Để thêm phần kín đáo, tôi chuẩn bị hàng loạt phong bao lì xì, lên trước danh sách con cháu, họ hàng trong nhà để không “vỡ kế hoạch”. Thế nhưng người tính không bằng trời tính là thật, vợ chồng tôi vẫn trải qua một cái Tết “méo mặt” như thường!
Trước khi về tết hai vợ chồng đã quán triệt với nhau là năm nay kinh tế khó khăn nên phải tiết kiệm, không thể xông xênh mà vung tay mừng tuổi như năm ngoái nữa.
Từng trải qua và nghe được nhiều tình huống dở khóc dở cười về chuyện lì xì nên Tết này vợ chồng tôi giơ cao khẩu hiệu “tiết kiệm vì tương lai con em chúng ta”. Kinh tế thì khó khăn, nếu cứ giữ quan điểm “cả năm mới có vài ngày” rồi vung tay như những năm trước thì “đói” mất.
Từ trước Tết cả tháng trời, tôi đã chuẩn bị mua sắm dần đồ biếu Tết nội ngoại để tránh chuyện Tết đến cái gì cũng tăng giá. Đồ ăn thức uống ở nhà tôi cũng chỉ sắm vừa đủ, không mua vừa phứa rồi đến lúc vứt thì tiếc, ăn vào thì sợ mập. Khoản khiến tôi đau đầu nhất là tiền lì xì.
Để thêm phần kín đáo, tôi chuẩn bị hàng loạt phong bao lì xì, lên trước danh sách con cháu, họ hàng trong nhà để không “vỡ kế hoạch”. Thế nhưng người tính không bằng trời tính là thật, vợ chồng tôi vẫn trải qua một cái Tết “méo mặt” như thường!
Lì xì bị bóc luôn tại trận, trẻ không ngừng bình phẩm
Vợ chồng tôi mới tậu được căn chung cư nho nhỏ trên thành phố nên năm nay quyết định sẽ mùng 1 Tết nội, mùng 2 Tết ngoại rồi mùng 3 sẽ lên thành phố nghỉ ngơi. Đúng là có về quê mới cảm nhận rõ cái không khí Tết khi họ hàng anh em sum họp đông đủ.
Đông anh em thì vui thật. Nhà chồng tôi có 5 anh chị em, trên bố chồng tôi lại có 8 anh, chị nên cháu chắt đếm vội cũng phải cỡ chục mâm cỗ. Mang tiếng hai vợ chồng đi làm xa cả năm mà Tết không mừng tuổi được kha khá thì không ổn. Tôi quyết định cho đồng giá hết 50.000 đồng cho mỗi lì xì, như vậy cũng đã toi mất nửa tháng lương rồi.
Thế nhưng chẳng ngờ ngay khi vừa đưa chiếc lì xì, đứa cháu bên nhà em chồng tôi không ngần ngại bóc toẹt ra rồi nhìn tờ 50.000 đồng và bình luận: “Không nhiều bằng nhà bác A. Vậy mà bố mẹ cháu bảo cô chú ở thành phố giàu lắm”. Chẳng biết phải làm thế nào trong trường hợp này, tôi chỉ biết cười cười cho qua rồi chui vào phòng cho đỡ ngại.
Trẻ kéo “500 anh em” đến
Họ hàng anh em đã đông, tôi dù lên danh sách trước nhưng vẫn không ngờ vì “vỡ trận”. Chuyện là lúc sang chúc Tết mấy gia đình anh em, trẻ con nhà ấy sau khi được vợ chồng tôi mừng tuổi liền chạy ra ngoài chơi rồi lúc sau kéo về cả đám bạn, đứa nào đứa nấy đều háo hức chìa tay chờ lì xì.
Vì không dự trước tình huống này nên tôi chẳng thể làm gì khác ngoài việc rút những phong bao đã chuẩn bị trước để mừng tuổi luôn rồi lát về nhét tiếp tiền vào lì xì sau. Có vị khách rơi vào trường hợp giống tôi, ví lại hết tiền mệnh giá nhỏ nên loay hoay mãi không biết làm thế nào mà lũ trẻ thì không ngừng ời ời nhắc mừng tuổi. Thôi thì coi như giúp nhau việc tốt ngày Tết, tôi dù không quen vẫn chủ động lại gần rồi đổi giúp chú ấy chút tiền mệnh giá nhỏ hơn.
“Méo mặt” vì… họ hàng
Trong 5 anh chị em của nhà chồng, chỉ có vợ chồng tôi là làm trên thành phố và đã mua được nhà. Mọi người thì không cần biết đó là căn chung cư 2 phòng ngủ hay nhà 5, 6 tầng, cứ mua được nhà là nghe khá giả lắm rồi. Mẹ chồng tôi tự hào lắm nên Tết đến là tận tay dắt con trai, con dâu đi khắp họ hàng.
“Anh em họ hàng mà không năng đi lại thì gần cũng thành xa hết”, nghe mẹ chồng bảo vậy, tôi liền quay ra một góc để chuẩn bị vài chiếc phong bao. Nào là cụ B, cụ C năm nay khao thọ, nhà bác D thì trước giờ luôn rất tốt với nhà mình, em E nhà chú H năm nay vừa đỗ đại học… Tôi hoa hết cả mắt vì những lời giới thiệu của mẹ chồng. Bà còn vô tư khoe vợ chồng tôi mới lấy nhau mà đã mua được nhà rồi nhắc khéo chúng tôi rút ví.
Bố mẹ bỗng thành những kẻ nói dối
Trải qua 2 ngày Tết ở quê thôi mà tôi cảm giác mình kiệt quệ cả thể xác lẫn ví tiền. Mùng 3 lên thành phố, hai vợ chồng quyết dành cả buổi sáng để nghỉ ngơi cho lại sức, chiều chuẩn bị ít thức ăn nhẹ đón mấy gia đình thân thiết qua chơi.
Vừa đến nhà, tôi đã thấy bé Bống nhà cô bạn mặt mày đầy giận dỗi. Hóa ra bố mẹ nó trước giờ đều nói là sẽ giữ tiền mừng tuổi để riêng cho con nhưng thực ra đã nhập số tiền đó vào các khoản chi tiêu hàng ngày hết rồi. Mới đây cô bé phát hiện ra nên khóc tu tu một trận rồi khăng khăng khẳng định bố mẹ nói dối.
Vậy mới thấy, cả năm có vài ngày Tết thôi mà đủ thứ chuyện khiến ta dở khóc dở cười. Lì xì hay mừng tuổi đầu xuân vốn là hành động mang nhiều ý nghĩa tốt lành, thể hiện lời cầu chúc may mắn sức khỏe và tài lộc của người tặng gửi tới người nhận, vậy mà sao giờ lại thành nỗi ám ảnh của nhiều người thế không biết. Bảo sao nhiều người cứ hay than với nhau “đang yên đang lành, tự dưng… Tết”.
Nguồn: http://khampha.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/tet-meo-mat-chuyen-li-xi-nguoi-xot-ruot-vi-me-chon…
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét