Bạn có thể không thực hiện những kỳ nghỉ đắt đỏ, ăn tối tại các nhà hàng xa hoa song thực tế là bạn vẫn đang thực hiện nhiều khoản chi tiêu tùy ý. Tất nhiên, chi tuỳ ý một chút không có gì là sai, vấn đề là chúng ta cần có kế hoạch và định lượng cho chúng.
Bạn từng nhiều lần thắc mắc, không hiểu những đồng tiền của mình đã đi đâu trong khi bản thân không phải người cuồng mua sắm hay chi tiêu xa xỉ?
Nếu đó là cảm giác mà bạn từng hoặc nhiều lần trải qua, đừng quá lo lắng vì có rất nhiều người giống bạn. Chúng ta thật dễ để bỏ qua tất cả những “rò rỉ” mà bản thân nghĩ rằng không đáng là bao.
Mỗi ngày, chúng ta bận rộn với công việc, gia đình và các mối quan hệ khác. Chúng ta quẹt thẻ khi đi siêu thị, trả tiền mặt khi đi chợ, đóng tiền điện nước qua thẻ và vô vàn giao dịch từ lớn đến nhỏ khác. Với tất cả những điều đang diễn ra, thật khó để theo dõi chính xác chi tiêu của mình.
Và rồi một ngày, khi kiểm tra số dư ngân hàng hoặc mở ví, bạn mới giật mình khi thấy số dư thấp đến mức không tưởng hay ngăn ví trống trơn. Bạn tự nhủ bản thân không phải là người cuồng mua sắm, cũng không chi tiêu xa hoa. Bạn không ăn ở các nhà hàng sang trọng, không nghỉ dưỡng ở các resort 5 sao, cũng không lái những chiếc xế hộp tiêu thụ xăng như uống. Vậy, tất cả tiền của bạn đã đi đâu?
Để trả lời cho câu hỏi đó, dưới đây là một số cách để bạn bắt đầu tìm kiếm những khoản rò rỉ trong ngân sách cũng như một số mẹo giúp bạn kiểm soát ngân sách tốt hơn.
Phát hiện rò rỉ ngân sách của bạn
Hãy dắt đầu tìm kiếm những rò rỉ ngân sách bằng cách tự hỏi bản thân một vài câu hỏi về chi tiêu hàng ngày của mình:
Bạn trả bao nhiêu cho một lần làm tóc?
Lần gần nhất bạn đến hiệu làm tóc là bao giờ? Bạn đã cắt tóc hay sử dụng thêm cả các dịch vụ đắt đỏ khác? Bạn có sử dụng ưu đãi nào không hay trả bằng giá niêm yết?
Tương tự, bạn có tìm kiếm các ưu đãi khi mua sắm và cố gắng giữ gìn để mặc được chúng càng lâu càng tốt không hay thường xuyên thay đổi tủ quần áo của mình bằng những phong cách mới?
Cắt tóc và mua sắm quần áo là những khoản chi tiêu cần thiết, nhưng rất có thể bạn đang trả nhiều hơn mức cần thiết.
Bạn có mua cà phê mỗi ngày không?
Nhiều người thường tạt qua các quán cà phê để mua một cốc khởi đầu ngày mới hoặc chiều chiều lại cùng các đồng nghiệp trong công ty gọi trà sữa, nước ép. Thậm chí, điều này đã trở thành thói quen của rất nhiều người và không hề nghĩ rằng thói quen này đang ngốn của bạn không ít tiền.
Chỉ cần thay đổi thói quen này, tự chuẩn bị đồ uống tại nhà, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền và còn kiểm soát được lượng đường nạp vào cơ thể. Thử tính toán, nếu một tuần bạn mua đồ uống vài lần với chi phí mỗi lần là 30-50 nghìn đồng, bạn đang tiêu tốn bao nhiêu mỗi tháng? Ăn vặt, chi cho đồ tráng miệng quá nhiều cũng là cách tiêu tốn ngân sách mà bạn không để ý tới.
Bạn thường ăn bữa trưa thế nào?
Đi ăn hàng mỗi trưa thay vì tự chuẩn bị đồ ăn của mình có thể nhanh chóng tiêu hao tiền của bạn. Ngay cả khi bạn không đi đến một nhà hàng sang trọng, chỉ đơn giản là những hộp cơm hay salad lành mạnh, chúng đang ngày ngày tiêu tốn tiền, khiến ví của bạn xẹp đi.
Hãy cố gắng tạo cho mình thói quen chuẩn bị đồ ăn tại nhà. Bạn sẽ không tốn quá nhiều thời gian mà vừa có thể tiết kiệm hiệu quả lại kiểm soát tốt hơn những gì nạp vào người.
Bạn luôn lựa chọn đi xe máy, taxi đến mọi nơi?
Thực tế là chúng ta đang lười hoạt động hơn khi hoàn toàn có thể đi bộ đến những địa điểm gần nhà nhưng lại chọn đi xe hoặc gọi taxi cho nhanh. Tăng cường đi bộ chính là bạn đang tiết kiệm tiền nhiên liệu cũng như khấu hao xe và còn tăng cường sức khoẻ. Nếu bạn muốn đi chợ gần nhà hay chỗ làm việc không quá xa, hãy thử với đi bộ hoặc xe đạp. Nếu bạn làm việc khá xa nhà, hãy nghĩ đến việc rủ ai đó đi chung hoặc chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng.
Mẹo nhỏ ở đây chính là hãy theo dõi và nghiêm túc với các khoản chi của bạn. Hãy xem liệu các giao dịch mua của mình có cần thiết không? Nếu chúng cần thiết, bạn có đang lựa chọn phương án rẻ nhất không?
Ngân sách giúp kiểm soát chi tiêu
Khi bạn tự hỏi bản thân chi tiêu nào là cần thiết và chi tiêu nào là không, hãy nhớ rằng việc chăm sóc bản thân là không “sai”. Bạn không cần phải cảm thấy tội lỗi khi mặc những bộ cánh đẹp hay mua cho mình bữa ăn ngon. Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta phải kiểm soát những khoản chi tiêu đó, để không chi tiêu quá đà và ngốn hết những gì mình vất vả mới kiếm được.
Chi tiêu không cần thiết còn được gọi là chi tiêu tùy ý. Nói cách khác, những giao dịch mua này được thực hiện theo quyết định của bạn, không phải là một phần thiết yếu của cuộc sống.
Đây chính là lúc việc lập ngân sách sẽ phát huy tác dụng. Cốt lõi của việc lập ngân sách là bạn cần sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên: cắt giảm những khoản chi ít quan trọng đối với bạn và bạn sẽ có chỗ trong ngân sách cho những khoản chi tiêu quan trọng hơn đối với mình.
Dưới đây là một số cách lập ngân sách phổ biến và bạn có thể lựa chọn cách phù hợp với mình nhất.
Ngân sách 80/20: Phù hợp với những người muốn có ngân sách đơn giản, nhanh chóng. Theo đó, bạn sẽ dành 20% thu nhập cho tiết kiệm hoặc trả nợ và 80% cho tiêu dùng hàng ngày bao gồm cả nhu cầu thiết yếu và nhu cầu cá nhân.
Ngân sách 50/30/20 : Phù hợp với những người muốn lập ngân sách cụ thể hơn. Theo đó, 50% thu nhập của bạn sẽ dành cho nhu cầu thiết yếu như nhà ở, điện, nước,… 30% tiếp theo dành cho các nhu cầu thư giãn, giải trí như ăn uống, xem phim,… và 20% còn lại dành cho tiết kiệm hoặc trả nợ.
Điểm mấu chốt
Bạn có thể không thực hiện những kỳ nghỉ đắt đỏ, ăn tối tại các nhà hàng xa hoa song thực tế là bạn vẫn đang thực hiện nhiều khoản chi tiêu tùy ý. Tất nhiên, chi tuỳ ý một chút không có gì là sai, vấn đề là chúng ta cần có kế hoạch và định lượng cho chúng. Lập ngân sách chính là cách để bạn có thể thiết lập khuôn khổ cho kế hoạch của mình, theo dõi tiến trình đạt được mục tiêu.
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét