Đau đầu với chuyện tiền bạc sau ngày cưới

* Bắt đầu cho một cuộc sống hôn nhân, các cặp đôi thường đối mặt với rất nhiều nỗi lo. Trong đó tài chính là vấn đề gây ra nhiều bất hòa, mâu thuẫn nếu cả hai không khéo léo và tinh tế.


Quỳnh Anh mới lên xe hoa được vài tháng. Cô kể, đám cưới vừa xong, giang hồ đã kéo đến đầy nhà để đòi số nợ hàng trăm triệu đồng do Nam, chồng của cô nợ nần, đề đóm và cá độ bóng đá. Cô phải gom hết tiền, vàng cưới, tiền riêng của cô cả vay mượn thêm từ người thân, bạn bè mới đủ trả. Vừa trả xong món nợ này lại phát sinh món nợ mới, tương lai của cuộc hôn nhân ngày càng mịt mờ, khó đoán. Cô đang nghĩ đến chuyện ly hôn.



Sau ngày cưới, các cặp đôi thường đối mặt với rất nhiều nỗi lo, trong đó có vấn đề tài chính. Ảnh: IT


Chưa đến nỗi ly hôn, nhưng là một cảm giác tiến thoái lưỡng nan khi anh Hữu Khôi nói về việc bị vợ quản chặt tiền nong. Từ ngày lấy vợ, lương thưởng hằng tháng anh cũng không rõ được bao nhiêu vì cái thẻ ATM vợ anh quản từ lâu, sao kê hằng tháng cũng được gửi thẳng vô điện thoại của vợ. Mỗi ngày mua cái gì, tiêu bao nhiêu tiền anh đều phải ghi vô sổ để vợ anh quản lý.


Thực tế cho thấy, hơn một nửa các cuộc cãi vã ở thời điểm sau ngày cưới có liên quan đến chuyện tiền bạc. Thậm chí, không ít vụ ly hôn trong thời gian 5 năm đầu của các cặp đôi cũng có nguyên nhân từ vấn đề tài chính.


“Một mái nhà tranh hai quả tim vàng” đã là chuyện của hôm qua với các đôi vợ chồng trẻ khi trước mặt họ là nỗi lo cơm áo gạo tiền và hàng trăm thứ nỗi lo khác. Tuy rằng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nhưng theo các chuyên gia thì sự đổ vỡ của các gia đình trẻ do nguyên nhân tiền bạc thường xoay quanh những vấn đề sau:


Đầu tiên là những khoản nợ đám cưới. Do cách nghĩ đã ăn sâu từ bao đời nay: Đời người chỉ có một lần phải làm sao cho nở mặt nở mày, không biết “liệu cơm gắp mắm”, để rồi phải còng lưng trả nợ ngay sau ngày cưới. Có khi là những món nợ theo kiểu… từ trên trời rơi xuống của chính một trong hai người từ lúc còn độc thân để rồi sau đám cưới món nợ ấy được hợp thức hóa thành nợ chung của gia đình trong sự ngỡ ngàng của chồng/vợ.


Đó còn là thói quen từ lúc độc thân của không ít bạn trẻ làm được bao nhiêu tiền cứ đem ra xài hết, không tích lũy, thậm chí ứng tiền xài trước đến lúc lãnh lương mang đi trả nợ…. Hoặc có người được cha mẹ lo lắng, bao cấp cho mọi thứ chẳng phải bận tâm suy nghĩ đến chuyện tiền bạc, đến lúc lập gia đình, không có kế hoạch chi tiêu cụ thể nên cứ thiếu trước hụt sau.


Có gia đình thì gặp “trục trặc” về vấn đề tiền nong bởi vì chỉ có một người nắm trọn ngân quỹ đồng thời toàn quyền quyết định mua cái này, sắm cái kia hoặc không nên chi cho việc nọ. Điều này cũng có khía cạnh tích cực khi một trong hai người có chuyên môn về quản lý tài chính hay vốn là dân kinh doanh. Tuy nhiên về lâu dài thì quả là “lợi bất cập hại” khi người còn lại trong gia đình hoàn toàn mù tịt về mọi chi phí trong nhà rồi đâm ra ỷ lại, không cùng chia sẻ trách nhiệm. Hoặc chẳng may gia đình gặp chuyện bất ngờ thì người còn lại chẳng biết xoay xở như thế nào, bắt đầu từ đâu.


Quản lý tiền nong chặt chẽ quá cũng là nguy cơ dễ phát sinh quỹ đen. Chuyện chu cấp cho cha mẹ đôi khi cũng khá nan giải nếu một trong hai người quản lý quá khắt khe.



Không ít vụ ly hôn trong thời gian 5 năm đầu của các cặp đôi có nguyên nhân từ vấn đề tài chính. Ảnh: IT


Nền tảng của hôn nhân là sự tin tưởng, tôn trọng và bình đẳng. Cho nên mọi quyết định về tiền bạc nên được công khai và thống nhất giữa hai vợ chồng. Quản lý chi tiêu là điều hết sức cần thiết để duy trì sự ổn định đồng thời mang lại hạnh phúc cho mỗi gia đình. Nhưng cũng đừng quá chi li theo kiểu “Đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” sẽ rất nguy hiểm.


Ngược lại, cần học cách thương lượng, thỏa hiệp và chấp nhận sự khác biệt của nhau cả trong lĩnh vực quản lý tài chính gia đình. Bởi suy cho cùng, hôn nhân đích thực không thể hoàn toàn lấy đồng tiền làm tiêu chí.


Nguồn: Thế giới tiếp thị




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét