Trong “7749” lý do giận chồng của chị em thì có lẽ quá nửa là từ sự vô tâm. Và trong hằng hà sa số các kiểu vô tâm của cánh mày râu, có một loại nghe thì buồn cười nhưng lại thuộc hạng “nan y”, vô phương cứu chữa. Đó là tật “vô tâm khi ngủ”.
Mất khả năng “tự giác”
Cang – chồng Thu – là người hiền lành, chăm chỉ, yêu chiều vợ con. Nhưng đó là lúc… thức. “Còn khi anh ngủ, anh cực kỳ vô tâm”, khi Thu thốt ra lời phàn nàn này, ai cũng phá lên cười. Người thì cho rằng lúc ngủ người ta làm gì còn có… nhân cách mà đòi có tâm với chả vô tâm.
Người khác, thì lại hiểu theo hướng… 18+, tưởng Thu đang phàn nàn về người chồng lạnh nhạt gối chăn. Nhưng không, Thu một mực khẳng định rằng tất cả từ ngữ trong câu than thở đó đều dùng theo nghĩa đen, tức là Cang hễ đã ngủ thì rất vô tâm. Và cô không thể chấp nhận được.
Lần đầu Thu “vỡ mộng” về người chồng lý tưởng là thời ở cữ. Chồng cô sau nhiều đêm ngày đồng hành cùng vợ ở bệnh viện thì về đến nhà anh… lăn ra ngủ. Người chồng hay ngủ thời son rỗi được vợ gọi yêu là “heo mập”, nhưng giờ, cái dáng nằm mê mệt đó như hiện nguyên hình một… kẻ vô cảm.
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Cang có tật ngủ rất mê, trời sấm chớp đùng đùng cũng không thể đánh thức. Có đêm con quấy, Thu vật vã thức trắng thì vẫn thấy Cang hồn nhiên thở đều. Có lúc mệt quá, cô vùng vằng, dằn dỗi và cố tình đụng vào người anh mỗi khi phải vận động. Nhưng Cang không hề hấn gì.
Đỉnh điểm là cái hôm Thu thấy mình ra máu nhiều, lòng như lửa đốt thì con lại thức quấy, khóc ngằn ngặt giữa đêm. Việc ra máu lúc ấy có thể bình thường, nhưng tinh thần đang yếu mệt, lại bị bủa vây bởi áp lực không ngừng nghỉ từ đứa nhỏ chỉ đòi bồng đứng suốt đêm khiến Thu kiệt quệ và giận chồng tím ruột.
Sau mấy đêm đầu, Thu ấm ức xả ra bằng một trận khóc lóc lôi đình. Cô vừa khóc vừa kể về nỗi mệt nhọc của người vợ vừa vượt cạn đã phải mất ngủ triền miên, lại gặp phải ông chồng vô tâm vô tính. Cang hốt hoảng xin lỗi, nói như van nài: “Anh bị tật mê ngủ. Khi nào cần quá, em làm ơn đạp cho anh thức”.
Thực tế là, ngoài những lần đánh thức bất thành, Thu vẫn… đạp chồng mỗi đêm. Dù không đạp một cách chính thức, nhưng mỗi lần phải trở dậy bồng con, mỗi khi đứa nhỏ đòi… đổi tư thế bồng, Thu lại trở người và làm như vô tình đạp chồng một cái. Nhưng Cang chỉ trở mình, thở hắt một cái rồi… ngủ tiếp.
Giai đoạn ở cữ trôi qua bằng sự… chấp nhận của Thu. Cang cũng bối rối. Khi thức anh ân cần, thiện chí, trách nhiệm bao nhiêu cũng không bù nổi vào sự “vô tâm” lúc anh say giấc. Anh trách vợ không nhiệt tình “thức tỉnh” mình, thì Thu lại gào lên: “Anh phải tự giác!”. Cang càng tuyệt vọng, khi ngủ thì tự giác thế nào được?
Trở lại độc thân
Chuyện rạn nứt vì giấc ngủ tưởng chỉ cá biệt trong gia đình Thu và Cang, chẳng ngờ, nó vẫn là nỗi khổ tâm âm ỉ trong nhiều gia đình trẻ.
Diễm năm nay 40 tuổi, trải qua 12 năm hôn nhân. Diễm chốt hạ: Long – chồng cô – hễ đã ngủ thì tuyệt đối độc thân, không cần biết vợ con hay bố mẹ sống chết thế nào.
Diễm đã có kinh nghiệm nên không chờ đợi sự tự giác nữa, mà kiên quyết gọi chồng dậy khi cần. Nhưng ngay cả khi đã thức, ông chồng mê ngủ cũng có cách làm bà vợ… tức lộn ruột.
Diễm kể, vào thời bỉm sữa, Diễm bằng mọi cách gọi Long thức dậy phụ pha sữa cho con. Sau khi bị “bạo hành” tứ tung, Long cũng lồm cồm bò dậy. Anh ra đứng dáo dác nhìn… cái bếp rồi như sực nhớ ra điều gì, anh đi vào phòng vệ sinh “giải quyết nỗi buồn” rồi… quay ra giường ngủ tiếp.
Đợt giãn cách xã hội mới đây, Diễm lại “phát điên” với tật ham ngủ của chồng khi phải ở bên anh 24/24. Một buổi trưa, cô đang làm món gà hầm dở dang thì phải nhờ chồng canh giúp để vào hỗ trợ mẹ chồng tập vật lý trị liệu.
Đang mải tập cho mẹ, Diễm thấy chồng lang thang vào phòng hỏi thăm mấy câu, rồi… thả người xuống giường.
Chẳng bao lâu sau, Diễm phát hiện có mùi thơm thơm giống thức ăn quá lửa ngoài bếp. Cô hỏi: “Anh tắt bếp chưa?”. Long ậm ừ gật gật. Diễm nghĩ, lúc canh nồi gà thì Long còn thức, hẳn anh không đến nỗi quên.
Thế nhưng trong lúc Long ngủ say thì Diễm nghe mùi khét thật gần. Cô đang dở tay đỡ mẹ, chỉ có thể với chân khều chồng một cái thật mạnh rồi gào lên: “Anh Long, anh chưa tắt bếp phải không?”.
Ảnh minh họa
Long ngơ ngác bật dậy, đứng dòm dòm lên… cái máy lạnh. Diễm đã quá quen với công đoạn “mộng du” này của chồng nên gào thêm một câu dứt dạt: “Tắt bếp, ở ngoài bếp ấy!”. Lúc Long tỉnh mộng chạy đi, mẹ chồng chỉ biết phì cười lắc đầu, còn Diễm thì tím tái ruột gan, lòng đầy bất lực.
Các bà vợ đối diện với ông chồng mê ngủ đều rút ra một bài học rằng… mọi sự giận dỗi đều vô ích, mọi lời góp ý đều vô tác dụng. Bởi đã đến giờ thì kẻ mê ngủ như… mất trí khôn tạm thời, mất khả năng tiếp nhận, rút kinh nghiệm, và mất luôn “dây thần kinh sợ hãi”.
Các chị đúc kết, cách duy nhất có thể cải thiện tình hình là… xếp lịch ngủ thật rạch ròi và khoa học, để cả nhà cùng ngủ một lúc, có những giấc ngủ thật chất lượng. Cách đó khiến chị em đỡ nhọc vì không phải thức khi ông chồng ngủ mê, và khi cần giao tiếp thì chồng cũng đã tỉnh táo.
Cang từng hiến kế cho vợ: “Nếu anh ngủ thì em xem như anh đang bận đi để đỡ bực”. Vân – một bà vợ đồng cảnh ngộ – từng cảnh báo với các chị vợ rằng không nên giận chồng bằng cách… im lặng, ngắt giao tiếp. Bởi, dịch giã nên cả hai đều ở nhà, nếu bị giận, ông chồng sẽ lại cảm thấy… tẻ nhạt và lại lăn ra ngủ, thiệt hại đó các chị lại lãnh hết.
Không biết các chị em khác cùng cảnh ngộ có chiêu gì để chạy chữa tật vô tâm khi ngủ của ông xã không?
Theo Thủy Lê (phunuonline.com.vn)
Nguồn: Người Lao động
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét