Sống theo đạo lý hay theo trái tim?

Chị Hạnh Dung kính mến,


Năm em 30 tuổi, ba em mất. Đây là cú sốc rất lớn vì em mồ côi mẹ từ nhỏ và chỉ có ba là người thân. Trong lúc trầm uất thì em gần gũi với vợ em – lúc đó là đồng nghiệp cùng phòng ban.


Biết được chuyện buồn của em, cô ấy bày tỏ sự quan tâm và mỗi cuối tuần cô ấy lại sang nhà em lo liệu chuyện ăn uống, quần áo. Tụi em chưa bao giờ nói yêu nhau. Nhưng vì sự gắn bó đều đặn nên em ngỏ lời hỏi cưới.


Lúc này em mới biết gia đình cô ấy phản đối kịch liệt vì em “không cha không mẹ, tứ cố vô thân”. Cô ấy cũng không đủ can đảm cãi lời ba mẹ, nên đề nghị tiếp tục mối quan hệ như trước nay…


Dẫu vậy, em và cô ấy đã xem nhau như vợ chồng. Với ý thức chung thủy của một người chồng cộng với nỗi muộn phiền từ ngày mất cha, em không một lần nghĩ mình sẽ yêu ai khác.


Sống theo đạo lý hay theo trái tim?


Ảnh minh họa


Rồi em gặp Th., cảm giác rung động ập đến. Với Th., em nói chuyện rất thoải mái, có thể chia sẻ và tâm sự mọi vấn đề, và có cả cảm xúc nhớ nhung lẫn sự rạo rực giữa hai người khác giới. Điều này em chưa từng có với vợ em.


Em và vợ đến với nhau khi em đang cô đơn và yếu đuối. Cô ấy giống như một người ơn mà em từng nghĩ sẽ “đền đáp” bằng việc kết hôn, cho nhau một mối quan hệ danh chính ngôn thuận. Tụi em sống với nhau rất êm ả, chưa từng dỗi hờn nhưng không một phút yêu đương cao trào.


Hiện tại, Th. yêu và hiểu hoàn cảnh của em. Em biết mình đã sai với vợ. Nếu làm đúng đạo lý, em phải chấm dứt ngay mối quan hệ với Th. để quay về với vợ. Nhưng đạo lý đó không đúng với trái tim em.


Em sai rồi chị ạ. Giờ quyết định thế nào cũng sẽ làm đau một người. Nhưng phải quyết thôi, vì cứ sống thế này em quá căng thẳng. Em nên chung thủy với vợ hay thành thật với tình cảm của mình? Xin chị giúp em một lời khuyên.


Đức Đ. (Q.3, TP.HCM)


Đức Đ. mến,


Em đã rơi vào hoàn cảnh khó xử vì từ đầu đã không rạch ròi với tình cảm của mình, vậy nên muốn thoát khỏi nó, ta chỉ còn cách phải rạch ròi. Em đang băn khoăn giữa chung thủy và thành thật.


Hạnh Dung xin khẳng định, không thể có chung thủy nếu không có một tình cảm thành thật. Đây không phải là lúc em tính toán xem nên đến với người nào thì đỡ tội lỗi hơn. Mà em cần tự xác định và cân bằng những mong muốn bên trong mình.


Mặt khác, em cần chín chắn hơn trong từng bước đi của một mối quan hệ. Không phải cứ yêu là phải cưới. Không phải cứ biết ơn là phải… cho nhau một danh phận.


Em cần nghiêm túc hơn với hôn nhân. Nghiêm túc không phải là khư khư giữ lấy nó, mà phải hiểu giá trị của nó để không dùng nó như một “món quà”, hay nhập nhằng với những loại tình cảm khác.


Nếu trước nay em đã dễ dàng nói “có” để những mối quan hệ hình thành ngoài kiểm soát, thì bây giờ hãy thử nói “không”. Hãy tập bằng cách nghĩ đến từng khía cạnh của từng mối quan hệ, xem đâu là điều mình sẽ không làm được bằng một con tim thành thật.


Từng câu trả lời sẽ giúp em hệ thống lại những việc em không nên làm. Rồi từ đó, em sẽ biết mình cần phải làm gì. Đáp án có thể không phải là một cái tên, mà quan trọng hơn, nó có thể là đáp án cho một lối sống, một lối tư duy mạch lạc, trách nhiệm.


Cuối cùng, nếu kết quả của cuộc tự vấn đó thế nào, em cũng hãy can đảm đối diện và thực hành nó. Người ta sẽ đau đớn nếu phải chia xa, nhưng càng đau hơn nếu biết đối phương vì thương hại hay cả nể mà đến với mình.


Chúc em bình an!



Theo Hạnh Dung (phunuonline.com.vn)


Nguồn: Người Lao động




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét