Vì không khỏe trong đầu lẫn trong người, có thời gian tôi… đuổi chồng ra sofa ngủ. Sau, thiên hạ thái bình, tôi làm hòa nhưng chồng tôi cương quyết không quay lại. Có phải chồng tôi giận dai?
A.Thương (TP.HCM)
Trước khi gán cho anh nhà tội dỗi dai, bạn và các bà các cô cùng cảnh ngộ có lẽ nên suy xét kỹ. Đằng sau động thái ấy, tuy mang dáng dấp một màn làm mình làm mẩy đàn ông nhưng có thể là một vốc đầy nỗi niềm chìm nổi.
Trước tiên, cú văng từ giường ra sofa có thể được các ông diễn giải như thể một cú tát trả giá cho sự yếu kém của mình. Có thế mới giải thích được chuyện cô vợ dù nhức mình khó ở thế nào, cùng lắm là ỉ ôi, xụ mặt nhíu mày chứ lý nào lại đành tâm làm chuyện ấy với người đầu ấp tay gối.
Ảnh minh họa
Cách hiểu đó cũng dùng để lý giải nguyên do khiến ông không chịu thông cảm với sự không khỏe của vợ – điều lẽ ra một người đàn ông không chấp nhặt phải làm. Lúc này, rõ ràng màn nối lại tình xưa của bà chắc chắn thất bại, bởi nó không cầm máu, sát trùng trúng vết thương lòng của ông mà lại vuốt ve nhầm vết bầm giận dỗi thường tình.
Nói vậy cũng không loại trừ một số ông chồng túc trí đa mưu, tận dụng việc bị “đuổi thẳng” để lặn mất tăm luôn chuyện trên giường mà có khi vì nó, ông phải nai lưng suốt thời gian dài.
Buồn cười, có khi màn hờn mát toan tính của ông chỉ nhằm… xả hơi, do tuổi tác, bệnh tật không cho phép. Sau cùng, cũng có thể nghĩ đến trường hợp đó chỉ là kế của mấy ông chồng mê phòng nhì, muốn đổi tay lái, hợp thức hóa sự xao nhãng cả trí và lực của mình.
Chốt lại, tình hình có vẻ vẫn khả quan, bạn ạ! Nếu không phải vì tự ái bị vợ chê kém thì có thể do ông cần xả hơi, cần thời gian “phục hồi” hay đại loại thế. Nếu đúng, ngày khải hoàn không xa.
Việc ông hỉ xả, đại xá và hoan hỉ ôm gối chuyển ngược từ sofa về giường xưa chỉ là không chóng thì chầy. Ca này, nếu tinh ý, các bà không khó nhận ra qua thần thái: dù lạnh tanh thế nào thì ông vẫn kín đáo chừa đường quay về giường xưa.
Theo Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn (phunuonline.com.vn)
Nguồn: Người Lao động
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét