Chuyển việc vì sếp trái tính lại gặp đúng "vỏ dừa", cô nàng được hiến cách đáp trả cực ngầu 



Có rất nhiều lý do để cấp trên mất thiện cảm đối với bạn, thậm chí đôi khi lỗi hoàn toàn không phải do bạn gây ra. Trong công việc, mối quan hệ với cấp trên, đồng nghiệp là rất quan trọng nên tìm cách để hài hòa vẫn là điều tốt hơn nên làm.



Các cụ có câu “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”, ở đời nhiều lúc muốn tránh đi sự xui xẻo đã từng kinh qua nhưng rồi lại trớ trêu rơi vào tình cảnh y hệt. Mâu thuẫn với cấp trên là điều gây ám ảnh với rất nhiều chị em công sở. Đa phần chọn cách rời đi vì không muốn chịu thêm áp lực, những mong một chân trời mới sẽ mở ra. 


Cô nàng công sở có tên T.T.P.H. từng rơi vào tình trạng bị cấp trên không ưa, luôn tạo khó dễ. Theo chia sẻ, chị sếp của cô không chỉ độc miệng mà còn khiến cô vướng vào những rắc rối từ đâu đem tới. Những tưởng miền đất hứa sẽ mở ra khi cô tìm được một công ty mới với những người đồng nghiệp tốt tính, sẵn sàng chỉ bảo cho mình thì bỗng một ngày, P.H. nghe tin chị sếp cũ sắp chuyển sang đây làm việc cùng. 


“Lại là em đây ạ. Em chào các chị. 


Em vừa đăng bài thoát được chị trợ lý trái tính, đã tìm được công việc ưng ý thì vừa hay tin chị ấy sắp qua bên công ty em làm việc các chị ạ. 


Em uất ức nhìn cơm tối luôn. Em phải làm sao bây giờ ạ?”. 


chuyen viec vi sep trai tinh lai gap dung "vo dua", co nang duoc hien cach dap tra cuc ngau  - 1


Chia sẻ đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của cô nàng công sở “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. 


Trong môi trường công sở, chuyện cấp trên không ưa mình là tình trạng không ai muốn rơi vào song sự thật là nó xảy ra với không ít người. Nếu sự việc đơn giản dừng ở sếp không thiện cảm với mình còn công tư vẫn phân minh, chuyện có lẽ sẽ không gây đau đầu. Nhiều người khi cảm thấy không thiện cảm với cấp dưới sẽ gây khó dễ trong công việc một cách vô cớ. Tình huống dở khóc dở cười của nàng công sở này thu hút được sự quan tâm của rất nhiều hội công sở. 


“Thế này đúng là bạn với chị trợ lý đó có duyên rồi, chỉ là duyên gì thì không biết nữa”. 


“Thôi thì, cứ nghĩ tích cực là công ty mới “đất lành chim đậu” nên ai cũng muốn vào đi. Quan trọng là bây giờ bạn định đối mặt thế nào, chẳng lẽ lại cứ nghỉ việc?”. 


“Có lẽ nào chị trợ lý biết bạn sang công ty đó nên sang theo không? Trời! Nghe cứ như trên phim chứ ai nghĩ lại có thật ngoài đời. Nói vui vậy chứ lời khuyên của mình là bạn nên xem xét để giải quyết vấn đề một cách triệt để nhé. Đầu tiên là xem lại bản thân mình, sau đó tìm hiểu vì sao chị ấy lại gây khó dễ với mình đến vậy. Nếu có hiểu nhầm, mình tìm cách tháo gỡ dần, biết đâu chị ấy cũng có nỗi khổ riêng thì sao”. 


chuyen viec vi sep trai tinh lai gap dung "vo dua", co nang duoc hien cach dap tra cuc ngau  - 2


“Trước công ty cũ mình cũng có một chị sếp là mẹ đơn thân khó tính lắm. Đầu tiên chị em nhiều phen ức lắm mà không biết làm gì, sau tìm hiểu kỹ hơn thì biết do chị sếp chịu nhiều áp lực, gặp phải nhiều sóng gió trong hôn nhân nên đến công ty mới như vậy. Khi hiểu rồi, bọn mình thông cảm hơn với chị, quan tâm chị hơn và dần mọi người cũng hòa thuận hơn”.  


Có rất nhiều lý do để cấp trên mất thiện cảm đối với bạn, thậm chí đôi khi lỗi hoàn toàn không phải do bạn gây ra. Trong công việc, mối quan hệ với cấp trên, đồng nghiệp là rất quan trọng nên tìm cách để hài hòa vẫn là điều tốt hơn nên làm. Vậy khi bị cấp trên làm khó, thể hiện rõ là không ưa thì nhân viên nên làm gì? 


Xem xét lại bản thân


Các cụ có câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Đừng nghĩ đến việc này vào lúc đầu óc bạn đang muốn “nổ tung” vì người sếp đó. Hãy chờ lúc bản thân bình tĩnh hơn và suy nghĩ xem, liệu có vấn đề gì trong cách cư xử của mình với cấp trên hay bạn có làm điều gì để cấp trên phải hiểu nhầm không? Có những nhân viên bị sếp ác cảm chỉ đơn giản là vì người khác vô tình truyền đi những thông tin tiêu cực khiến sếp nghĩ rằng bạn không thích, không phục họ.


Khi họ nghĩ rằng ta không thích họ, họ sẽ đối xử một cách lạnh lùng hơn, dè chừng hơn. Vòng luẩn quẩn cứ thế lặp đi lặp lại và cách tháo gỡ đơn giản nhất chính là tìm xem nút thắt ở đâu để gỡ dần. Tìm cơ hội nói chuyện với sếp và thể hiện sự tôn trọng cũng như thái độ tích cực của mình, bạn sẽ cải thiện dần hình ảnh của mình trong mắt họ. 


Lấy kết quả để đối chọi với sự đố kỵ


chuyen viec vi sep trai tinh lai gap dung "vo dua", co nang duoc hien cach dap tra cuc ngau  - 3


Trong mối quan hệ này, đừng nên nảy sinh suy nghĩ ăn miếng trả miếng, chống đối mà điều bạn nên làm chính là tỏa sáng và phát huy năng lực của mình. Hãy nhớ rằng không có người chủ nào lại không đánh giá cao nhân viên chủ động, cố gắng để hoàn thành tốt công việc. 


Thích ai hay ghét ai đôi khi chỉ xuất phát từ ấn tượng lần đầu tiên gặp mặt, hãy để cho cấp trên cảm nhận được năng lực làm việc của bạn, sự chính trực, đáng tin trong nhân cách và phẩm chất. Có được mối quan hệ cấp trên và nhân viên hoà hợp, hiệu suất công việc sẽ tăng lên rất nhiều. 


Công tư phân minh, tôn trọng cấp trên


Thái độ cao ngạo, xem thường cấp trên, trong đầu luôn là những câu chuyện kể xấu sếp không có hồi kết là sai lầm không ít nhân viên mắc phải. Hãy nhớ rằng, dù bạn có điểm nào đó giỏi hơn cấp trên thì cũng hãy làm việc một cách chuyên nghiệp: hoàn thành việc được giao và tôn trọng sếp. 


Hãy công tư phân minh và đừng tiếc một lời khen khi biết thực sự người sếp ấy có tài. Thời gian trôi qua, người sếp ấy sẽ dần hiểu bạn hơn và mâu thuẫn của hai bên sẽ tự nhiên được hoà giải.


Cho mình một “một lối đi riêng” 


chuyen viec vi sep trai tinh lai gap dung "vo dua", co nang duoc hien cach dap tra cuc ngau  - 4


Nếu bản thân đã rất nỗ lực để gỡ từng nút thắt nhưng câu chuyện chỉ dừng lại ở một phía bạn, hãy cho mình cơ hội tìm đến “miền đất hứa”. Tất nhiên, hãy để đây là lựa chọn cuối cùng, sau khi đã không còn cách nào nữa vì điều quan trọng là bạn phải đối mặt chứ không phải trốn chạy để giải quyết mâu thuẫn. 


Trong trường hợp quyết định ra đi, hãy hành động và cư xử một cách chuyên nghiệp nhất. Hãy nhớ rằng chúng ta hoàn toàn có thể gặp lại người sếp đó hay người thân của người sếp đó ở một công ty khác. Xin nghỉ đúng quy định, bàn giao công việc và hoàn thành đến ngày làm việc cuối cùng, không nói xấu nơi mình từng làm… Đó mới là cách hành xử của người thông minh. 





Bảo Anh (Phụ Nữ Việt Nam)

Nguồn: Eva




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét