Có anh chày cối cho rằng luật như vậy chưa phù hợp với văn hóa của mình, có anh lại bảo rằng phạt như vậy là quá đắt. Thế nhưng đánh giá việc phạt người uống rượu bia lái xe là đắt hay rẻ chẳng phải quá vô nghĩa sao. 40 triệu để đổi lại mạng sống, sự an toàn, ngẫm chăng vẫn còn quá rẻ!
Chị em “rần rần” vỗ tay ủng hộ
Kể từ năm 2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ nghiêm cấm toàn bộ hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người. Theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Luật số 44/2019/QH14) vừa được ban hành, kể từ ngày 1/1/2020, Việt Nam sẽ cấm triệt để hành vi đi xe ra đường (bao gồm cả ôtô, xe máy, xe đạp điện…) khi có nồng độ cồn trong người.
Không biết từ bao giờ, bia và rượu đã trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều cuộc gặp mặt. Họ uống khi vui, dùng chén rượu để cuộc gặp gỡ thêm phần vui vẻ thì đã đành, đây buồn họ cũng uống mà chẳng vui chẳng buồn thì cũng tìm cớ để uống.
Một người đến muộn buổi hẹn tốt nhất tự giác uống vài ly gọi là xin lỗi anh em. Có người dù không muốn uống cũng bị ép “nhấp môi” chén rượu rồi ngay lập tức chiếc chén lại được rót đầy. Những hình ảnh này chẳng xa lạ gì, nếu không gọi là quá quen thuộc với mọi người, quen đến mức nhiều người tưởng nhầm nó là một thứ “văn hóa”, có uống mới là hiếu khách, có uống mới là tôn trọng nhau.
“Nam vô tửu như kỳ vô phong”, đó là câu nói được nhiều cánh mày râu đưa ra để ngụy biện cho hành động nhậu nhẹt của mình. Tỷ lệ đàn ông Việt Nam uống rượu bia thuộc hàng cao nhất thế giới và những hậu quả bia rượu gây ra có lẽ không ai là không biết. 60% vụ tai nạn giao thông xảy ra do bia rượu, hơn 30% các vụ bạo lực gia đình và gây mất an toàn trật tự xã hội có nguyên nhân từ bia rượu. Chị em nào lập gia đình, đã phải trải qua chồng đi nhậu với anh em bạn bè mãi không về sẽ biết cảm giác ấy hoang mang thế nào.
“40 triệu đổi lại sức khỏe, an toàn tính mạng thì vẫn rẻ lắm”
Ngay khi có hiệu lực, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia lập tức nhận được sự ủng hộ lớn, đặc biệt từ phía các chị em. Nhiều người không ngần ngại chia sẻ lẽ ra việc lái xe sau khi uống bia rượu cần được siết chặt từ sớm hơn.
“Gia đình tôi từng có người bị tai nạn giao thông vì bị lái xe say rượu tông vào nên tôi sợ con ma men này vô cùng. Mọi người cần hiểu rõ, luật không cấm bia rượu mà là cấm điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống bia rượu nhé. Phải là người vợ ở nhà mòn mỏi nhìn đồng hồ mãi không thấy chồng về rồi thấp thỏm không biết anh ấy đi đường có gặp vấn đề gì không, người ta mới biết sợ bia rượu.
Chồng tôi không phải người mê nhậu nhưng đã ngồi với anh em thì có kém ai chén nào. Không uống thì họ bảo mình khinh, vậy là ông chồng “dễ dãi” của tôi vốn đã tửu lượng kém nay càng dễ gục trên bàn nhậu. Từ ngày luật có hiệu lực, tôi chưa thấy “chiến hữu” nào rủ chồng tôi say sưa sau giờ làm nữa”, chị Nguyễn Như Ngọc (40 tuổi, Quận 1, TP.HCM) chia sẻ.
Không biết từ khi nào, những chén rượu, ly bia đã trở thành nỗi sợ hãi đối với các chị em.
Có cùng quan điểm ủng hộ luật như trên, chị Phạm Thanh Ngân (31 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ quan điểm của mình: “Chồng tôi sức khỏe không được đảm bảo nên anh ấy hầu như không uống bia, rượu. Chính vì điều đó, mỗi lúc có dịp gặp mặt bạn bè, người thân đông đủ là anh ấy lại bị mọi người khích bác bằng những từ rất khó nghe, nào là “không uống là chú khinh anh”, “đàn ông gì uống nước ngọt như đàn bà thế”…
Chẳng biết uống thêm dăm lon bia với chục chén rượu sẽ khiến những người đó trở nên đàn ông thế nào nhưng tôi chỉ biết hậu quả mà nó gây ra thì quá đáng sợ. Tôi rất ủng hộ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và mong những câu nói như vậy không còn cướp đi mạng sống của bao người, khiến gia đình tan vỡ nữa”.
Tivi, báo đài không ngừng cập nhật về những trường hợp vi phạm và bị xử lý vi phạm ngay trong những ngày đầu năm mới. Có anh chày cối cho rằng luật như vậy chưa phù hợp với văn hóa của mình, có anh lại bảo rằng phạt như vậy là quá đắt. Thế nhưng đánh giá việc phạt người uống rượu bia lái xe là đắt hay rẻ chẳng phải quá vô nghĩa sao. 40 triệu để đổi lại mạng sống, sự an toàn, ngẫm chăng vẫn còn quá rẻ!
Hình ảnh một người vợ hào hứng khoe từ ngày phạt nặng hành vi lái xe sau khi uống bia rượu, chồng cô đi nhậu đều rủ vợ đi cùng, vừa đảm bảo an toàn mà vợ khỏi đứng ngồi lo chồng không biết khi nào về.
“Khi say, ai dám chắc mình có thể “biết điểm dừng””
Những cuộc điều tra xã hội học đã được tiến hành, việc uống một lon bia có nguy cơ gây tai nạn cao gấp 3 lần so với việc không uống lon nào. Nhiều cánh mày râu vẫn khăng khăng khẳng định mình uống bia rượu là đều lý do cả, rồi thì sẽ “uống biết điểm dừng” thế nhưng ai dám chắc mình có thể kiểm soát hành vi khi say?
Chất cồn có trong rượu bia được giới khoa học xếp vào nhóm chất gây nghiện và có tác động đến hệ thần kinh ngay khi ta uống. Xét về mặt khoa học, rất khó để kiểm soát hành vi, suy nghĩ đến trách nhiệm khi đã say.
Chị Phạm Thanh Ngân chia sẻ: “Lúc tỉnh thì người ra rất dễ nói hay nhưng các anh có biết mỗi ngày có bao nhiêu người chẳng thể tỉnh lại để mà ăn năn từ nay sẽ bỏ rượu không. Thay vì hứa về một điều quá khó thực hiện đó là kiểm soát mình khi đã say, tốt nhất đừng để bản thân mình rơi vào trạng thái đó. Tuân thủ luật pháp cũng chính là bảo vệ mình, bảo vệ gia đình.
Không phải tự nhiên mà pháp luật các nước đều có những biện pháp để kiểm soát việc sử dụng bia rượu như đánh thuế cao, hạn chế/cấm quảng cáo, xử phạt nặng… Thay vì hô hào “uống có trách nhiệm”, đây chính là cách tốt nhất để bạn và gia đình thoát khỏi những hệ lụy của “ma men”.
Theo Nghị định số 100/2019/CP-NĐ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/1/2020 (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP), các hành vi vi phạm về nồng độ cồn sẽ bị phạt rất nặng. Cụ thể, với người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn sẽ phạt tiền tối đa từ 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 – 24 tháng nếu nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở. Người điều khiển xe môtô bị phạt tối đa tới 8 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Riêng với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ nếu vi phạm về nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền cao nhất là 600.000đ. |
Nguồn: http://khampha.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/phat-nang-lai-xe-uong-ruou-bia-chi-em-tho-phao-co-…
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét