Làm sao san bằng được khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình?

* Xã hội phát triển, giới trẻ từng ngày tiếp xúc với nhiều thay đổi mới mẻ. Trong khi thế hệ đi trước có tâm lý giữ gìn cái cũ, cả nếp nghĩ và cách sống. Khoảng cách giữa các thế hệ trong một gia đình vì thế càng ngày càng gặp nhiều rắc rối.


Nhà chú tôi được xem là gia đình mẫu mực hạnh phúc với hơn 20 con người thuộc ba thế hệ vẫn có thể chung sống một cách ấm êm, hòa thuận. Nhất là trong thời đại mà người ta luôn đề cao tự do cá nhân, gia đình hạt nhân hơn là kiểu sống “tam, tứ đại đồng đường”.


Nhưng đó là cái nhìn bề ngoài thôi. Có ở trong chăn mới biết có rận. Không phải họ không có bất đồng mà nó xảy ra ngấm ngầm, không thể công khai. Các con chú tôi, mặc dù đã trên dưới 40, con cái đề huề nhưng vẫn bị chú tôi coi như con nít, cái gì cũng nhắc nhở, uốn nắn, la rầy từng chút một. Các em họ tôi do từ nhỏ đã được giáo dục theo truyền thống “áo mặc không qua khỏi đầu” riết rồi thành quen nên thấy bình thường.


                




   

Gia đình nhiều thế hệ sống chung vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi. Ảnh: IT

   

Rắc rối nhất là các cháu không ngần ngại thể hiện cái tôi của mình. Có cháu đang học năm cuối ngành xây dựng bỗng chuyển hướng, muốn về quê làm nông nghiệp xanh. Có đứa không muốn nối nghiệp kinh doanh của ba mẹ vì thích làm nghệ thuật. Đứa khác đang học sư phạm nhưng lại thích nhuộm tóc, xăm mình khiến cha mẹ cứ bị nhà trường gửi thư mời liên tục… Nhưng đến thế hệ thứ ba thì khác. Ngoài mặt chúng vẫn răm rắp tuân theo phép tắc, giờ giấc đi về do ông bà, cha mẹ đặt ra. Nhưng kỳ thật khi thấy điều gì không đúng là chúng phản ứng ngay, chúng sẵn sàng nói lên suy nghĩ của mình chứ không dễ dàng im lặng, nín nhịn như cha mẹ chúng.


Không thể phủ nhận, sống chung kiểu đại gia đình có những cái lợi đáng kể như mọi người có thể giúp đỡ, san sẻ nhau những lúc neo người hay lúc gặp chuyện bất trắc. Đôi khi chính nhờ những góc nhìn khác nhau mà vấn đề của mỗi cá nhân được giải quyết thấu đáo hơn. Thế nhưng, lắm lúc cũng vì quá nhiều lời ra tiếng vào mà đương sự lại càng thêm rối trí.


Tâm lý chung của thế hệ đi trước là luôn muốn con cái nghe theo sự chỉ bảo, sắp đặt của mình. Trong mắt họ, con cái dù ở tuổi nào cũng vẫn trẻ người non dạ, luôn cần được bảo bọc. Tiếc là sự cưu mang ấy chỉ đúng trong một vài trường hợp riêng lẽ bởi không phải giá trị nào từ thời xa xưa cũng có thể áp đặt cho thế hệ hôm nay. Nhất là khi cuộc sống luôn thay đổi, biến chuyển không ngừng. Nên sẽ không có gì khó hiểu khi nhiều sự chọn lựa của con cái không hề giống với suy nghĩ của cha mẹ.


Những thế hệ đi trước, với thói quen từ xưa để lại, thường thấm nhuần tinh thần gắn bó gia đình. Đồng thời luôn có xu hướng muốn tiếp tục kiểm soát, bao bọc như khi con cái còn thơ ấu. Bề dày truyền thống của dòng tộc, họ hàng cũng khiến những thế hệ trước càng thêm lo lắng, chú tâm rèn giũa cháu con, mong chúng noi gương mình mà thành đạt vẹn toàn. Trái lại, thế hệ đi sau đang trong độ tuổi trẻ trung với nhiều ước mơ, nhiều hy vọng, dám nghĩ dám làm. Kiến thức chuyên môn, kỹ năng sống tuy chưa nhiều nhưng bù lại là tư duy nhạy bén, dễ tiếp cận, học hỏi những điều mới mẻ.


Như vậy nên làm gì để những khoảng cách giữa các thế hệ sống chung trong một mái nhà xích lại gần hơn?


Theo các chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình, thay vì áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái, những thế hệ đi trước rất cần để mắt tới những đổi thay của cuộc sống để chấp nhận những sự khác biệt trong lối sống và cách suy nghĩ của mỗi thế hệ. Đừng ép buộc con cái phải làm theo ý mình mà nên cởi mở chia sẻ quan điểm của mình đồng thời chịu khó lắng nghe suy nghĩ của giới trẻ. Ngược lại, con cháu cũng nên dành thời gian lắng nghe và bày tỏ những ưu tư trong lòng mình để ông bà, cha mẹ được thông hiểu.


                




   

Không nên coi sự khác biệt giữa các thế hệ là nguyên nhân của những bất đồng, mâu thuẫn trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Ảnh: IT

   

Đừng bao giờ mang ra so sánh về quan điểm, cuộc sống, cách nhìn giữa các thế hệ với nhau. Bởi mỗi thế hệ đều trải qua một cuộc sống với nhiều khác biệt về hoàn cảnh kinh tế, môi trường sống, văn hóa, truyền thống… Không chỉ cha mẹ đừng bao giờ mang con cái mình so sánh với “con nhà người ta”, mà ngay cả những đứa con cũng không nên so sánh cha mẹ mình với “ba mẹ người khác”…


Tóm lại, không nên coi sự khác biệt giữa các thế hệ là nguyên nhân của những bất đồng, mâu thuẫn trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Chấp nhận nhau để có thể tận dụng ưu thế vốn có của mỗi thế hệ là cách làm cho khoảng cách các thế hệ dễ dàng rút ngắn.


Nguồn: Thế giới tiếp thị




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét