nhận cảm xúc, dẫn dắt con đối diện và vượt qua cảm xúc ấy để học cách tự kiềm chế, sau đó được ôm ấp vỗ về an ủi, chắc chắn đứa trẻ đó sẽ có chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ cao”.




“Nếu một đứa trẻ khi khóc ăn vạ được ba mẹ tiếp nhận cảm xúc, dẫn dắt con đối diện và vượt qua cảm xúc ấy để học cách tự kiềm chế, sau đó được ôm ấp vỗ về an ủi, chắc chắn đứa trẻ đó sẽ có chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ cao”.


Chị Thu cũng đưa ra 5 điều chị thường làm để giúp con đi qua cảm xúc tiêu cực:


– Thừa nhận cảm xúc của con: “Ừ, mẹ biết con muốn nó rồi!”…- Gọi tên cảm xúc ấy, nếu con đã biết nói thì nói con hãy bình tĩnh và nó ra điều con muốn cho mẹ nghe: “Con rất đau đúng không?”, “Con khó chịu”, “Con bị ngã”, “Con muốn ăn kẹo đúng không”…


– Giai đoạn trước 2 tuổi thì đánh lạc hướng, hay thay đổi môi trường. Giai đoạn 2 tuổi trở đi thì mình nghe con nói lí do, sau đó nói cho con thông điệp đơn giản vì sao không cho phép.


– Để con tự khóc, mẹ đi sang phòng khác hay tránh đi chỗ khác nếu là ở nhà. Còn nếu ở nơi công cộng thì mẹ ngồi cạnh và bình tĩnh gật gù thấu hiểu điều con muốn nhưng không thỏa hiệp. “Con ấm ức đúng không. Con cứ khóc đi. Mẹ biết con muốn nhưng mà không được vì ABC nhé. Mẹ sẽ chờ con”.


– Khi con đã bình tĩnh hơn và gần khóc xong mẹ sẽ ôm con lại thật chặt và vỗ về: “Bon của mẹ giỏi lắm. Con rất cố gắng kiềm chế này. Mẹ cảm ơn con”. Để con hiểu mẹ thừa nhận cảm xúc của con, mẹ luôn yêu con, nhưng con cần học rằng cái nào đã hứa thì phải giữ lời hứa, quy định là quy định.


Không phủ định, không cấm đoán


Không ít cha mẹ chọn cách quát mắng, trừng mắt “Không được!”, “Mẹ cấm!” khi trẻ phản kháng, ăn vạ, hay nghich ngợm. Cách đó sẽ chỉ làm gia tăng cảm giác khó chịu vì không thể diễn đạt cho cha mẹ hiểu ý mình, càng khiến trẻ ăn vạ và ngang bướng hơn. Nếu liên tục bị phủ định và cấm đoán, trẻ sẽ dần mất tự tin ở bản thân, mất niềm tin vào cha mẹ. 


Nếu ngay từ giai đoạn đầu (khoảng 18 tháng) khi trẻ mới bắt đầu có những hành vi phản kháng nhẹ nhàng như ném đồ ăn, đòi đồ chơi và nói “Không”, cha mẹ không biết cách tiếp nhận, thể hiện sự đồng cảm, dẫn dắt trẻ thể hiện cảm xúc ra ngoài cho người khác hiểu, mà chỉ dùng từ phủ định, thì càng lớn lên trẻ sẽ càng ương bướng, khó bảo. Vì vậy mà trẻ nhỏ 1-2 tuổi càng bị mắng nhiều thì khi lên 3-4 tuổi sẽ càng cứng đầu và không chịu nghe lời.


Thay vì nói không và cấm đoán, cha mẹ hãy đưa ra những phương án thay thế để con lựa chọn. Ví dụ như khi con muốn dùng đũa của người lớn để ăn thì đưa cho con cái khác: “A, con thử cái này xem sao”. Đây là phương pháp rất hay để dạy con tính tự chủ, tự quyết, tự suy nghĩ. (Tất nhiên thi thoảng cậu ấy sẽ bảo con chả chọn A, cũng không thích B).


Dẫu sao đi nữa, cha mẹ hãy kiên nhẫn vì chỉ cần ba mẹ thay đổi cách làm một chút là con sẽ học được cách kiềm chế cảm xúc, thích ứng và tuân theo những gì thuộc về quy tắc và quy định. Sự kiên nhẫn của ba mẹ cũng là tiền đề để con được làm điều con thích trong khuôn khổ, cho con được thất bại để nuôi dưỡng trí tò mò, hứng thú.


Thể hiện sự dứt khoát


Đối với những việc cần thiết phải cấm đoán hay ra giới hạn (gây phiền hà cho người xung quanh), việc nguy hiểm đến tính mạng (sờ vào điện, dao kéo…) thì cha mẹ nên ngồi xuống, để tầm mắt mình ngang tầm mắt trẻ, nhìn thẳng vào trẻ và nói với giọng nghiêm túc: “Mẹ biết con không thích, mẹ cũng không thích, nhưng tuyệt đối không được làm như thế này”. Như thế vừa làm trẻ cảm nhận được sự đồng cảm, vừa truyền tải được thông điệp cần thiết. Cách làm này rất hiệu quả với việc trẻ nhả nhơn trêu đùa với cha mẹ như phun mưa hay ném thức ăn.


Cuối cùng, chị Thu nhắn gửi đến cha mẹ: “Nếu luôn thấu hiểu nguyên tắc: đồng cảm và không cấm đoán, bạn có thể khiến giai đoạn phản kháng này trôi qua với những khoảnh khắc hạnh phúc, ngọt ngào”.





Theo Ocean (thoidaiplus.giadinh.net.vn)

Nguồn: Eva




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét