Chiếc túi nọ có thể khiến bạn ngẩn ngơ ngay lần đầu nhìn thấy. Bạn muốn sở hữu chúng ngay lập tức song chỉ với một câu thần chú “Chờ!”, bạn có thể nhận ra bản thân không thích chiếc túi đó đến vậy và bạn hoàn toàn có thể làm nhiều điều hữu ích hơn với số tiền đó.
Có rất nhiều người không thể trả lời được câu hỏi: “Tiền của mình đã đi đâu?”. Thu nhập không đến nỗi tệ, bạn tự nhận thấy mình cũng không phải người hoang phí song cuối tháng đến là ví đã sạch bách? Vậy thì đã đến lúc bạn xem lại cách chi tiêu của mình. Có phải xuất hiện trong phòng bạn là nhiều món đồ mua về đã lâu mà chưa dùng đến, bạn dễ dàng chi cả trăm nghìn cho những món ăn hàng trong khi có thể làm đơn giản ở nhà…
Những thay đổi nhỏ trong thói quen chi tiêu có thể khiến bạn tiết kiệm được số tiền không nhỏ mỗi năm. Kiến tha lâu cũng đầy tổ, chỉ cần bỏ lợn tiết kiệm 10.000 đồng mỗi ngày, qua một năm bạn đã có 3.650.000 đồng, đủ cho một chuyến du lịch gần.
Trang Business Insider đã đặt ra 2 câu hỏi khảo sát trên trang Quora: “Thói quen nào giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền nhất?” và “Cần thay đổi thói quen nào để tiết kiệm được tiền?”. Dưới đây là tổng hợp những câu trả lời hay, thiết thực nhất bạn có thể tham khảo để tiết kiệm được nhiều tiền hơn trong thời gian tới.
1. Tìm hiểu và lựa chọn tiết kiệm theo một khoản cố định hoặc theo phần trăm
Bạn nên cân nhắc phương pháp nào phù hợp với mình, tiết kiệm cố định một khoản tiền (ví dụ 1 triệu đồng/tháng) hay tiết kiệm theo phần trăm thu nhập (10% hay 20% thu nhập mỗi tháng). Nếu thu nhập hàng tháng của bạn là như nhau, không chệnh lệch thì việc tiết kiệm theo khoản tiền cố định khá hợp lý. Tuy nhiên, nếu bạn có nhiều nguồn thu ngoài hay thu nhập không cố định thì chọn tiết kiệm theo % là phương pháp được khuyên dùng.
“Đặt ra mục tiêu tiết kiệm sẽ giúp bạn dễ dàng đạt được điều đó hơn. Tôi đã đặt ra mục tiêu tiết kiệm 40% thu nhập khi còn chung sống với ba mẹ và giảm còn 20% sau khi ra sống riêng”.
“Thu nhập của tôi gần như cố định hàng tháng nên tôi chọn cách đặt mục tiêu tiết kiệm là 2 triệu đồng. Bạn nên đặt ra những con số phù hợp với bản thân, đừng ép mình vào những kế hoạch hà khắc khó có thể thực hiện được”.
2. Học cách tự làm những việc vặt
Không phải hỏng hóc nào cũng khiến bạn phải mang ngay ra hàng để thuê thợ sửa hay vứt đồ đi để mua đồ mới. Những kỹ năng như khâu vá, sửa một vài thiết bị điện hay tự làm một vài đồ dùng trong nhà là khá đơn giản. Bạn có thể học hỏi thêm và tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ từ những việc này.
“Tôi luôn cố gắng sửa khi còn có thể thay vì mua đồ mới. Ví dụ như chiếc tủ đã rất lỗi mốt ở nhà. Tôi từng lên kế hoạch mua tủ mới cho phù hợp hơn với không gian sống song chỉ với một chút tiền mua sơn, tôi đã có thể “hô biến” chiếc tủ thành mới tinh mà lại không tốn kém nhiều”.
“Những thử thách đó thật sự rất thú vị. Tự làm vài chiếc giỏ đựng đồ, những đồ vật trang trí hay sửa lại chiếc váy bị rách khiến tôi cảm thấy rất vui, như mình vừa vượt qua một thử thách vậy”.
3. Tập kiềm chế bản thân
Điều này là vô cùng cần thiết, đặc biệt với những người thuộc team “nghiện mua sắm”. Bước vào một trung tâm thương mại hay cửa hàng quần áo, bạn có thể thấy bị thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên với một sản phẩm và muốn sở hữu chúng ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ một cách cẩn trọng về giá trị sử dụng của nó đối với bản thân hay đơn giản là dặn lòng ngày mai sẽ quay lại xem sau, có thể bạn sẽ nhận ra bản thân không thích sản phẩm đó đến mức đó.
“Khi bạn đi mua sắm và cảm thấy nhất định mình phải mua được chiếc túi xinh xắn kia, câu thần chú bạn nên nghĩ đến chính là “Chờ!”. Hãy quay lại cửa hàng đó vào hôm sau hay thậm chí là tuần sau. Khoảng thời gian chờ là lúc bạn có thể nhận ra mức độ mình cần hay yêu thích sản phẩm đó.
Đừng bao giờ vội vàng đưa ra quyết định mua mà không cân nhắc. Bên cạnh đó, bạn có thể tự vấn, liệu mình sẽ sử dụng sản phẩm đó được trong bao lâu? Vài năm, 1 năm hay chỉ 1, 2 dịp quan trọng nào đó”.
4. Theo dõi chi tiêu
Không nhất thiết phải ghi lại từng thứ nhỏ nhặt mà bạn chi tiền trong một ngày nhưng bạn nên có thói quen ghi nhớ cách chi tiêu của bản thân. Đừng bao giờ để bản thân rơi vào cảnh không biết tiền của mình đi đâu.
Rất đơn giản, chỉ với một cuốn sổ hay một ứng dụng trên điện thoại là bạn có thể ghi chép lại các chi tiêu và theo dõi, tổng kết và rút kinh nghiệm.
5. Tự chuẩn bị các bữa ăn
Nếu bạn đang sống cùng gia đình, hẳn là bạn sẽ không cần phải quá lo lắng tới việc ăn uống. Tuy nhiên, với những người đi làm xa nhà, đây là điều vô cùng cần thiết để bạn có thể tiết kiệm tiền.
Hãy tự chuẩn bị đồ ăn sáng, trưa và tối cho mình thay vì mua sẵn những hộp cơm ngoài kia. Bạn có thể tự chuẩn bị theo ý thích của mình, nêm nếm món ăn theo ý mình và tự do sáng tạo trong nấu nướng. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm tiền ăn uống xa xỉ bên ngoài mà còn giúp bạn bớt căng thẳng khi lựa chọn và chế biến món ăn hàng ngày.
“Tôi là người rất thích các loại sinh tố hoa quả kèm ngũ cốc tuy nhiên giá của chúng ở ngoài hàng không hề rẻ. Qua lời tư vấn của vài người bạn, tôi học được cách trữ hoa quả và tự chuẩn bị chúng ở nhà rất đơn giản.
Hoa quả tôi mua theo mùa, đem về bóc vỏ bỏ chia nhỏ vào túi ziplock trong ngăn đá và sau đó mỗi sáng chỉ cần lấy vài miếng chuối, vài miếng bơ cùng chút rau cải là đã có ngay một bát sinh tố ngon lành”.
“Chỉ một buổi chiều Chủ Nhật, tôi có thể sơ chế các thực phẩm cho cả một tuần, giúp việc tự chuẩn bị thức ăn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tự nấu ăn không chỉ giúp bạn tiết kiệm mà còn giúp bạn dễ dàng kiểm soát cân nặng, ăn uống lành mạnh hơn”.
6. Đầu tư vào các sản phẩm chất lượng
Đừng tiết kiệm tiền cho những thứ bạn phải sử dụng thường xuyên, lâu dài và có ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của bạn như: chăn đệm, máy tính, đồ dùng nhà bếp… Đầu tư một lần cho những đồ chất lượng và đắt tiền một chút nhưng đồng nghĩa với việc sử dụng được lâu bền, không gây hại cho sức khỏe còn hơn là mua các đồ giá rẻ nhưng phải thay mới liên tục.
“Tôi từng sai lầm khi luôn chọn những sản phẩm rẻ vì cho rằng bản thân đang tiết kiệm tiền song sau đó lại hối hận vì những vấn đề mình gặp phải như: sản phẩm nhanh chóng hỏng hóc, phải bỏ tiền để sửa chữa vì không có bảo hành…”
7. Làm một vài phép toán đơn giản
Không cần là một nhà toán học, bạn cũng có thể thực hiện những tính toán để xem liệu mình có nên chi tiền cho sản phẩm này. Mỗi khi muốn chi tiền để mua món đồ gì, hãy cân nhắc xem, bạn muốn có sản phẩm đó bây giờ hay là số tiền đó có thể sinh sôi nảy nở trong nhiều năm tới.
“Mỗi lần ra ngoài mua sắm, tôi lại cố gắng tính xem số tiền đó sẽ là bao nhiêu trong 5 năm tới. Tôi tạm tính đơn giản với con số lãi suất 10% mỗi năm, số tiền đó có thể tăng thêm 60%.
Ví dụ nếu tôi định mua thứ gì đó trị giá 10 triệu đồng, tôi sẽ tự hỏi mình có thực sự muốn thứ này ngay bây giờ không, hay muốn có 16 triệu đồng vào 5 năm nữa? Một phép toán đơn giản này đã giúp tôi tiết kiệm được số tiền không hề nhỏ.”
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét