Vi-rút Corona không chỉ khiến người ta sốt, ho, đau nhức, khó thở… Nó hiện diện trong nhà tôi theo cách khác, đầu tiên là thông báo của con trai tôi: “Công ty con tiêu tùng rồi”. Là hướng dẫn viên công ty du lịch mà tất cả các đoàn đều hủy chuyến thì tiêu tùng là chuyện đương nhiên.
Ảnh minh họa
Đã chuẩn bị cho nên đợi khi con xong câu thông báo chán ngán thì tôi nói: “Hôm nọ nghe con tiếc nuối đưa đoàn đi Thổ Nhĩ Kỳ mà vì mình không biết tiếng nên bỏ qua cơ hội mua tấm thảm kỷ vật gì đó, sao con không nhân dịp rảnh rỗi này mà học tiếng đó đi”.
Tôi thật tình không hiểu nếu biết tiếng Thổ Nhĩ Kỳ thì có ích gì, miễn là con trai đừng rơi vào cảnh nhàn cư vi bất thiện. Hơn nữa, dân du lịch quen bay nhảy, ngồi nhà dài ngày mà không có gì để làm thì cuồng chân phải biết.
Còn chồng tôi thì không thể ngắn gọn hơn: “Công ty của anh cho chọn lựa, hoặc làm việc online hưởng lương cơ bản hoặc nghỉ không lương”.
Nghỉ không lương thì lấy gì ăn? Dĩ nhiên là chọn làm việc. Quen với lãnh lương theo doanh thu, nay nhìn thấy con số lương cơ bản hiện trên màn hình, tôi thần người một hồi mới khiến cho miệng mình thành nụ cười được. Tôi lấy giọng đùa vui với chồng, đủ đi chợ mua mấy món cơ bản gạo mắm rau dưa là tốt rồi.
Tôi là thợ may. Cơn dịch chẳng mấy ai tha thiết áo quần nhưng nhu cầu khẩu trang tăng cao, tôi chuyển qua may khẩu trang. Dù tiền công rất ít ỏi so với may áo quần nhưng cộng với lương cơ bản của chồng thì tằn tiện cũng tạm ổn.
Ảnh minh họa
Con gái tôi là sinh viên sư phạm năm thứ ba, đi làm thêm ở một trung tâm gia sư. Con gái kể về sếp của mình với niềm tự hào không che giấu: “Má biết không, sếp con dự báo giỏi lắm, vừa đầu mùa dịch đã huấn luyện tụi con sử dụng phần mềm dạy online cho nên tới bây giờ vẫn ổn”. Ổn, nghĩa là ngồi nhà dạy học qua mạng và tiền lương giảm 25%. So với ba và anh trai thì 25% biến mất này đáng gọi là may mắn.
Con gái kể, sếp nói rất cân nhắc giữa việc giảm nhân viên hay giảm lương, cuối cùng thì sếp chọn giảm lương để tất cả đều giữ được việc làm, kể cả sinh viên thực tập. Sếp còn hứa sau này sẽ đền bù cho tất cả. Lời hứa đền bù cho thấy hy vọng về tương lai. Giữa dịch bệnh nhiều thông tin hiu hắt thì thông tin từ con gái khiến không khí tươi tắn hơn.
Chuyện đáng kể ra đây là làm việc online. Với chồng tôi thì đơn giản vì anh trao đổi chủ yếu bằng văn bản. Còn dạy học, camera cho con gái nhìn thấy học trò thì học trò cũng nhìn thấy cô giáo. Vậy nên phải làm cho bức tường sau lưng cô giáo được sạch sẽ, xinh xẻo. Điều này không khó.
Giữa giờ học tiếng Thổ, anh trai thư giãn bằng cách tháo gỡ những thứ treo móc lung tung và dán giấy che khuất những vết đinh và vết ố, xong rồi thì vì ảnh hưởng của thứ tiếng đang học, bèn lấy vải vụn của thợ may làm thành bức tranh tường và hùng hồn giải thích hồi đưa đoàn khách đi Thổ Nhĩ Kỳ thấy mấy tấm thảm được du khách tấm tắc khen mà nó… giống như anh đang làm cho em nè!
Cả nhà lại được dịp cười ồ khi con gái trang điểm dễ thương và thay áo đẹp mà không cần thay quần đẹp vì ngồi trước máy tính thì camera chỉ quay từ cổ trở lên thôi! Nhưng khi giảng bài, con gái yêu cầu tuyệt đối im lặng thì thành chuyện, bởi con gái giảng bài học trò nghe được thì mọi âm thanh từ phía cô giáo cũng đến tai học trò.
Đừng tưởng học qua mạng thì sao cũng được mà càng phải nghiêm túc hơn bởi vì còn có phụ huynh kè kè bên cạnh học trò. Không tin hả, nghe nè. Con gái mở loa ngoài cho cả nhà rõ giọng phụ huynh thì thầm bên tai bé yêu “cô giáo hỏi kìa, đáp án là a hay b hay c, con trả lời đi”.
Ảnh minh họa
Căn hộ chung cư 30m2 là một không gian chung cho cả nhà. Âm thanh nào vang lên thì tất cả cùng nghe, kể cả tiếng gõ cửa từ căn hộ đối diện. Vậy nên tới giờ con gái dạy học thì tất cả điện thoại đều phải tắt chuông và dĩ nhiên không được bật ti vi; nếu đang giờ nấu nướng thì người đứng trong bếp phải đóng mở nắp nồi thật nhẹ tay và không được mở vòi nước tuôn rào rào…
Chồng sẵn lòng phụ giúp vợ nấu nướng nhưng khi vô bếp trùng với giờ dạy học của con gái thì chồng lắc đầu, đợi cho vòi nước ri rỉ đến khi đầy thau mà rửa rau thì thật quá thử thách lòng kiên nhẫn. Đợi đến khi con gái dạy xong và tháo tai nghe ra khỏi tai, tôi nói khích chồng: “Bây giờ thì anh tha hồ vặn vòi rửa sạch được rồi đó”.
Chồng tôi nhướng mắt: “Chẳng lẽ nãy giờ anh rửa dơ à? Hả, lương sinh viên có ba lăm ngàn một giờ mà làm khổ cả nhà quá”. Con gái hếch mũi: “Mới sáng nay anh hai hỏi mượn con mấy chục ngàn mua card nạp điện thoại đó ba ơi!”. Con trai nhún vai như thể vừa khám phá điều bí ẩn: “À há, bấy lâu nghe nói nghề giáo bạc bẽo mà nay mới biết siêu quyền lực”.
Chồng tôi bỏ qua vụ rửa rổ rau kéo dài gần nửa tiếng đồng hồ mà cười ha ha: “Nên mới có câu, cờ đến tay ai người đó phất”. Con trai tỏ ra thấm thía bèn cam chịu: “Con không phải phất cờ thì con đi ngủ đây”. Con gái kêu lên: “Anh không được ngáy to nghe chưa”. Nhìn con trai bặm chặt môi thay cho câu trả lời, tôi lửng lơ buông một câu: “Ờ, nhờ cô giáo dạy cho anh hai cách ngáy sao cho thì thầm duyên dáng thôi!”.
Cả nhà cười vang.
Giữa cơn dịch bệnh gây nhiều âu lo về tiền bạc lẫn tinh thần, tôi chỉ mong đừng ai trong nhà mình bị stress, vậy nên nghe cha con anh em trêu chọc nhau, tôi mừng lắm. Còn vang tiếng cười đùa thì khó khăn đến chừng nào cũng chịu được. Vậy nên cứ sau ca dạy của con gái thì tôi là người khơi lên câu châm chọc để làm mồi…
Phần tôi thì nín thinh để con gái được thoải mái với công việc của mình. Vì cái máy may không thể không vang tiếng ồn nên để con gái không nhận ra yêu cầu tuyệt đối im lặng gây khó cho tôi đến thế nào (mà có nhận ra thì biết làm gì khác được đâu) tôi phải nhớ kỹ khoảng thời gian giữa những ca dạy để tranh thủ đạp máy may.
Liếc mắt nhìn thấy con gái tô son là tôi biết sắp tới giờ và khi con ngồi vào trước máy tính thì tôi làm như đã xong việc, thong thả đứng lên rời khỏi máy may, dù trong lòng rất sốt ruột vì đã hứa giao số khẩu trang này vào sáng sớm mai mà vải vóc vẫn còn ngổn ngang. Tôi bày ra nhồi bột làm bánh hay làm gì đó trong yên lặng, chỉ thỉnh thoảng nhìn con và nháy mắt cười như con vừa dạy một câu rất vui tai.
Để rồi khi con gái hào hứng báo tin vừa nhận thêm hai ca dạy nữa, rằng “má thấy sếp con giỏi ghê chưa, nơi khác phải đóng cửa mà trung tâm con thì có thêm học trò”, tôi ừ, sếp của con giỏi quá, hình dung đến lúc con gái ngồi trước máy tính cả buổi sáng và buổi chiều, tôi nghĩ thầm, cũng được thôi, vậy thì ngày của mình sẽ bắt đầu từ chập tối cho tới qua khuya, không sao, sẽ ngủ giấc trưa thật dài để bù lại.
Thật ra thì tiền công may khẩu trang dù bèo bọt nhưng vẫn cao hơn lương sinh viên của con gái, nếu phải chọn lựa đơn thuần tiền bạc…
Và cũng nếu phải chọn lựa, thì tôi vẫn sẵn lòng nhường không gian cho con gái, để con có niềm hứng khởi tự mình kiếm ra tiền mặc dù thời thế khó khăn, để con giữ được niềm tin là dù cuộc sống trắc trở bất ngờ thì người ta vẫn có thể tìm ra cách để chiến thắng trong kiêu hãnh.
Từ đâu đó rất gần, con vi-rút nham hiểm kia chạm vào từng thành viên của gia đình tôi theo cách của nó và tôi chiến đấu với nó theo cách của mình: giữ cho gia đình luôn vang tiếng cười.
Theo Nguyên Hương (phunuonline.com.vn)
Nguồn: Người Lao động
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét