Trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ cần cực kỳ cẩn trọng, đi khám ngay khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường.
Thai kỳ 9 tháng của mẹ sẽ được chia làm 3 giai đoạn: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Trong đó, 3 tháng đầu thai kỳ khi em bé vừa làm tổ trong tử cung mẹ và bắt đầu hình thành những bộ phận đầu tiên được cho là quan trọng nhất.
Đây cũng là thời kỳ nguy hiểm, dễ xảy ra vấn đề và cần mẹ thật cẩn thận, để ý. Ngay khi thấy cơ thể có những bất thường dưới đây, mẹ bầu cần đi khám ngay.
1. Đau bụng
Đau bụng nhẹ trong một vài ngày đầu khi mới mang thai là hiện tượng phổ biến và bình thường. Nhưng nếu bụng đau đột ngột và co cứng thì mẹ cần hết sức cẩn thận. Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, đau bụng dữ dội đi kèm với chảy máu âm đạo là triệu chứng cảnh báo nguy cơ sảy thai và thai ngoài tử cung.
Nếu mang thai ngoài tử cung, người mẹ sẽ có cảm giác bụng đau như xé. Nếu có nguy cơ sảy thai, người mẹ có cảm giác “hụt” ở bụng tương đối rõ ràng mà không thấy bụng đau nhiều.
Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, đau bụng dữ dội đi kèm với chảy máu âm đạo là triệu chứng cảnh báo nguy cơ sảy thai và thai ngoài tử cung. (Ảnh minh họa)
2. Chảy máu âm đạo
Khi mới mang thai, mẹ có thể thấy một vài đốm máu nhỏ trên đũng quần lót. Đây là máu báo thai và nó hoàn toàn bình thường. Nhưng ngay khi thấy máu ra nhiều, màu đỏ tươi, có kèm theo cục máu đông thì mẹ cần đi khám ngay vì có nguy cơ sảy thai, thai ngoài tử cung.
3. Đau buốt khi đi tiểu
Khi đi tiểu bị đau buốt quá hoặc đi tiểu kèm theo máu có thể là dấu hiệu của bệnh viêm bàng quang hoặc nhiễm trùng đường tiểu. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ trở lên nghiêm trọng và gây sinh non.
Nếu đó là bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn nên gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời để tránh rủi ro cho thai kỳ. Mẹ bầu cũng nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ để hạn chế nguy cơ bị đau buốt khi đi tiểu.
4. Đau đầu dữ dội
Đau đầu, mệt mỏi là hiện tượng phổ biến ở những bà mẹ mang thai tháng đầu. Tuy nhiên, nếu mẹ đột nhiên đau đầu triền miên, ăn không ngon, ngủ không yên. Đồng thời bàn tay, mặt của bạn cũng sưng húp lên thì có thể bạn mang dấu hiệu của chứng tiền sản giật (hiện tượng xảy ra khi mang thai do huyết áp quá cao).
Đặc biệt khi bạn nhận thấy có dấu hiệu tầm nhìn đột nhiên trở nên mờ, thị lực bị giảm đi kèm thì mẹ nên đi thăm khám cẩn thận với bác sĩ chuyên khoa, thực hiện đo huyết áp và xét nghiệm nước tiểu.
Đau đầu dữ dội kèm sưng phù có thể là dấu hiệu tiền sản giật. (Ảnh minh họa)
5. Không còn dấu hiệu mang thai
Nếu khi mới mang thai, mẹ thấy ngực căng cứng lên, thường xuyên mệt mỏi, ốm nghén nhưng những dấu hiệu này đột ngột biến mất thì hãy đi khám ngay. Đây có thể là biểu hiện của việc sảy thai.
6. Ngứa “vùng kín”
Tiết dịch âm đạo nhiều hơn bình thường là triệu chứng phổ biến khi mang thai. Tuy nhiên khi thấy vùng kín ra quá nhiều dịch, có mùi hôi kèm ngứa ngáy thì có thể mẹ đã bị nhiễm trùng vùng kín hoặc mắc bệnh qua đường tình dục. Căn bệnh này rất nguy hiểm trong thai kỳ và gây hại trực tiếp đến thai nhi.
Các bệnh viêm nhiễm vùng kín khi mang thai có thể ảnh hưởng đến bé nên cần điều trị sớm. (Ảnh minh họa)
7. Sốt cao
Sốt cao hơn 38 độ C là dấu hiệu nghiêm trọng khi mang bầu. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng – ảnh hưởng xấu đến em bé.
Sốt trong thời gian mang thai đi kèm triệu chứng phát ban, đau khớp có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng cytomegalovirus, toxoplasma hoặc parvovirus. Những vi khuẩn này có thể gây bệnh điếc bẩm sinh vô cùng nguy hiểm.
Khi thấy sốt cao mẹ cần nhập viện hoặc gọi điện cho bác sĩ để được khám bệnh kịp thời. Hãy nói với bác sĩ tất cả những triệu chứng đang gặp phải như cúm, phát ban, đau khớp… để bác sĩ dễ dàng kết luận bệnh.
Xem thêm chủ đề Mang thai 3 tháng đầu
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét